23/11/2024

Bùng phát thực phẩm nhà làm: Mua – bán dựa trên ‘niềm tin’!

Bùng phát thực phẩm nhà làm: Mua – bán dựa trên ‘niềm tin’!

Thực phẩm nhà làm thường không được kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu, điều kiện chế biến, thời gian bảo quản ngắn…, vì vậy người tiêu dùng cần cẩn trọng khi lựa chọn những thực phẩm này.

 

 

Các sản phẩm “nhà làm” (homemade) thường được sản xuất thủ công với nguyên liệu đa dạng, sáng tạo nhiều công thức, làm theo quy mô nhỏ, do các tiệm bánh nhỏ hoặc cá nhân, gia đình làm, thường bán online.

 

Thực phẩm “nhiều không”

Ghi nhận trên thị trường, thực phẩm nhà làm thường được đóng gói đơn giản, không có nhãn mác, các hướng dẫn về hạn sử dụng, nhãn chỉ số dinh dưỡng lại càng không. Một số ít sản phẩm được đầu tư hơn thì chỉ có logo của tiệm, số điện thoại liên hệ đặt hàng như Facebook, Zalo…

Bùng phát thực phẩm nhà làm: Mua - bán dựa trên 'niềm tin'! - ảnh 1
Bánh nhà làm được đóng gói đơn giản không nhãn mác, hạn sử dụng  LÊ CẦM

Chỉ cần gõ từ khóa, “bánh nhà làm”, “thực phẩm nhà làm”, người tiêu dùng có thể tiếp cận các sản phẩm được quảng cáo hấp dẫn, hình ảnh bắt mắt, tươi ngon, đa dạng mẫu mã được khẳng định 100% hàng được làm từ nguyên liệu tươi, không chất phụ gia, không phẩm màu độc hại. Hàng được làm ngay lúc đặt hàng nên luôn tươi ngon, tạo cảm giác tin tưởng cho người mua.

Nhiều cửa hàng online chỉ để lại số điện thoại để liên lạc, không có địa chỉ cơ sở, hộ sản xuất. Thêm vào đó, đa số các mặt hàng thực phẩm khi giao đến tay khách hàng đều không có nhãn mác, không có nguồn gốc, không có ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Ngoài ra, nếu trước đây các sản phẩm nhà làm, nhà trồng được cho là an toàn thì hiện nay việc bùng phát thực phẩm gọi là “nhà làm” để kinh doanh với quy mô, số lượng lớn thì vấn đề đặt ra là có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm?

 

Mua bán dựa trên niềm tin lẫn nhau

Trên thực tế, việc quản lý các cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm đang khá lỏng lẻo. Nhiều mặt hàng được gắn mác “nhà làm” bán tràn lan mà không có sự kiểm soát hoặc kiểm tra chất lượng, nguồn gốc. Điều này một phần do thói quen của nhiều người tiêu dùng, mua đồ từ người quen nên tin tưởng, không quan tâm đến nguồn gốc và thương hiệu.

Bộ Y tế vừa ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm nhà làm. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất chậm nhất đến 1.1.2025, các sản phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công phải ghi nhãn dinh dưỡng theo quy định.

Chị D.K.T (32 tuổi, ngụ TP.HCM), một người làm bánh nhà làm, cho biết khi nghe thông tin quy định về nhãn chỉ số dinh dưỡng, chị khá bối rối vì bản thân cũng muốn tuân thủ nhưng hiện vẫn chưa có thông tin để có thể định lượng xem sản phẩm của mình có những chỉ số dinh dưỡng như thế nào.

“Trước giờ tôi cố gắng làm bánh ngon, không dùng chất bảo quản nên người mua ăn quen vị và yêu thích thì tin tưởng ủng hộ. Tuy nhiên, nhãn dinh dưỡng là một khái niệm còn xa lạ với tôi. Nếu có quy định và hướng dẫn cụ thể về các chỉ số nhãn dinh dưỡng thì tôi sẽ tuân thủ”, chị T. nói.

