24/01/2025

Mập mờ trong biên soạn, công bố sách giáo khoa tiếng Anh

Mập mờ trong biên soạn, công bố sách giáo khoa tiếng Anh

Tiếng Anh là môn học duy nhất có riêng đề án quốc gia với kinh phí gần chục nghìn tỉ đồng mà người dân vẫn phải mua sách giáo khoa giá cao.

 

 

Chưa kể rất nhiều điều mập mờ, khó hiểu trong quá trình biên soạn, phê duyệt, công bố chương trình, sách giáo khoa (SGK) của môn học này.

 

SGK tiếng Anh luôn “đứng ngoài” ?

Theo chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới, tiếng Anh là môn học bắt buộc và phải có SGK như các môn học khác. Nhưng khi công bố giá sách của lớp 3, lớp 7, lớp 10 các đơn vị xuất bản đều không công bố giá sách tiếng Anh. Đây cũng là môn học có số đầu SGK được Bộ GD-ĐT phê duyệt nhiều nhất. Cụ thể, ở lớp 3, lớp 7, lớp 10 đều có 5 cuốn tiếng Anh khác nhau. Như vậy cả 3 lớp có tới 15 cuốn tiếng Anh. Trong bộ tiếng Anh lớp 6 mới áp dụng từ năm học này, SGK có tới có 8 cuốn của 4 nhà xuất bản (NXB), trong khi các môn học khác chỉ có 2 – 3 cuốn.

Mập mờ trong biên soạn, công bố sách giáo khoa tiếng Anh - ảnh 1
Học sinh lớp 3 tại TP.HCM trong một giờ học tiếng Anh  ĐÀO NGỌC THẠCH

Nhìn lại, cuốn SGK tiếng Anh theo chương trình mới từ lớp 1 đến nay đều có những điều rất “bí ẩn” từ khâu phê duyệt tới phát hành. Năm học đầu tiên triển khai chương trình – SGK mới ở lớp 1 (năm học 2019 – 2020), sách tiếng Anh cũng gây xôn xao dư luận vì những “khác biệt” so với bộ sách khác. Dù lọt qua các vòng thẩm định của hội đồng thẩm định quốc gia do Bộ GD-ĐT thành lập, được đánh giá đạt, trong khi các NXB có sách lớp 1 được phê duyệt đã giới thiệu khắp nơi thì SGK tiếng Anh vẫn chưa được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt. Lý do là phần lớn bản thảo sách tiếng Anh lớp 1 do các tác giả người nước ngoài biên soạn. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các NXB “tìm cách” bổ sung chủ biên sách là người VN thì mới được phê duyệt, không phê duyệt SGK có tác giả là người nước ngoài.

Chính vì quy định này nên SGK tiếng Anh từ lớp 1, 2 đến lớp 3, 7, 10 theo CTGDPT mới đang gặp phải sự thắc mắc của cả người dạy và người học khi “râu ông nọ cắm cằm bà kia”.

Một giáo viên dạy tiếng Anh nêu ví dụ: cuốn SGK tiếng Anh 10 mang tên Friends Global do chủ biên là Th.S Vũ Mỹ Lan cùng một số tác giả khác nhưng thật ra cuốn này đã được Trung tâm Anh văn Hội Việt Mỹ dạy cách đây 4 – 5 năm rồi. Nhóm tác giả đứng tên ở bìa sách thực ra không phải là người viết ra cuốn sách này mà chỉ là chỉnh sửa một chút trên cơ sở hầu hết nội dung của sách cũ và ghi tên mình vào trang bìa. Vị giáo viên này cũng khẳng định tất cả các cuốn SGK tiếng Anh mới đều làm theo hình thức này, có thể là do sách đang lưu hành có tên tác giả là người nước ngoài nên không được phê duyệt.

“Tôi không biết đằng sau nó là thỏa thuận của các bên như thế nào nhưng không thể mập mờ lấy sách cũ, để tên tác giả mới là thành SGK mới được”, vị giáo viên này nói.

Trong số các sách tiếng Anh lớp 1 thời điểm đó chỉ có 1 cuốn là có chủ biên người Việt Nam, ông Hoàng Văn Vân. Tại hội thảo về SGK lớp 1 mới cuối năm 2019, ông Hoàng Văn Vân khẳng định trong các cuốn sách mới thì bộ sách tiếng Anh là bộ duy nhất của Bộ GD-ĐT vì Bộ giao cho Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân (Đề án 2020), NXB Giáo dục Việt Nam và đội ngũ tác giả 3 cấp học phổ thông thiết kế và biên soạn dưới sự chỉ đạo sâu sát của Bộ GD-ĐT thông qua các vụ chức năng.

Tuy nhiên sau đó, đại diện Bộ GD-ĐT và Ban Quản lý Đề án dạy học ngoại ngữ khẳng định SGK tiếng Anh của đề án không có lớp 1, 2; chỉ có từ lớp 3 đến lớp 12, và đưa vào dạy học đại trà từ năm học 2021 – 2022 với lớp 6.

