23/01/2025

Uống nước có thực sự giúp giảm cân?

Uống nước có thực sự giúp giảm cân?

Giảm cân là một quá trình lâu dài và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau cùng hoạt động. Trong đó, nước đóng một phần quan trọng thúc đẩy cả quá trình này.

 

Uống nước có thực sự giúp giảm cân? - Ảnh 1.

Trong hầu hết bí quyết hoặc thực đơn giảm cân luôn có chung một lời khuyên là “uống đủ nước” – Ảnh: CDN

Chúng ta đều biết nước rất cần thiết cho sức khỏe. Nước giúp điều hòa thân nhiệt, duy trì nồng độ máu, vận chuyển chất dinh dưỡng qua các tế bào. Mất nước có thể dẫn đến một loạt tình trạng sức khỏe như hoa mắt chóng mặt, tụt huyết áp, ù tai, khó cử động.

Nhưng nước có thực sự đóng vai trò quan trọng đối với việc giảm cân, hay chỉ là lời khuyên sáo rỗng nhằm giữ cân bằng trạng thái tinh thần và sức khỏe?

Về vấn đề này đã có nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh. Trong một nghiên cứu về béo phì đăng trên Trung tâm Thông tin công nghệ sinh học quốc gia (Hoa Kỳ) năm 2009, các nhà khoa học đã quan sát và phân tích chế độ dinh dưỡng cũng như tập luyện của gần 200 phụ nữ ở độ tuổi từ 20-50 tuổi trong vòng 12 tháng. Kết quả cho thấy những phụ nữ thuộc nhóm thừa cân đều uống ít hơn 2 lít nước mỗi ngày. Lượng nước này bao gồm cả nước lọc, nước ngọt, nước trong thực phẩm và trái cây.

Một đánh giá chuyên môn khác đăng trên Trung tâm Thông tin công nghệ sinh học quốc gia (Hoa Kỳ) tổng hợp kết quả các thử nghiệm về tác động của nước đối với việc giảm cân cũng phát hiện: những người giảm từ 0,4kg đến 8,8kg trong vòng từ 1- 6 tháng đã áp dụng việc uống nước nhiều hơn, thay thế đồ uống có chứa nhiều calo bằng nước lọc và uống nước trước bữa ăn.

Đây là bằng chứng rất chắc chắn rằng uống nước có thể giúp bạn giảm cân, đặc biệt là khi kết hợp với các chiến thuật giảm cân khác như giảm calo nạp vào và tập thể dục.

Khi chúng ta muốn giảm cân, yếu tố quan trọng nhất là cân bằng năng lượng, hoặc lượng calo nạp vào phải ít hơn so với lượng “thoát ra”. Phần “calo nạp vào” bao gồm thức ăn, đồ uống, và “calo thoát ra” là tỉ lệ trao đổi chất, hoạt động tập thể dục và lao động chân tay của bạn.

Nước đóng một vai trò quan trọng trong cả quá trình “nạp vào” và “thoát ra” này.

Uống nhiều nước làm đầy dạ dày và giảm cảm giác đói, tăng cảm giác no, làm giảm lượng thức ăn bạn ăn, do đó giảm lượng calo nạp vào. Nước cũng hoàn toàn không chứa calo. Vì vậy, thay thế đồ uống có đường, nước hoa quả và đồ uống chứa nhiều calo bằng nước lọc có thể giảm đáng kể lượng calo bạn tiêu thụ mỗi ngày.

Ở quá trình “thoát ra”, lượng calo được tiêu hao mạnh nhất qua việc tập thể dục và các hoạt động thể chất khác. Nhưng đồng thời các hoạt động đôi khi cũng khiến cơ thể bị mất nước do toát quá nhiều mồ hôi.

Uống nước có thực sự giúp giảm cân? - Ảnh 2.

Cuộc sống phát triển, dinh dưỡng đầy đủ, cộng thêm yếu tố công việc đặc thù khiến ngày càng nhiều người rơi vào tình trạng thừa cân béo phì, kéo theo hàng loạt hệ lụy bệnh tật khác. Giảm cân không còn là vì vẻ đẹp bên ngoài, mà còn là để bảo vệ sức khỏe bên trong – Ảnh: BBC

Đâu là “giờ vàng” để uống nước giảm cân?

Theo Will McAuley – HLV thể hình người Anh, tác giả của hàng loạt bài viết về dinh dưỡng và sức khỏe, hai thời điểm tốt nhất để việc uống nước giúp giảm cân là khi bụng đói và ngay trước bữa ăn.

Đối với một số người, tín hiệu khát và đói có thể rất giống nhau. Và nếu đói, uống nước có thể giúp bạn cảm thấy no hơn mà không cần ăn.

Uống nước ngay trước bữa ăn có thể khiến bạn no sớm hơn và ăn ít hơn. Điều quan trọng nhất đó phải là nước ít hoặc không chứa calo. Các loại nước như: nước ngọt có gas, các loại sinh tố trái cây… chứa nhiều calo và đường đều không tốt cho quá trình trao đổi chất và có thể ảnh hưởng đến quá trình giảm cân.

Bên cạnh đó, cần phải bù nước ngay khi cơ thể bị tiêu hao lượng nước đáng kể. Các chuyên gia dinh dưỡng tính toán rằng một người trưởng thành có thể mất rất nhiều nước sau mỗi giờ tập thể dục cường độ cao hoặc lao động thể chất trong thời gian dài. Khi đó, uống nước là cách tốt nhất để bù nước đã mất đi, giữ cân bằng tình trạng sức khỏe.

Khi thiếu nước, cơ thể khó để thải độc, các chất thải tích lũy dần sẽ khiến cơ thể bị đầy hơi và mệt mỏi, giảm quá trình trao đổi chất từ chất béo hay tinh bột.

MINH HẢI (Theo Livescience)
TTO