24/12/2024

Những nỗi niềm của sông Nile

Những nỗi niềm của sông Nile

Tôi đã tìm đến khởi nguồn của các bể nước khổng lồ theo đường sông như Pascal nói. Thả mình trôi theo cả sự êm ả và dữ dội của dòng nước để hiểu được chân lý của sự sống, để cảm nhận cơ thể của sông gắn với đời sống của người.

 

 

 

Những nỗi niềm của sông Nile - Ảnh 1.

“He who doesn’t know his way to the sea should take a river for his guide.” (Ai đó nếu không biết đường ra đại dương, hãy theo hướng của dòng sông.)

Blaise Pascal

Những dòng sông huyền thoại của loài người mà tôi đã có cơ may tiếp xúc đều có dáng vẻ riêng và sức sống riêng. Sông Mekong mang đầy dự cảm và biến thiên thời cuộc, sông Hằng trầm tư mặc khải, sông Amazon như đời người với những đoạn ghềnh thác và êm ả…

Nhưng sông Nile lại gây cho tôi nhiều sự chú ý, khiến tôi dành nhiều thời gian hơn để hiểu bởi nó mang theo trên thân thể cả niềm vui và nỗi buồn như một thực thể có tri giác.

 

Nghĩ toàn cầu, hành động địa phương

Con sông huyền thoại dài nhất thế giới 6.695km này là một phần tất yếu trong tiến trình hình thành nền văn minh, lịch sử và đời sống của 9 quốc gia: Ethiopia, Zaire, Kenya, Uganda, Tanzania, Rwanda, Burundi, Sudan và Ai Cập.

Dòng sông chảy từ nam đến bắc qua hầu hết các thành phố chính ở Ai Cập, từ Abu Simbel ở phía nam đến Damietta và Rasheed ở phía bắc, giữa lòng thủ đô Cairo và có lẽ vì vậy mà Ai Cập là đất nước có sự phụ thuộc lớn vào nguồn nước từ sông Nile.

Có thể dễ dàng quan sát được đời sống sinh hoạt và lao động của người dân Ai Cập tập trung ở hai bên bờ sông.

Nguồn nước từ con sông to lớn được dẫn vào thành phố qua các hệ thống kênh dẫn, nước luồn lách qua các nhánh sông nhỏ để tưới tiêu cho đồng ruộng, cho các nông trại chà là rồi đổ vào trữ ở các hồ ao.

Cuộc sống hai bên bờ tấp nập, hình thành nên nền nông nghiệp trù phú, các làng nghề, những cảnh quan kỳ thú được duy trì qua bao đời Pharaoh và kéo dài cho đến ngày nay.

Để có thể quản trị sử dụng bền vững nguồn tài nguyên của cả khu vực, Chính phủ Ai Cập đã xác định được các mối quan hệ chính giữa sông ngòi và phát triển du lịch.

Những đoạn sông ngòi tạo ra các cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và có bề dày lịch sử như Aswan, Luxo, Abu Simble… đều được tập trung phát triển hoạt động du lịch trên sông. Đoạn đẹp nhất giữa trung tâm Aswan là nơi tụ tập rất nhiều bến thuyền buồm đưa đón khách xuôi ngược trên sông, trở thành một biểu tượng du lịch của vùng đất này.

Những chiếc felucca kết cấu bằng gỗ lâu năm giăng những cánh buồm trắng muốt lướt êm trên mặt nước không một tiếng động là phương tiện “đi không khói” được du khách vô cùng ưa chuộng, đồng thời là một trong những mục tiêu phát triển du lịch bền vững, bảo vệ môi trường của thành phố.

Những nỗi niềm của sông Nile - Ảnh 3.

Khi thuyền đáp vào các bến nhỏ hai bên bờ cũng là địa điểm viếng thăm các khu hầm mộ, đền đài và nhà bảo tàng của các vị vua Pharaoh.

Aswan còn giữ được hầu hết các di tích lịch sử có từ thời Pharaoh khắp hai bên bờ: bảo tàng tượng đá ngoài trời, bảo tàng lưu trữ xác ướp cá sấu, xác ướp các vị thần… tất cả đều hướng ra mặt sông. Các khu thăm viếng đều hướng ra mặt sông và đều là các khu kết hợp với các làng nghề, khu tham quan và mua sắm các sản vật địa phương.

Du khách từ đó có thể di chuyển đường bộ bằng lạc đà hoặc la để vào sâu hơn trong các làng mạc đang có người dân sinh sống.

Nhờ có sự kết hợp mô hình du lịch trên sông, bảo tàng truyền thống, không gian giải trí và công cộng, nơi ở nhìn ra bờ sông, bến du thuyền và nơi neo thuyền, thức ăn phục vụ ngay tại chỗ… như ở đây mà chỉ trong vài ngày tôi có thể tham gia các hoạt động của địa phương, thuận tiện đi lại và có một kỳ nghỉ nuôi dưỡng các giác quan.

Khẩu hiệu “nghĩ toàn cầu, hành động địa phương” là động lực để kích hoạt một sự thay đổi lớn trong mô hình du lịch, quy hoạch đô thị, quản trị đô thị ở đất nước này.