Mập mờ trong biên soạn, công bố sách giáo khoa tiếng Anh - ảnh 2
Từ năm học tới, học sinh lớp 3 sẽ học chương trình giáo dục- sách giáo khoa mới trong đó có sách tiếng Anh  ĐÀO NGỌC THẠCH

Bí ẩn SGK tiếng Anh của đề án ngoại ngữ quốc gia

Khi dự thảo “Đề án đổi mới chương trình – SGK sau 2015” được công bố, trả lời thắc mắc của PV Thanh Niên về việc không thấy nhắc đến môn ngoại ngữ, vậy khi thay đổi chương trình – SGK phổ thông thì chương trình – SGK ngoại ngữ đang thí điểm hiện nay có thay đổi không, một lãnh đạo Bộ GD-ĐT phụ trách biên soạn chương trình khi đó cho hay Đề án 2020 cũng nằm trong đề án đổi mới chương trình – SGK sau 2015. Khi thiết kế chương trình mới cũng phải dành thời lượng cho việc học ngoại ngữ theo đúng quy định của Đề án ngoại ngữ. Như vậy, môn ngoại ngữ được cho là đi trước một bước. Sau khi thực hiện chương trình – SGK mới thì sẽ không thay SGK ngoại ngữ nữa mà chỉ điều chỉnh SGK thí điểm hiện nay.

Câu hỏi đặt ra là SGK tiếng Anh mà Chính phủ giao cho Đề án 2020 có nằm trong số các SGK tiếng Anh đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt không? Nếu không, Bộ GD-ĐT giải trình ra sao trước Chính phủ và người dân về nhiệm vụ cùng kinh phí đã phân định rõ trong đề án cả chục năm qua?

Thực tế, trong quá trình biên soạn CTGDPT 2018, ngoại ngữ là môn học duy nhất mà kinh phí biên soạn chương trình, tập huấn đội ngũ… không sử dụng nguồn vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới (WB). Tổng chủ biên chương trình cũng cho biết chủ biên chương trình môn ngoại ngữ hầu như không làm việc với Ban phát triển CTGDPT mới trong suốt quá trình xây dựng, thử nghiệm chương trình các môn học. Chỉ đến ngày công bố dự thảo chương trình các môn học thì mới thấy “xuất hiện” chủ biên nhưng sau đó ông cũng không tham gia tập huấn, giải đáp về chương trình môn ngoại ngữ như chủ biên các môn học khác.

Khi phủ nhận việc SGK tiếng Anh lớp 1, lớp 2 là của Bộ GD-ĐT, đại diện Ban Quản lý Đề án dạy học ngoại ngữ cũng khẳng định đề án có nhiệm vụ biên soạn SGK tiếng Anh từ lớp 3 đến lớp 12. Tuy nhiên, từ năm 2021 đã bắt đầu thực hiện SGK mới với lớp 6 và năm học tới là với lớp 3, lớp 7, lớp 10 nhưng SGK của Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân có hay không, đến thời điểm này vẫn chưa được Bộ GD-ĐT trả lời chính thức.

Dù vậy, với những SGK tiếng Anh được biên soạn, thẩm định, thí điểm, tập huấn… hoàn toàn bằng tiền của ngân sách nhà nước thông qua Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân như kể trên, khó có thể nói bộ SGK tiếng Anh là sản phẩm “xã hội hóa” như các sách khác.

Trở lại câu chuyện về giá SGK mới cao gấp 2 – 3 lần so với sách theo chương trình cũ, trong đó giá sách tiếng Anh của bất cứ bộ sách nào cũng ở mức cao nhất so với các SGK còn lại khiến người dân nặng gánh chi phí hằng năm.

 

Chỉ môn ngoại ngữ có đề án quốc gia

Trước nhu cầu dạy học ngoại ngữ trong quá trình hội nhập quốc tế, năm 2008, xét đề nghị của Bộ trưởng GD-ĐT, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1400/QĐ-TTg phê duyệt đề án “Dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020”. Đề án có tổng kinh phí là 9.378 tỉ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và một số nguồn khác, Bộ GD-ĐT là cơ quan chủ trì. Đến năm 2017 đề án đã qua hai giai đoạn, chi phí hàng nghìn tỉ đồng nhưng kết quả vẫn còn quá xa so với kỳ vọng, Bộ GD-ĐT đã trình Chính phủ ban hành Quyết định số 2080 ngày 22.12.2017 phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2017 – 2025.

Câu hỏi đặt ra là SGK tiếng Anh mà Chính phủ giao cho Đề án 2020 có nằm trong số các SGK tiếng Anh đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt không? Nếu không, Bộ GD-ĐT giải trình ra sao trước Chính phủ và người dân về nhiệm vụ cùng kinh phí đã phân định rõ trong đề án cả chục năm qua? Còn nếu có, thì đó là SGK nào và người dân khi mua SGK có tiền ngân sách chi trả ấy có được giảm chi phí về giá thành và yên tâm về chất lượng hay không?

Nghị quyết 88 của Quốc hội giao nhiệm vụ cho Bộ GD-ĐT chủ trì biên soạn 1 bộ SGK theo CTGDPT mới. Bộ GD-ĐT “xin không làm” với lý do không mời được đủ tác giả tham gia viết SGK. Tuy nhiên, không thể lý giải tương tự với việc bộ SGK tiếng Anh của đề án. Đây là bộ sách đã “sẵn nong, sẵn né” từ lớp 3 đến lớp 12, được biên soạn, thí điểm theo chương trình ngoại ngữ 10 năm và theo CTGDPT mới. Đây cũng là SGK duy nhất được thử nghiệm bài bản nhiều năm liền trên cả nước. Chính vì vậy, thời điểm này khi triển khai đại trà chương trình mới, bộ SGK này không thể “mất hút” một cách bí ẩn hoặc đánh đồng nó với tất cả các SGK xã hội hóa khác về giá thành và chất lượng.

TUỆ NGUYỄN

TNO