Bùng phát thực phẩm nhà làm: Mua - bán dựa trên 'niềm tin'! - ảnh 2
Bánh nhà làm thường có thời hạn bảo quản ngắn, dễ bị hỏng  LÊ CẦM

Là một người thường xuyên lựa chọn các sản phẩm nhà làm để mua, anh H.V.T (32 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết: “Tôi yêu thích và lựa chọn thực phẩm nhà làm cho gia đình vì tươi và hợp khẩu vị, nguyên liệu điều chỉnh theo sở thích cá nhân. Tuy nhiên vấn đề là “nhà nào làm”, tôi mua từ những nhà tôi quen biết, tin tưởng, chứ không nên cứ nghe “nhà làm” rồi mua, đến khi gặp vấn đề thì không biết kêu ai”.

Trước câu hỏi thực phẩm nhà làm liệu có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chị Trà Thị Phượng Hằng, ngụ TP.HCM, chủ một tiệm bánh homemade online, cho biết các sản phẩm nhà chị làm sẽ được bán cho một nhóm khách hàng nhỏ, quen biết thường xuyên sử dụng nên tin tưởng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi xảy ra sự cố thì người tiêu dùng có thể liên hệ chủ tiệm và được hỗ trợ. “Còn với các tiệm bánh bán rộng rãi, phổ biến thì tất nhiên cần đăng ký với cơ quan chức năng về an toàn về vệ sinh thực phẩm“, chị Hằng bày tỏ quan điểm.

Chị Hằng cũng cho biết ủng hộ việc dán nhãn dinh dưỡng trên bánh. “Việc tính toán hàm lượng calo hiện được tôi ước tính trên khối lượng của các nguyên liệu làm bánh. Tuy nhiên, sau này khi có hướng dẫn chi tiết về nhãn dinh dưỡng tôi nghĩ sẽ rất tốt cho người dùng”, chị Hằng nói.

 

Đối với thực phẩm thủ công, nhà làm cần lưu ý gì?

PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học y Dược TP.HCM, cho rằng các sản phẩm thực phẩm nhà làm có thể đáp ứng nhu cầu của một số đối tượng khách hàng, thường có mục đích sử dụng ngay nên nguyên liệu tươi hơn, ít hoặc không chất bảo quản, cũng như chi phí đầu tư, vận hành không cao, giúp sản phẩm có giá thành rẻ hơn.

Tuy nhiên, người tiêu dùng và cơ quan quản lý có thể khó khăn trong việc giám sát, kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào, các vấn đề an toàn thực phẩm trong việc chế biến, sản xuất các thực phẩm nhà làm.

Để bảo vệ người tiêu dùng cũng như những người sản xuất thực phẩm nhà làm có chất lượng, các nhà quản lý cần có các quy định, cơ chế cấp phép, giám sát việc sản xuất, chế biến các thực phẩm này.

Theo bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà (Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn), thực phẩm nhà làm đang được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng vì tiện lợi, dễ sử dụng. Tuy nhiên lại chưa rõ ràng về thành phần dinh dưỡng. Với những thực phẩm này, nếu gia đình tự làm và sử dụng thì tương đối an toàn vì kiểm soát được nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Nhưng với người tiêu dùng đặt mua online thì lại tiềm ẩn những mối nguy hại về vệ sinh an toàn thực phẩm. “Do điều kiện chế biến và nguồn gốc thực phẩm không được kiểm soát”, bác sĩ Hà cho biết.

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà khuyến cáo mọi người khi mua hàng trực tiếp nên tìm hiểu các cơ sở kinh doanh uy tín, hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ, hạn sử dụng rõ ràng. Với hình thức mua hàng online, hãy lựa chọn những tài khoản có lịch sử bán hàng lâu dài, ưu tiên mua hàng từ những trang thương mại điện tử uy tín, có đăng ký, thông báo với Bộ Công thương.

LÊ CẦM

TNO