02/11/2024

Chúa Nhật III PS C – 2022: Thể hiện tình yêu của Chúa Phục Sinh

Hai tuần vừa qua chúng ta đã tìm hiểu làm sao có thể cảm nghiệm được Đấng Phục Sinh và thể hiện lòng thương xót của Người với hai lần hiện ra theo lời kể của thánh Gioan. Hôm nay, bài Phúc Âm thuật lại cuộc hiện ra “lần thứ ba” (Ga 21,1-14) đầy tình yêu của Chúa Giêsu và ta muốn dành ít phút để suy niệm về lần hiện ra này.

Chúa Nhật III PS C – 2022

Thể hiện tình yêu của Chúa Phục Sinh

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Hai tuần vừa qua chúng ta đã tìm hiểu làm sao có thể cảm nghiệm được Đấng Phục Sinh và thể hiện lòng thương xót của Người với hai lần hiện ra theo lời kể của thánh Gioan. Hôm nay, bài Phúc Âm thuật lại cuộc hiện ra “lần thứ ba” (Ga 21,1-14) đầy tình yêu của Chúa Giêsu và ta muốn dành ít phút để suy niệm về lần hiện ra này.

1. Câu hỏi đầu tiên là: Có phải Đấng Phục Sinh hiện ra chỉ có ba lần không?

1.1. Hiện ra lần thứ ba

Sau khi kể về lần hiện ra này, thánh Gioan kết thúc sách Phúc Âm của ngài. Chúng ta biết rằng thánh Gioan viết sách Phúc Âm của mình vào khoảng năm 90-95, như thế là rất muộn so với ba thánh sử khác là Matthêu, Marcô và Luca viết sách Phúc Âm vào khoảng năm 55-65. Vì vậy, thánh Gioan đã biết có nhiều cuộc hiện ra của Chúa Phục Sinh trong các Phúc Âm khác. Nhưng ngài vẫn gọi cuộc hiện ra này là lần thứ ba vì ngài muốn chúng ta suy tư về ý nghĩa thần học của các lần hiện ra, hơn là chỉ kể đơn giản qua vài câu ngắn ngủi về những sự kiện như các thánh sử khác (x. Mt 28,1-10; 16-20; Mc 16, 1-19; Lc 24,1-50). Từng chi tiết trong bản văn đều có ý nghĩa sâu xa, nên ta có thể suy niệm trong suốt cuộc đời, để tìm ra ý nghĩa thích hợp với sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.

1.2. Đường Ánh sáng và 14 lần hiện ra

Cách đây gần 600 năm, năm1544, thánh Ignaxiô Loyola, đấng sáng lập Dòng Tên, đã nhắc đến 14 lần hiện ra của Chúa Phục Sinh trong cuốn Những Bài Linh Thao của ngài. Chúng tôi đã diễn giải 14 lần hiện ra này và làm thành Đường Ánh Sáng để mời gọi anh chị em suy niệm về những lần hiện ra của Chúa Giêsu. Chúng tôi đã gửi đến anh chị em tập sách Quà tặng Phục Sinh có bản Kinh 14 Đường Ánh Sáng này để giúp anh chị em có thể cầu nguyện ở nhà hay ở cộng đoàn như một hình thức của lòng đạo đức bình dân.

Người Công giáo Việt Nam trong nhiều thế kỷ thường chỉ biết đến Đàng Thánh Giá với 14 chặng suy tư về những đau khổ, buồn sầu, thử thách và cái chết của Chúa Giêsu, nhưng lại không biết đến Đường Ánh Sáng. Có lẽ vì vậy mà đời sống đạo của ta phảng phất nét bi quan, yếm thế chăng? Thật ra, trọng tâm của đời tín hữu là Chúa Giêsu Phục Sinh đang hiện diện giữa chúng ta để mang lại cho ta niềm vui, bình an, hy vọng và sự sống thần linh của Người. Giáo Hội cũng nhắc nhở ta rằng Đấng Phục Sinh phải là trung tâm của đời sống người tín hữu, vì nếu Đức Giêsu không sống lại thì niềm tin của chúng ta đều vô nghĩa. Do đó, Giáo Hội thể hiện lòng tin đó vào mỗi Chúa Nhật hằng tuần.

Vì thế, để quân bình lại đời sống tín hữu, ngoài việc đi Đàng Thánh Giá, chúng ta được mời gọi đi Đường Ánh Sáng để cảm nghiệm về Đấng Phục Sinh như các tín hữu ở nhiều nơi trên thế giới đang làm.

1.3. Đấng Phục Sinh hiện ra muôn ngàn lần

Hơn nữa, nếu tìm hiểu sâu xa lần hiện ra thứ ba này, chúng ta sẽ thấy Đấng Phục Sinh đang hiện diện giữa chúng ta, Người sẵn sàng tỏ mình ra cho ta bất cứ lúc nào trong đời sống thường ngày. Chúa Giêsu đã nói với ta rằng: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Thánh Phaolô cũng nhắc nhở ta rằng: Chúa Giêsu Phục Sinh đã “hiện ra với tất cả các tông đồ” (1Cr 15,7). Vì vậy, bất cứ ai muốn thật sự làm tông đồ, muốn làm chứng cho Đấng Phục Sinh như thánh Phêrô và Gioan trong bài đọc I (x. 5,7-41): “Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần” (Cv 5,32), thì Chúa Giêsu chắc chắn sẽ hiện ra cho người ấy để họ có niềm xác tín về Người như đã từng hiện ra trong suốt dòng lịch sử của Giáo Hội. Như thế Đấng Phục Sinh hiện ra muôn ngàn lần, chứ không phải chỉ 14 lần hay trong vòng 40 ngày sau khi sống lại, như nhiều người chúng ta lầm tưởng.

