02/11/2024

Hơn 90% nguồn sữa mẹ Việt không đủ dinh dưỡng, đáng tin không?

Hơn 90% nguồn sữa mẹ Việt không đủ dinh dưỡng, đáng tin không?

Mới đây, thông tin hơn 90% mẫu xét nghiệm sữa mẹ chưa đạt mức tối ưu theo tiêu chí dinh dưỡng như thiếu chất béo, vi chất, dư nước… ghi nhận tại một hệ thống phòng khám khiến các chuyên gia có ý kiến trái chiều.

 

 

Hơn 90% nguồn sữa mẹ Việt không đủ dinh dưỡng, đáng tin không? - Ảnh 1.

Sữa mẹ có khả năng ngăn ngừa lây nhiễm và điều trị COVID-19 – Ảnh: AP

Mới đây, PGS.TS Lê Bạch Mai – nguyên phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, giám đốc y khoa miền Bắc của một hệ thống phòng khám dinh dưỡng – có phát biểu “qua xét nghiệm sữa mẹ đến phòng khám, ghi nhận có hơn 90% có nguồn sữa chưa đạt mức tối ưu theo đầy đủ các tiêu chí.

Thường gặp nhất là các trường hợp sữa mẹ bị thừa đường lactose, dư nước nhưng thiếu chất béo (lipid), thiếu các vi chất như kẽm, sắt, canxi…”.

Khi thông tin này được đăng tải trên một số phương tiện thông tin đại chúng, nhiều chuyên gia dinh dưỡng đã có ý kiến trái chiều về số liệu 90% nguồn sữa chưa đạt mức tối ưu theo đầy đủ các tiêu chí.

 

Nghiên cứu đủ chuẩn chưa?

GS.TS Lê Danh Tuyên – viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia – chia sẻ (hôm nay 5-5, ông Tuyên cũng gửi thư ngỏ về nhận định của PGS Mai): “Tôi đã thực sự thất vọng khi đọc dòng chữ 90% bà mẹ đi xét nghiệm sữa mẹ đều thiếu đủ thứ. Nếu thế, chắc các bà mẹ cho con uống sữa bò hết và bỏ sữa mẹ ngay trong 24 tháng sau sinh”.

Theo ông Tuyên, trong nghiên cứu khoa học, cần đảm bảo tập hợp đủ các bằng chứng theo cách đủ độ khoa học về cỡ mẫu, chọn mẫu, thiết kế nghiên cứu, phương pháp thu thập số liệu… mới được phép đưa ra những kết luận đi ngược lại với những lý thuyết hiện hành.

“Có gì đảm bảo trong số những bà mẹ đã đến xét nghiệm là những bà mẹ đại diện cho cộng đồng, đảm bảo kỹ thuật lấy mẫu sữa của họ chuẩn theo đúng phương pháp. Các thông tin vừa được đăng cần phải mang tính chất khoa học và được nghiệm thu bởi một hội đồng khoa học uy tín mới được công bố cho công chúng tham khảo”, ông Tuyên nhận định.

 

Công bố sai nên nhận lỗi

Còn bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho biết sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất đối với trẻ.

Trong sữa mẹ có đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cần thiết như đạm, đường, mỡ, vitamin và muối khoáng với tỉ lệ thích hợp, phù hợp cho sự hấp thụ và phát triển cơ thể trẻ. Bú mẹ, trẻ sẽ lớn nhanh, phòng nguy cơ suy dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, sữa mẹ chứa nhiều chất kháng khuẩn, tăng cường sức đề kháng cho trẻ, chống các bệnh đường ruột và bệnh nhiễm khuẩn. Trong sữa mẹ có kháng thể là yếu tố bảo vệ cơ thể trẻ mà không một thức ăn nào có được. Do tác dụng kháng khuẩn của sữa mẹ nên trẻ được bú sữa mẹ sẽ ít mắc bệnh.

Ngoài ra, trẻ bú sữa mẹ sẽ thuận lợi, kinh tế hơn nhiều, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi người mẹ ăn uống đầy đủ, tinh thần thoải mái sẽ có đủ sữa cho con bú.

Còn ông Tuyên cho rằng sữa mẹ có các giá trị dinh dưỡng cơ bản ít thay đổi và không phụ thuộc nhiều vào tình trạng dinh dưỡng của bà mẹ.

Các yếu tố bị thay đổi thường là mùi, vị hoặc các chất kích thích sau khi các bà mẹ ăn, uống các thức ăn có vị mạnh (như tỏi, cà phê…). Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố bình thường tỉ lệ này chỉ dưới 1% trong cộng đồng.

“Sai sót y khoa vẫn xảy ra, nhưng sai sót trên cộng đồng tác hại còn lớn hơn. Tốt hơn cả, người làm khoa học phải nhận lỗi và chính thức tuyên bố thừa nhận sai lầm”, ông Tuyên nhắn gửi.

DƯƠNG LIỄU