23/01/2025

Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên tại Việt Nam có gì đặc biệt?

Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên tại Việt Nam có gì đặc biệt?

Trung tâm Khám phá khoa học ở Bình Định có Nhà mô hình vũ trụ, Trạm quan sát thiên văn phổ thông, Bảo tàng khoa học được phân chia thành các tiểu khu khám phá: vật lý, toán học, khoa học sự sống, hóa học, thiên văn học…

 

 

Chiều 29.4, UBND tỉnh Bình Định tổ chức khánh thành dự án Tổ hợp không gian khoa học, Nhà mô hình vũ trụ và Bảo tàng khoa học (gọi chung là Trung tâm Khám phá khoa học) tại khu Đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa (P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn, Bình Định). Đây được xem là trung tâm về khoa học vũ trụ đầu tiên của Việt Nam và trung tâm thứ 2 của Đông Nam Á (sau Singapore).

Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên tại Việt Nam có gì đặc biệt? - ảnh 1
Tòa nhà chính Trung tâm khám phá khoa học  ICISE

Nơi khám phá khoa học dành cho công chúng

Trung tâm Khám phá khoa học do Sở KH-CN tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 9.2015, được xây dựng trong khuôn viên 4 ha, bao gồm 2 hạng mục chính: Tòa nhà chính và Trạm quan sát thiên văn phổ thông.

Tòa nhà chính của Tổ hợp không gian khoa học rộng 7.200 m2, có các hạng mục thiết bị chuyên ngành phục vụ phổ biến khoa học như: Nhà chiếu hình vũ trụ và Khu khám phá khoa học.

Trong đó, Nhà chiếu hình vũ trụ với đặc trưng là màn hình vòm bán cầu đường kính 12 m, khán phòng 80 chỗ ngồi.

Nhà chiếu hình vũ trụ sử dụng hệ thống máy chiếu video có độ phân giải cao 4K, hệ thống thiết bị và điều khiển trình diễn hiện đại, công nghệ trình chiếu và mô phỏng các vấn đề liên quan đến thiên văn học và các hiện tượng thiên nhiên thông qua các bộ phim được thiết kế riêng biệt để chiếu lên mái vòm với âm thanh, hình ảnh ấn tượng, mang đến cho khán giả những trải nghiệm chân thực và khác lạ.

Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên tại Việt Nam có gì đặc biệt? - ảnh 2
Hình ảnh các thiên hà được trình chiếu trên mái vòm nhà chiếu hình vũ trụ  HOÀNG TRỌNG

Khu Khám phá khoa học gồm các phòng trưng bày, phổ biến khoa học phong phú với những chủ đề như: Hệ mặt trời, Khám phá vật chất, Trái đất và tài nguyên thiên nhiên, Khám phá không gian, Khám phá sao Hỏa, Chơi mà học, Vì sao lại thế…

Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên tại Việt Nam có gì đặc biệt? - ảnh 3
Khu vực tìm hiểu về tài nguyên thiên nhiên  HOÀNG TRỌNG

Đây là nơi để công chúng nhiều lứa tuổi tiếp cận, thực hành, trải nghiệm, tương tác với các mô hình khoa học, các thiết bị công nghệ tiên tiến, tham gia các hoạt động thực hành trải nghiệm sáng tạo, khám phá những kiến thức khoa học lý thú được diễn giải theo những cách đơn giản nhất với phương châm “chơi mà học, học bằng chơi”.

Qua đó, khơi gợi và khích lệ niềm đam mê nghiên cứu khoa học thông qua các thí nghiệm khoa học cơ bản cùng những thảo luận giữa các nhà nghiên cứu và công chúng, đặc biệt là trẻ em, học sinh, sinh viên.

Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên tại Việt Nam có gì đặc biệt? - ảnh 4
Du khách tìm hiểu mô hình về hệ mặt trời tại Trung tâm khám phá khoa học  HOÀNG TRỌNG

Hạng mục Trạm quan sát thiên văn phổ thông sử dụng kính thiên văn quang học đường kính ống 60 cm (là loại kính thiên văn lớn nhất tại Việt Nam hiện nay). Ngoài kính thiên văn chính, tại Trạm quan sát thiên văn còn có các kính thiên văn phổ thông cũng như các máy móc hỗ trợ khác giúp quan sát các hành tinh của hệ mặt trời và thiên hà.

Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên tại Việt Nam có gì đặc biệt? - ảnh 5
Trạm quan sát thiên văn viễn thông tại Trung tâm khám phá khoa học  HOÀNG TRỌNG
Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên tại Việt Nam có gì đặc biệt? - ảnh 6
Kính thiên văn tại Trạm quan sát thiên văn phổ thông  HOÀNG TRỌNG

Trung tâm Khám phá khoa học còn có hạng mục Khu thiếu nhi được triển khai xây dựng từ tháng 12.2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 10.2022. Nơi đây được mong đợi sẽ là không gian trải nghiệm các kiến thức khoa học một cách gần gũi nhất dành riêng cho các em thiếu nhi.

 

Cảm ơn GS Trần Thanh Vân, người gieo mầm bền bỉ cho khoa học Việt Nam

Phát biểu tại buổi lễ, ông Lâm Hải Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết ý tưởng đầu tiên về dự án “Tổ hợp không gian khoa học” do Hội Gặp gỡ Việt Nam đề xuất. Dự án còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành Trung ương và sự quyết tâm của UBND tỉnh Bình Định.

Thay mặt UBND tỉnh Bình Định, ông Lâm Hải Giang trân trọng cảm ơn GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, người rất tâm huyết và có những đóng góp quan trọng cho dự án, người gieo mầm bền bỉ cho khoa học Việt Nam nói chung và sự phát triển khoa học tỉnh Bình Định nói riêng.

Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên tại Việt Nam có gì đặc biệt? - ảnh 7
Du khách trải nghiệm các kính thiên văn phổ thông tại Trạm quan sát thiên văn  HOÀNG TRỌNG

“GS Trần Thanh Vân đã đưa Bình Định trở thành nơi gặp gỡ của các nhà khoa học hàng đầu thế giới và Việt Nam với những hội nghị, hội thảo khoa học có sứ mệnh nắm bắt những ý tưởng tiên phong. Để rồi từ đó, các công trình nổi bật, truyền đi cảm hứng và thông điệp cho thế hệ nhà khoa học trẻ Việt Nam và các nhà quản lý một cánh cửa kết nối với thế giới, khuyến khích sự phát triển. Đây là chìa khóa quyết định của sự phát triển, là điều kiện, là cơ hội để đi tắt đón đầu và phát triển bền vững của hiện tại và tương lai”, ông Lâm Hải Giang nhấn mạnh.

Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên tại Việt Nam có gì đặc biệt? - ảnh 8
Thí nghiệm về tia lửa điện, sấm sét… tại Trung tâm khám phá khoa học  HOÀNG TRỌNG

Theo ông Lâm Hải Giang, Trung tâm Khám phá khoa học được đưa vào sử dụng sẽ cùng với Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành, Công viên sáng tạo TMA… sẽ tạo thêm xung lực, thúc đẩy ước mơ xây dựng Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa đi thêm một bước trên đường hiện thực.

 

Cần các chuyên gia giỏi để vận hành

Theo GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, dự án Trung tâm Khám phá khoa học ở bất cứ thời điểm nào cũng cần có sự gắn kết và hỗ trợ của chuyên gia quốc tế trong công tác vận hành để làm giàu và phong phú thêm các hoạt động cho dự án. Trung tâm khám phá khoa học cần có các chuyên gia giỏi để tự thiết kế các mô hình khoa học triển lãm từ ý tưởng của các nhà khoa học và sửa chữa khi cần. Đây là kinh nghiệm quan trọng trong công tác vận hành để giảm và tiết kiệm kinh phí.

Trung tâm Khám phá khoa học đầu tiên tại Việt Nam có gì đặc biệt? - ảnh 9
Thiếu nhi vui chơi tại Trung tâm khám phá khoa học  HOÀNG TRỌNG

GS Trần Thanh Vân mong lãnh đạo tỉnh Bình Định, lãnh đạo Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và tài chính để Trung tâm Khám phá khoa học có thể thu hút nhân lực tài năng, có tâm huyết và đam mê truyền bá tình yêu khoa học đến với học sinh, sinh viên và công chúng. Hàng năm, nhà nước cần có ngân sách hỗ trợ cho các hoạt động của Trung tâm Khám phá khoa học để tránh việc trung tâm này phải làm kinh tế bằng mọi giá để tồn tại và hạn chế cơ hội được tới tham quan của học sinh, sinh viên nghèo.

HOÀNG TRỌNG

TNO