Có thể hiểu du lịch ở Ai Cập không chỉ có nghĩa là đi du lịch để nghỉ ngơi và giải trí, mà còn có nghĩa là trải nghiệm sự đa dạng văn hóa và giao tiếp xã hội. Nhờ vậy mà hơn nửa thế kỷ Ai Cập đã tạo nên sự sôi động trên sông, làm thay da đổi thịt các thành phố hai bên bờ và vực dậy kinh tế sau khủng hoảng và nội chiến.

Ở thành phố Cairo đã thu hút được lượng lớn khách du lịch và tạo ra cơ hội công ăn việc làm cho người nhập cư, lao động tay chân di cư từ vùng quê lên thành phố.

Chính phủ Ai Cập cho phép sử dụng mặt nước sông để các doanh nghiệp du lịch khai thác các tour ngắm cảnh thành phố bằng thuyền. Tôi dễ dàng tìm thấy một chiếc thuyền với giá cả phải chăng cùng với các dịch vụ cá nhân để được nhìn thấy thành phố về đêm.

Thuyền máy chạy luồn dưới cây cầu Sư Tử nổi tiếng, lướt qua những bãi bồi phủ kín cây chà là, nhấp nhô trong thành phố là nóc các nhà nguyện Hồi giáo, hai bên bờ là người dân quăng chài thả lưới hoặc chở lương thực ngược xuôi vào thành phố.

Kế cạnh các cảng đỗ thuyền bè tấp nập là nhà hàng dịch vụ ăn uống, lưu trú với rất nhiều sự lựa chọn cho bữa tối trên thuyền hoặc trên bờ sông. Ngoài các kiến trúc truyền thống, hoa văn họa tiết dọc theo bờ sông hay trang phục thì các hoạt động văn hóa trong không gian công cộng là một điểm nhấn vô cùng thu hút du khách.

Ở Luxo và Abu Simbel, phương thức phát triển kinh tế trên sông tập trung vào sự phù hợp với bối cảnh địa phương và ký ức tập thể về địa điểm. Thành phố sầm uất hai bên bờ sông Nile này vừa phát triển vừa gìn giữ các giá trị cũ văn hóa và truyền thống.

Từ những chiếc thuyền buồm với tuổi đời hàng chục năm đến đền đài thành quách, kiến trúc nhà ở, kiến trúc đô thị… đều khoác lên dáng vẻ cổ kính. Lưu lượng lớn khách tham quan dài ngày ở Abu Simble lưu trú trên tàu thuyền, nhà ở ven sông, khách sạn mặt sông và tham gia hoạt động ngoài trời khiến khu đô thị rạng rỡ sức sống.

Những nỗi niềm của sông Nile - Ảnh 4.

 

Cho đến ngày hạn hán

Biến đổi khí hậu thường được nhắc đến như một nguyên nhân của khủng hoảng môi trường sông. Tuy nhiên, ngoài lý do khí hậu thì ô nhiễm nguồn nước do công nghiệp hóa, khai thác quá mức nguồn lực sông bằng thủy điện và các vấn đề phát triển khác đang gây tổn hại hầu hết những con sông lớn trên thế giới và sông Nile đã bị liệt vào danh sách này.

Vấn đề chung của các con sông đô thị đã được các nhà nghiên cứu tìm ra, đó là các lưu vực sông đều trở thành các bãi rác khổng lồ của đô thị. Trong môi trường đô thị, các đoạn sông được khai thác làm du lịch thường được làm sạch, được thu dọn rác thải, cảnh quan sạch sẽ nhưng tất yếu của phát triển là sẽ nảy sinh các vấn đề môi trường.

Trong khi đó, các vùng hạ lưu lại sử dụng nguồn nước đó cho chính các hoạt động sản xuất nông ngư nghiệp, sản xuất thực phẩm. Nhiều đoạn kênh lạch, các nhánh rẽ của sông là nơi ùn tắc của rác thải sinh hoạt, rác trôi và tấp bờ theo mực nước thủy triều. Điều này đe dọa sức khỏe người dân, đặc biệt là người dân sống ở vùng đệm sông.

Sông ngòi còn bị ảnh hưởng nhiều nhất do quản lý phát triển yếu kém đến mức một số dịch vụ thiết yếu như môi trường sống để bảo tồn đa dạng sinh học, giải trí và mục đích sinh hoạt cho cộng đồng bị suy giảm nghiêm trọng.

Sông Nile là con sông huyền thoại nhưng hiện nay vẫn phải gánh vác trên cơ thể của nó nhiều trách nhiệm của nhiều quốc gia và dân cư. Mặc dù là một cái tên nổi danh, là điểm đến thu hút khách du lịch nhưng vẫn bị xếp vào danh sách các con sông khiếm khuyết về mặt sức khỏe sinh thái.

Tôi từng sống ở Cairo trong vòng 2 năm để làm phim tài liệu về rác thải và không thể phủ nhận rằng ở đây đang trở thành một bãi rác khổng lồ và không có dấu hiệu “thuyên giảm”.

