23/01/2025

Bệnh thành tích vẫn đè nặng giáo dục

Bệnh thành tích vẫn đè nặng giáo dục

Ép học sinh có học lực trung bình, yếu không thi vào lớp 10 để không ảnh hưởng đến tỷ lệ đỗ vào THPT công lập được cho là ‘biểu hiện lâm sàng’ của bệnh thành tích, nhất là các trường công lập.

 

 

Chuyện “biết rồi, khổ lắm…” !

Ngày 20.4, Bộ GD-ĐT công khai số điện thoại đường dây nóng và email “kêu gọi” người dân hãy lên tiếng phản ánh và hứa sẽ xử lý nghiêm nếu có hiện tượng ép học sinh (HS) có học lực không tốt không được dự thi vào lớp 10.

Chiều 21.4, một đại diện của Bộ GD-ĐT chia sẻ với PV Thanh Niên đã nhận được khá nhiều phản ánh của người dân về tình trạng này, trong đó chủ yếu là phụ huynh có con học ở Hà Nội. Họ gọi điện, gửi email dù giấu tên nhưng nêu rõ tên trường, kể chuyện được giáo viên (GV), nhà trường “gợi ý” hoặc thúc ép ra sao về việc không nên thi vào lớp 10 trường công lập mà nên chọn một trường tư thục xét tuyển học bạ hoặc trường dạy nghề theo hình thức “9 +”… Vị này cho biết tất cả các thông tin trên sẽ được Bộ tập hợp đầy đủ, chi tiết xử lý theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ chứ không chỉ nghe thông tin báo cáo một chiều từ phòng hoặc sở GD-ĐT.

Bệnh thành tích vẫn đè nặng giáo dục - ảnh 1

Sau một loạt bài phản ánh của Báo Thanh Niên về hiện tượng này, bạn đọc cũng đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện mà chính họ là người trong cuộc. Một bạn đọc viết: “Là một GV đang dạy lớp 9 ở TP.HCM, tôi có một số đồng cảm với nhà trường. Bệnh thành tích rất nặng nề. Quận luôn đưa ra chỉ tiêu trên 85% HS có đi thi lớp 10 trong quận để có thành tích so với các quận khác. Nếu trường nào có số HS đậu ít thì năm sau phòng giáo dục sẽ về dự giờ các GV trường đó”.

Cũng theo bạn đọc này, GV chủ nhiệm luôn biết năng lực của từng em nên thường hướng những em có học lực yếu đi học trường dân lập hoặc học nghề để không ảnh hưởng đến chỉ tiêu của trường và lớp.

Một phụ huynh có con học lớp 9 ở Q.Thanh Xuân (Hà Nội) gọi điện cho PV Thanh Niên để tâm sự những chất chứa suốt từ đầu năm học đến nay khi chị cũng nhận được điện thoại của GV chủ nhiệm chê bai rất nhiều về sức học của con, nói rằng con quá kém, không thể đỗ vào trường THPT công lập có chất lượng trên địa bàn. Sau đó, GV này nói có sẵn các bộ hồ sơ vào các trường trung cấp nghề hoặc trường THPT tư thục ở cùng địa bàn, chỉ tuyển sinh theo hình thức xét tuyển học bạ…; đề nghị phụ huynh đến lấy hồ sơ này về để nghiên cứu và nộp cho con vào các trường ấy để đảm bảo chỗ học thay vì đăng ký dự thi vào lớp 10.

“GV không thô bạo theo kiểu bắt ép, dồn HS đến bước đường cùng nhưng cũng làm cho cả con và mẹ thấy vô cùng bất an, hoang mang trước lựa chọn của mình”, vị phụ huynh này cho biết.

