23/12/2024

Nắng nóng ở Ấn Độ, Pakistan thử thách ‘giới hạn khả năng sống sót của con người’

Nắng nóng ở Ấn Độ, Pakistan thử thách ‘giới hạn khả năng sống sót của con người’

Nhiệt độ ở một số vùng tại Ấn Độ và Pakistan đã đạt đến mức cao kỷ lục. Mức nhiệt độ này đang khiến hàng triệu người gặp rủi ro về sức khoẻ.

 

 

Nắng nóng ở Ấn Độ, Pakistan thử thách giới hạn khả năng sống sót của con người - Ảnh 1.

Người dân ở Pakistan tắm hạ nhiệt tại một con kênh ở Lahore, tỉnh Punjab ngày 29-4 – Ảnh: CNN

Đài CNN dẫn nguồn từ Cục Khí tượng Ấn Độ (IMD) cho biết nhiệt độ cao nhất trung bình ở vùng tây bắc và miền trung Ấn Độ trong tháng 4-2022 đã ở mức kỷ lục kể từ khi dữ liệu nhiệt độ được ghi nhận cách đây 122 năm. Hai nơi này lần lượt có mức nhiệt độ là 35,9 và 37,78 độ C.

Tháng trước, theo các nhà khí tượng, thủ đô New Delhi có 7 ngày liên tiếp trên 40 độ C, cao hơn 3 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng 4.

Ở một số vùng của Ấn Độ, do nhu cầu dùng điện tăng cao, than đá dùng để chạy các nhà máy nhiệt điện trở nên khan hiếm. Hàng triệu người bị cắt điện đến 9 tiếng một ngày.

Ở các bang như West Bengal và Odisha của Ấn Độ, chính quyền phải thông báo đóng cửa trường học. Thủ hiến bang West Bengal Mamata Banerjee cho biết nhiều học sinh bị chảy máu cam do nắng nóng.

Nắng nóng cũng làm hư hại mùa màng, đặc biệt là sản lượng lúa mì. Chính quyền khuyến cáo người dân ở trong nhà và uống đủ nước.

Tại Pakistan, theo dữ liệu của Cục Khí tượng Pakistan (PMD), các thành phố Jacobabad và Sibi ở tỉnh Sindh, thuộc miền đông nam của Pakistan, ghi nhận mức nhiệt cao nhất là 47 độ C vào ngày 29-4.

Theo PMD, đây là nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở bất kỳ thành phố nào ở bắc bán cầu trong ngày hôm đó.

Bộ trưởng Bộ Biến đổi khí hậu Pakistan Sherry Rehman cho biết trong một tuyên bố: “Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ, Pakistan trải qua một năm không có mùa xuân”.

Nhiệt độ ở Ấn Độ dự kiến ​​sẽ giảm xuống trong tuần này, IMD cho biết, nhưng các chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay sẽ gây ra các đợt nắng nóng thường xuyên hơn và kéo dài hơn, ảnh hưởng đến hơn 1 tỉ người riêng ở Ấn Độ và Pakistan.

HỒNG VÂN
 TTO