Những đoạn sông Nile không có du khách qua lại trở thành bãi tấp, những đoạn kênh rạch dẫn nước vào đồng ruộng với bờ đắp cao hàng mét bằng rác thải sinh hoạt và rất nhiều quãng nước bị ứ thành một vùng nước đọng.

Ô nhiễm rác thải, biến đổi khí hậu… đã khiến các quốc gia thụ hưởng nguồn nước từ sông Nile như Ethiopia, Sudan, Tanzania, Uganda, Ai Cập… phải có những giải pháp cần thiết cho các vấn đề suy thoái sông đô thị, hướng đến các biện pháp hồi sinh sông và vùng đệm.

Các nhà khoa học đã xác định những mục tiêu quan trọng trong việc phục hồi sông nói chung gồm: bảo vệ nguồn nước sạch nhằm bảo đảm nguồn lực cho sản xuất thực phẩm; đảm bảo các giá trị thẩm mỹ, bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, đảm bảo ngư nghiệp và sinh kế sông.

Mặc dù ngành du lịch của quốc gia này đã thu được những thành công nhất định nhưng không thể tránh được những thách thức như ô nhiễm nguồn nước và rác thải sông, sự xuống cấp của các di sản văn hóa và những biến đổi xã hội theo hướng tiêu cực.

Benjamin Franklin từng nói “When the well is dry, we know the worth of water” (Cho đến ngày hạn hán, chúng ta mới thấm thía giá trị của nước).

Con người sống dựa vào nguồn lực sông ngòi cho nhiều hoạt động sinh kế trong nông nghiệp, vận tải, thủy điện và thể thao giải trí, tuy nhiên hệ sinh thái sông ngòi trên Trái đất đang bị đe dọa rất nghiêm trọng do sự tác động bạo liệt bởi hành vi của chúng ta.

Trong khi sự phát triển và tiếp tục phát triển được xem như là một tất yếu của loài người tiến hóa, làm sao để đảm bảo nguồn nước sạch đủ và an toàn cho con người và sinh vật tự nhiên là một vấn đề nan giải. Bảo tồn hệ sinh thái sông cùng với cải thiện sinh kế của những người sống dựa vào sông nước mãi mãi là một câu hỏi lớn mà chúng ta phải muôn đời tự đi tìm lời giải.

333

* Sông Amazon ở Nam Mỹ có chiều dài 1.500km và hơn 1.000 nhánh đan vào nhau bao phủ cả cánh rừng Amazon trên địa phận 3 quốc gia Brazil, Colombia và Peru. Do đặc thù địa hình hiểm trở, hầu hết cách xa khu dân cư nên dòng sông vẫn còn ở dạng tiềm năng chưa được khai thác.

Mặc dù là một cái tên nổi danh nhưng sông Amazon bao lâu nay chỉ được sử dụng như một hệ thống giao thông đường thủy và rất ít được du khách chú ý như là một điểm tham quan.

Mặc dù có rất nhiều khu bảo tồn kết hợp cùng dịch vụ lưu trú, nghiên cứu, thăm thú đời sống hoang dã trên sông và chính phủ 3 nước khá mở cửa đã khiến du khách thập phương dần biết tới, nhưng con sông này vẫn giữ được trạng thái nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú, nhiều loài đặc hữu quý hiếm.

444

* Sông Klias ở Malaysia thuộc khu bảo tồn đầm lầy được tập trung khai thác mạnh vào các tour sinh thái trên sông bằng thuyền máy. Cánh rừng ngập mặn phủ um tùm hai bên bờ tạo thành dải sinh thái nhiệt đới xanh mướt.

Du khách mua vé các chuyến du ngoạn để được nhìn thấy loài khỉ mũi vòi Proboscis, thằn lằn nước và vô vàn loài chim trời quần tụ ở đây. Tour sinh thái đêm trên sông Klias vô cùng nổi tiếng và được thiết kế chỉn chu để du khách được ngắm các loài động vật và đom đóm.

Địa phương này còn xây dựng các khu ăn uống nghỉ dưỡng ngay liền mặt sông rất chỉn chu. Dễ dàng nhận ra vùng sông nước được vệ sinh sạch sẽ dù lượng khách tham quan rất đông.

* Sông Mekong chảy qua các vùng đô thị các nước Lào, Thái Lan, Campuchia được khai thác như một phần quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế. Các khu công cộng được xây dựng hai bên bờ như các quảng trường để người dân hóng gió ngắm cảnh, đi bộ, tập thể dục…

Si Phan Don là một quần đảo ven sông ở miền nam Lào, ngay đoạn sông Mekong phình ra 1km. Với 4.000 đảo lớn nhỏ và Don Khone, Don Det là 2 đảo lớn nhất và tập trung nhiều khách du lịch với nhiều dịch vụ lưu trú, các hoạt động ngoài trời, ăn uống và nghỉ ngơi.

Sông Mekong đối diện với rất nhiều vấn đề của tiến trình phát triển chung, gần đây nhất là tin buồn về sự tuyệt chủng của loài cá heo nước ngọt Irrawaddy đặc hữu của Mekong.

Bài và ảnh: MZUNG NGUYỄN
TTO