2. Câu hỏi thứ hai là: làm sao thể hiện được tình yêu của Đấng Phục Sinh?

2.1. Sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong đời sống thường ngày.

Thánh Gioan cố ý kể cho ta lần hiện ra này để giúp ta cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Phục Sinh trong đời sống thường ngày. Các tông đồ, sau biến cố ở Giêrusalem, đã về Galilê và trở lại đời sống thường ngày là làm nghề đánh cá. Sau một đêm vất vả khó nhọc, các ông không bắt được con cá nào và dong thuyền vào bờ lúc trời đã sáng. Chúa Giêsu, trong vai người đi mua cá đứng ở bờ biển, hỏi các ông rằng: “Này các chú có kiếm được gì ăn không?”. Các ông trả lời: “Không”. Chúa Giêsu bảo hãy thả lưới bên phải mạn thuyền. Các ông thả lưới và bắt được rất nhiều cá lớn dù trời đã sáng và nước nông vì rất gần bờ, chỉ khoảng 100 thước.

Trong cuộc sống thường ngày của ta, Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện và tạo cho ta những thành công: như đậu được bằng cấp trong việc học hành thi cử, buôn bán tốt đẹp, đạt được mối tương quan thiện hảo với bạn bè, đối tác…Nhưng rất nhiều khi ta nghĩ rằng đó là do sự cố gắng học hành, làm việc của ta, do tài năng thông minh và đôi tay khéo léo của ta, do ta may mắn ngẫu nhiên kiếm được, chứ không phải do Đấng Phục Sinh đang nâng đỡ đời ta, giống như các tông đồ ngạc nhiên vì mẻ cá may mắn đánh bắt được cho đến khi Gioan nói “Chúa đó” họ mới bừng tỉnh.

2.2. Tình yêu của Đấng Phục Sinh

Hơn nữa, tình yêu của Đấng Phục Sinh không phải chỉ thỉnh thoảng tạo nên một vài thành công đột ngột, tình yêu của Người quan tâm đến từng chi tiết trong cuộc đời khốn khổ của ta như Người đã dọn sẵn ngọn lửa sưởi ấm, có cả cá và bánh nướng sẵn cho các tông đồ bồi dưỡng sau một đêm mệt nhọc, lạnh giá. Đấng Phục Sinh lo cho ta từng cái ăn, cái uống, cái mặc, từng lúc nóng lạnh trong cuộc đời, nhưng hình như chúng ta chẳng bao giờ quan tâm. Ta cứ vô tư hưởng dùng như những thứ từ trên trời rơi xuống, chẳng cần biết ơn Người!

Nếu đọc tiếp bài Phúc Âm (x. Ga 21,15-23), ta thấy Chúa Giêsu còn trao quyền lãnh đạo cho Phêrô khi hỏi ngài 3 lần “Anh có yêu mến Thầy không?” để bù lại 3 lần ông chối bỏ Chúa. Người tha thứ, phục hồi danh dự cho Phêrô cũng như sẵn sàng tha thứ cho ta trong cuộc sống thường ngày đầy lầm lỡ và yếu đuối để ta đặt trọn niềm tin tưởng và hy vọng vào Người.

2.3. Làm sao cảm nghiệm được Đấng Phục Sinh và thể hiện tình yêu của Người?

Câu trả lời rất đơn giản: Hãy có tình yêu như người môn đệ được Chúa Giêsu yêu. Thánh Gioan không nói đến tên mình vì ngài monh rằng mỗi người chúng ta phải là người môn đệ đó.

Chỉ có ai yêu Chúa Giêsu thì mới nhận ra Chúa Giêsu yêu mình, mới trở thành “người môn đệ được Chúa Giêsu yêu”. Người môn đệ đó âm thầm đi theo Đức Giêsu trong suốt chặng đường đau khổ, đã đứng dưới chân thập giá cùng với người Mẹ Thánh. Được tình yêu thúc đẩy, Người môn đệ ấy đã thao thức về Giêsu bị đối xử bất công, đã chạy tới và đã dừng lại bên mộ Chúa nhường bước cho anh chị em, rồi đã tin vào Chúa sống lại dù chỉ thấy khăn liệm. Người môn đệ ấy đã nhận ra Chúa trong mẻ cá thành công của cuộc đời và dành cả cuộc đời để suy nghĩ và làm chứng cho Chúa.

Đó là người môn đệ mà Chúa Giêsu mong ước nơi chúng ta. Chỉ có tình yêu mãnh liệt đối với Giêsu mới giúp chúng ta nhận ra Đấng Phục Sinh đang hiện diện trong đời sống, đang lo lắng cho chúng ta từng cái ăn, cái mặc, từng nỗi vui nỗi buồn, chia sẻ cho chúng ta từng thành công cũng như thất bại và tha thứ tội lỗi cho ta để chúng ta cảm nghiệm được tình yêu của Người và thể hiện tình yêu đó cho những người kém may mắn và bất hạnh quanh ta.

Lời kết

Cầu chúc anh chị em trở thành người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến vì được tràn đầy Thánh Thần tình yêu của Đấng Phục Sinh.

HKK