22/12/2024

Thứ Hai, 25.04.2022
Thánh Sử Marcô

Trong Phúc Âm ngày lễ kính thánh Marcô, Chúa Giêsu trao sứ mạng truyền giáo cho các Tông đồ trước khi Ngài về trời: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”.

THÁNH MÁC-CÔ, TÁC GIẢ SÁCH TIN MỪNG – Lễ kính

1 Pr 5,5b-14 • Tv 88,2-3.6-7.16-17 (Đ. x. c.2a) • Mc 16,15-20

2022.03.22-PS02T2.jpg

Lời Chúa
✠ Bài trích Phúc Âm theo thánh Mác-cô

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ)

Suy niệm
Thánh Sử Marcô

Trong Phúc Âm ngày lễ kính thánh Marcô, Chúa Giêsu trao sứ mạng truyền giáo cho các Tông đồ trước khi Ngài về trời: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật”. Lệnh truyền này cũng đúng với tên gọi và con người của thánh Marcô. Marcô có nghĩa là “chiếu sáng”, và cũng có nghĩa là “người chiến sĩ của Chúa”.

  • Là “chiến sĩ của Chúa”, Marcô từng theo Phaolô và Barnaba trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất. Sau này, ngài theo Phêrô làm môn đệ và làm thông dịch viên tại Rôma. Vì vậy, Tin Mừng dưới ngòi bút của Marcô chịu ảnh hưởng rất nhiều từ lời giảng dạy của Tông đồ Phêrô.
  • Là “sự chiếu sáng”, Marcô đã trở nên “ánh sáng cho trần gian” qua tác phẩm cùa Ngài. Marcô viết Tin Mừng cho các Kitô hữu gốc dân ngoại. Từ “Tin Mừng” không có trong Luca, và chỉ thấy từ này 4 lần trong Matthêô. Còn Marcô lại dùng đến 8 lần, ngay từ câu đầu tiên: “Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô…”: Tin Mừng chính là Chúa, và nội dung Tin Mừng chính là lời nói, việc làm của Chúa Giêsu cũng như những sự kiện xảy ra trong cuộc đời của Ngài.

Nhờ phép Rửa, chúng ta được mời gọi trở nên “ánh sáng cho trần gian”, và nhờ phép Thêm Sức, chúng ta được xức dầu để trở nên “chiến sĩ của Chúa Kitô”.

Lm. Micae Nguyễn Tiến Bình

Sống Lời Chúa: Quyết tâm sống tốt hơn để làm chứng cho Chúa.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam

Youcat-mỗi ngày