23/12/2024

Giá sách giáo khoa được tính toán dựa trên các yếu tố nào?

Giá sách giáo khoa được tính toán dựa trên các yếu tố nào?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cho rằng giá bán sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 được kê khai mới chứ không phải tăng giá.

 

 

Giá sách giáo khoa được tính toán dựa trên các yếu tố nào? - Ảnh 1.

Sách giáo khoa mới lớp 10 của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam – Ảnh: NXB GDVN

Theo Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều sách giáo khoa do các đơn vị xuất bản khác nhau cùng tham gia, quy trình biên soạn, những yếu tố phải tham chiếu để xây dựng giá sách giáo khoa cũng khác so với thời kỳ cả nước chỉ có 1 bộ sách giáo khoa/lớp.

 

Yêu cầu mới gây tốn kém

Cụ thể, giá sách giáo khoa được xây dựng dựa trên các yếu tố: số lượng cuốn sách giáo khoa trong bộ sách giáo khoa mới (theo chương trình mới có sự điều chỉnh so với chương trình hiện hành); chi phí tổ chức bản thảo (gồm chi phí nhuận bút, biên tập, thiết kế, chế bản, đọc góp ý, thực nghiệm…); chi phí vật tư, công in; chi phí marketing.

Theo đó, khi thực hiện chương trình mới, các đơn vị xuất bản phải đáp ứng nhiều yêu cầu cao hơn so với trước đây. Trong khi đó, với bối cảnh có nhiều đơn vị cùng xuất bản sách, số lượng bản sách giáo khoa ở mỗi tên sách của một đơn vị xuất bản sẽ giảm so với thời kỳ trước. Các chi phí tổ chức bản thảo phân bổ cho mỗi bản sách giáo khoa sẽ cao hơn.

Về chi phí vật tư công in, để chuyển tải những yêu cầu đổi mới về nội dung theo định hướng phát triển năng lực, sách cũng được in nhiều màu hơn, khổ sách lớn hơn (19cm x 26,5cm, lớn hơn 1,23 lần khổ sách giáo khoa hiện hành 17cm x 24cm).

Khi có nhiều nhà xuất bản cùng tham gia xuất bản sách giáo khoa, việc phải cạnh tranh kéo theo chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như giới thiệu, cung cấp sách mẫu, truyền thông…

Không còn “bao cấp”

Một điểm khác biệt lớn về nguồn vốn biên soạn sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 so với sách giáo khoa hiện hành (theo chương trình cũ) là toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo không còn được cấp vốn từ ngân sách nhà nước và vay vốn Ngân hàng Thế giới.

Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cũng như các đơn vị xuất bản sách giáo khoa khác phải thực hiện việc tổ chức biên soạn, xuất bản sách giáo khoa bằng nguồn vốn do doanh nghiệp đầu tư, thu xếp và vay ngân hàng.

Theo tính toán của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam thì chi phí tổ chức bản thảo sách giáo khoa hiện hành chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức bản thảo sách giáo khoa mới.

Trước đó, việc Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa lớp 3, 7, 10 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mức cao hơn nhiều so với giá sách giáo khoa cũ (theo chương trình hiện hành) đã gây lo lắng cho nhiều phụ huynh vì “gánh nặng” tiền trường sẽ gia tăng trong năm học tới.

Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù giải trình về chi phí tác động đến giá của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam cũng như các đơn vị xuất bản khác có hợp lý, thì đây cũng là vấn đề Bộ Giáo dục và đào tạo cần xem xét và có điều chỉnh, bổ sung quy định về mặt chuyên môn để giảm chi phí không cần thiết.

VĨNH HÀ
TTO