 

“Biểu hiện lâm sàng” của bệnh thành tích

Việc “vận động” HS có học lực không tốt không thi vào lớp 10 đã ồn ào nhiều năm qua. Năm 2021, phụ huynh một số trường THCS thuộc Q.Hoàng Mai (Hà Nội) đã từng lên tiếng “tố” nhà trường gây áp lực không cho HS kém thi vào lớp 10 công lập vì cho rằng sức học yếu kém mà tham dự vào kỳ thi có mức độ cạnh tranh căng thẳng như kỳ thi này ở Hà Nội sẽ không thể đỗ. Khi đó, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng yêu cầu “kiểm tra, xử lý” nhưng rồi mọi việc vẫn tiếp tục lặp lại, thậm chí phổ biến hơn.

Một trong những áp lực với giáo viên, nhà trường là áp lực thi cử; các tiêu chí đánh giá nhà trường phổ thông của ngành giáo dục đều có chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh giỏi, hạnh kiểm tốt, tỷ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp… Đó là những áp lực lớn đối với các nhà trường phổ thông muốn đánh giá điểm số thực chất, năng lực học tập thực chất của học sinh.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh (Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành)

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng: “Hiện tượng này là có thật nhiều năm nay ở Hà Nội. Đó là “biểu hiện lâm sàng” của bệnh thành tích, nhất là các trường công lập. Hằng năm, Phòng GD-ĐT quận, huyện thống kê số HS lớp 9 đỗ vào lớp 10 trường THPT công để đánh giá “thành tích” của trường. Phòng GD-ĐT đã “thống kê” thì trường THCS phải có giải pháp thiết thực để con số thống kê đó của trường mình được “đẹp” hơn”.

Gọi đây là một hành động “tàn nhẫn”, ông Khang đề nghị Bộ GD-ĐT thực sự muốn chấn chỉnh thì cần duy trì “đường dây nóng” để người dân phản ánh mà không ngại ngần.

 

Giáo viên cũng chỉ là nạn nhân ?

Bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), tại một cuộc tọa đàm bàn cách giảm áp lực cho GV do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, đã thẳng thắn chỉ ra: “Một trong những áp lực với GV, nhà trường là áp lực thi cử; các tiêu chí đánh giá nhà trường phổ thông của ngành giáo dục đều có chỉ tiêu về tỷ lệ HS giỏi, hạnh kiểm tốt, tỷ lệ lên lớp, đỗ tốt nghiệp… Cha mẹ HS cũng đánh giá chất lượng dạy học của nhà trường chỉ thông qua điểm số. Đó là những áp lực lớn đối với các nhà trường phổ thông muốn đánh giá điểm số thực chất, năng lực học tập thực chất của HS”.

Bệnh thành tích vẫn đè nặng giáo dục - ảnh 2

Áp lực nữa với GV và các nhà trường là áp lực thi đua: ngành GD-ĐT đưa ra các chỉ tiêu về trường xuất sắc, phòng GD-ĐT xuất sắc… dựa trên thành tích về tỷ lệ HS giỏi, giải HS giỏi, điểm thi vào lớp 10, chỉ tiêu về số lượng chiến sĩ thi đua… Mỗi quận, huyện chỉ có 2 – 3 trường xuất sắc nên nhiều trường phổ thông phải cố gắng để đạt được các tiêu chí đề ra.

Bà Dương Thị Phương Thảo, GV Trường THCS Mạc Đĩnh Chi (Q.Ba Đình, Hà Nội), từng gây chú đặc biệt bởi những chia sẻ chân thực tại một hội thảo về áp lực lao động nghề nghiệp của GV hiện nay. Trong số những áp lực lớn đối với GV mà bà Thảo chỉ ra đến từ việc thi cử của HS, nhất là kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT của Hà Nội. Là GV chủ nhiệm của HS lớp 9, bà Thảo cho biết bản thân và nhiều đồng nghiệp phải gánh trên vai nhiệm vụ làm sao để tất cả HS trong lớp đều vượt qua kỳ thi ấy. Kết quả tuyển sinh vào lớp 10 là tiêu chí quan trọng để xếp hạng chất lượng giáo dục của nhà trường. Bản thân các cô nếu không đạt chỉ tiêu được giao sẽ bị nhà trường, đồng nghiệp đánh giá về năng lực nghề nghiệp. Kết quả của kỳ thi ấy sẽ là cơ sở để đánh giá xếp hạng trường THCS.

