05/11/2024

Thằn lằn bay và những tiết lộ ‘không thể ngờ’ về Côn Đảo cách nay 300 năm

Thằn lằn bay và những tiết lộ ‘không thể ngờ’ về Côn Đảo cách nay 300 năm

Linh mục Jacques thuộc dòng Tên có lẽ là người Pháp đầu tiên lưu ý đến những việc người Anh đã làm tại Côn Đảo. Ông lưu trú ở đảo trong 9 tháng, từ tháng 9.1721 – 6.1722 để quan sát kỹ nơi đây và có những tiết lộ.

 

 

Sau khi rời Côn Đảo, ngày 1.11.1722, từ Quảng Đông (Trung Quốc), Jacques viết cho tu viện trưởng Raphaelis một lá thư với nội dung chính như sau: “Đảo Poulo – Condore đã thần phục vua Chân Lạp (nguyên văn: roi du Cambodge – Lê Nguyễn).

Thằn lằn bay và những tiết lộ 'không thể ngờ' về Côn Đảo cách nay 300 năm - ảnh 1
Bản đồ Côn Đảo in trong BAVH 1925    T.L RIÊNG CỦA LÊ NGUYỄN

Vào thế kỷ trước, người Anh đã mua nó và đã xây dựng một đồn binh ở đầu làng; song, vì họ có ít người và bị buộc phải phục tùng binh lính Mã Lai, tất cả đều bị cắt cổ, cách nay khoảng 20 năm, và đồn binh của họ bị san phẳng: ngày nay, người ta vẫn còn thấy các tàn tích.

Từ thời điểm đó, hòn đảo quay về với sự thống trị của người Chân Lạp (L. Gaide – Note historique sur Poulo-Condore [Ghi chép lịch sử về Côn Đảo] – Tập san Bulletin des Amis du Vieux Hue [BAVH] số 2/1925, trang 92, Lê Nguyễn tạm dịch).

Từ nội dung lá thư ngày 1.11.1722 của linh mục Jacques, người ta biết rằng đến năm 1721, công ty Ấn Độ thuộc Pháp (Compagnie des Indes françaises) đã có hai đội quân đồn trú trên Côn Đảo.

Ngày 7.3.1721, Jacques lên chiếc tàu Dandé của công ty Ấn Độ tại cảng Port-Louis cùng với một đội quân được đưa đến Poulo-Condore (mà ông ta gọi là “đảo Orléans”) tăng cường cho đội quân đã đến đó từ năm trước. Đi chung với họ, còn có hai kỹ sư do hoàng đế Pháp phái đến, một trong hai người sẽ trở thành người chỉ huy trên đảo (tất nhiên đây chỉ là sự tự sắp xếp của phía Pháp).

Xem như thế, chúng ta thấy rằng, dù các tác giả phương Tây từng nhìn nhận Côn Đảo thuộc quyền cai trị của Chân Lạp và về mặt thực tế, nhà Nguyễn đã thay thế vai trò của Chân Lạp từ năm 1698, song cho đến nửa đầu thế kỷ 18, người Anh và người Pháp vẫn tiếp tục nuôi tham vọng thu lợi từ việc thiết lập trên hòn đảo này một cơ sở thương mại.

Thằn lằn bay và những tiết lộ 'không thể ngờ' về Côn Đảo cách nay 300 năm - ảnh 2
Một góc của Vườn Quốc gia Côn Đảo  CONDAOPARK.COM.VN

Ngoài bản tường trình ngày 25.7.1723, Renault còn có một hồi ức về Côn Đảo đăng trong tập san Bulletin de la Société Académique Indochinoise (tạm dịch: Tập san Hội hàn lâm Đông Dương) với nhiều chi tiết có thể giúp người đọc có một cái nhìn khái quát về Côn Đảo cách nay 300 năm.

 

Trâu rừng và heo rừng tại sao xuất hiện ở Côn Đảo ?

Theo Renault, Côn Đảo vào thập niên 1720 chỉ có khoảng 200 cư dân xuất phát từ Chân Lạp và Đàng Trong (nguyên văn Cambodge và Cochinchine), trong số họ, có một vài tín đồ Thiên Chúa giáo.

Hòn đảo lúc bấy giờ hầu như không có cây ăn trái: chanh, cam…, không có lúa, rau cải và những loại cây lá tươi mát khác. Trên đảo chỉ có một ít khoai lang, bí rợ (bí ngô), dưa hấu, dưa leo… Chúng không phát triển nhiều do sự khắc nghiệt của thời tiết khiến đất thiếu sự màu mỡ.

Về hải sản ở Côn Đảo, theo Renault, nơi đây có rất nhiều cá và rùa biển, bản thân ông và các bạn cũng từng bắt được một con cá mập dài từ 2,4 đến 2,7 mét.

Thằn lằn bay và những tiết lộ 'không thể ngờ' về Côn Đảo cách nay 300 năm - ảnh 3
Thằn lằn bay và sóc bay, hai sinh vật độc đáo của Côn Đảo được Renault nhắc đến trong hồi ký  NGUỒN: BAVH 1925

Có hai loài sinh vật của Côn Đảo được Renault đánh giá là độc đáo nhất: đó là thằn lằn bay và sóc bay, nối liền hai chi trước và hai chi sau của chúng là một lớp da dày và rộng, giúp chúng “bay” từ hai nơi cách nhau rất xa.

Cuối cùng, một chi tiết thú vị khác do Renault mang lại, giải thích vì sao hiện nay trên một vài hòn đảo không người ở tại Côn Đảo, còn có một đàn trâu rừng. Đó là những con trâu (và heo) do người Anh bỏ lại đảo vào đầu thế kỷ 18, sau cuộc nổi loạn của người Macassars; một thời gian sau, chúng trở thành trâu rừng và heo rừng, sinh sôi nảy nở đến ngày nay (BAVH – sđd, trang 97). (Còn tiếp)…

 

Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn

TNO