10/01/2025

Bạn đã biết cách tự kiểm tra ung thư tinh hoàn chưa?

Bạn đã biết cách tự kiểm tra ung thư tinh hoàn chưa?

Ung thư tinh hoàn là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới trẻ. Bạn đã biết cách tự kiểm tra các dấu hiệu của khối u chưa?

 

 

Theo một nghiên cứu toàn cầu do Công ty phân tích dữ liệu quốc tế YouGov thực hiện, khảo sát 2.500 nam giới trong độ tuổi “có nguy cơ mắc bệnh” từ 18 đến 34 tuổi, cho thấy hơn 62% chưa biết cách tự kiểm tra ung thư tinh hoàn, theo nhật báo Anh Express.

Bạn đã biết cách tự kiểm tra ung thư tinh hoàn chưa? - ảnh 1
Ung thư tinh hoàn là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới trẻ  SHUTTERSTOCK

Hiện tổ chức toàn cầu về sức khỏe nam giới Movember đang nâng cao nhận thức về các triệu chứng của tình trạng này.

Giám đốc toàn cầu về ung thư tinh hoàn của Movember, chuyên gia Sam Gledhill cho biết, rất may là tỷ lệ sống sót cao nếu bệnh được phát hiện sớm. Nhưng nhiều nam thanh niên nghĩ rằng đó là bệnh của người già và không quan tâm đến việc kiểm tra.

Tất cả nam giới ở độ tuổi 20 và 30 đều nên tìm hiểu tinh hoàn của họ trông như thế nào.

 

Cách đơn giản để tự kiểm tra ung thư tinh hoàn

Tốt nhất là kiểm tra trong khi tắm, chuyên gia Gledhill khuyên. Dùng 2 ngón tay cẩn thận và nhẹ nhàng lăn từng “viên bi”, kiểm tra xem có thay đổi hoặc bất thường nào không, theo Express.

Nếu cảm thấy đau hoặc có cảm giác khác lạ, cần phải nhờ bác sĩ kiểm tra.

Tổ chức Movember chỉ ra hơn 90% trường hợp ung thư tinh hoàn bắt đầu từ các tế bào tạo ra tinh trùng (tức là tế bào mầm).

Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) chỉ ra rằng ung thư tinh hoàn có thể dẫn đến tình trạng “sưng không đau hoặc có khối u ở 1 trong 2 tinh hoàn”.

Lưu ý rằng vết sưng hoặc cục u có thể nhỏ bằng hạt đậu.

Bạn đã biết cách tự kiểm tra ung thư tinh hoàn chưa? - ảnh 2
Dùng 2 ngón tay cẩn thận và nhẹ nhàng lăn từng “viên bi”, kiểm tra xem có thay đổi hoặc bất thường nào không  SHUTTERSTOCK

Tinh hoàn có thể thay đổi hình dạng hoặc kết cấu khác với bình thường.

NHS nhấn mạnh: “Điều quan trọng là phải để ý được thế nào là bình thường, để nhận ra sự khác thường nếu có”.

Khối u cũng có thể làm cho tinh hoàn cứng hơn. Cũng có thể nhận thấy 2 tinh hoàn khác nhau. Tình trạng này cũng có thể dẫn đến “đau âm ỉ hoặc đau buốt ở tinh hoàn hoặc bìu”, đau từng cơn.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý “cảm giác nặng ở bìu”.

 

Tất cả các cục u và sưng có phải là ung thư không?

Trong nhiều trường hợp, các cục u và sưng cũng có thể là dấu hiệu của tình trạng khác.

Nếu phát hiện ung thư, điều trị càng sớm thì khả năng được chữa khỏi hoàn toàn càng lớn, theo Express.

THIÊN LAN

TNO