“Nhưng chúng tôi không có con đường nào khác. Nếu chúng tôi không vượt qua, sẽ bị đánh giá về năng lực nghề nghiệp, sẽ phải chịu cái nhìn của các đồng nghiệp khác trong quận, trong thành phố vì đó là kết quả chung của trường”, bà Thảo chia sẻ.

Bệnh thành tích vẫn đè nặng giáo dục - ảnh 3
Trường THCS Dịch Vọng (Hà Nội) và nội dung phản ảnh từ phụ huynh của trường này về hiện tượng ép học sinh yếu không thi lớp 10 gây xôn xao dư luận những ngày qua   NGUYỄN BẮC – CHỤP MÀN HÌNH

Mượn danh “tư vấn hướng nghiệp” để ép học sinh

Bà Thảo cho biết vì áp lực này mà bà và đồng nghiệp từng phải vắt kiệt sức dạy ngày dạy đêm cho HS lớp 9 để không em nào bị trượt nguyện vọng 1 vào trường THPT mà các em đã đăng ký.

Tuy nhiên, không phải GV nào cũng đủ khả năng và kiên nhẫn để thực hiện “chỉ tiêu 100%” bằng cách phụ đạo, kèm cặp từng HS có học lực chưa tốt. Họ chọn cách làm dễ hơn là mượn danh hoạt động “tư vấn hướng nghiệp” để sàng lọc HS có nguy cơ trượt kỳ thi vào lớp 10, đưa ra gợi ý, thậm chí không ngại ép HS có học lực trung bình không tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Bởi tỷ lệ HS trúng tuyển vào các trường THPT công lập thường được tính trên tổng số thí sinh dự thi chứ không phải là trên tổng số HS cuối cấp.

Nhiều ý kiến đồng loạt đề nghị với riêng hiện tượng cụ thể ép HS không thi vào lớp 10, thì trước mắt ngành GD-ĐT cần có biện pháp triệt để như cấm các quận/huyện thống kê kết quả thi tuyển vào lớp 10 của từng trường để làm bất cứ việc gì, kể cả chỉ tiêu thi đua, đánh giá chất lượng giáo dục của trường hay của GV…

Ý KIẾN

 

“5 bỏ” để giảm áp lực cho giáo viên và nhà trường

Bỏ áp đặt chỉ tiêu thi đua, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện tham gia thi đua của tập thể, cá nhân theo quy định.

Bỏ khen thưởng ở cấp cơ sở, quận, huyện, tỉnh…; chỉ giữ lại khen thưởng ở cấp T.Ư.

Bỏ các cuộc thi “GV dạy giỏi”; “GV chủ nhiệm giỏi”, “tổng phụ trách giỏi”…

Bỏ việc “dự giờ theo chuyên đề cấp quận, huyện” vì thực tế hoạt động này không học tập được gì, thường tâng bốc hoặc soi mói lẫn nhau, phản tác dụng.

Bỏ việc kiểm tra cấp phòng, cấp sở các loại sổ sách của GV, của trường. Trao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục về việc này.

Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (Hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội)

 

Một trường học tốt không chỉ dựa vào điểm số

Một GV giỏi, một trường học tốt được đánh giá dựa vào rất nhiều yếu tố chứ không phải chỉ dựa vào điểm số. Làm thế nào để một HS yếu trở thành HS trung bình, khá; một HS trung bình thành khá, giỏi mới là quan trọng. Hoặc các em đến trường thấy vui vẻ, không ai muốn nghỉ học, đó mới là điều mà giáo dục cần hướng tới.

Lưu Hồng Uyên (Trưởng phòng Giáo dục Q.6, TP.HCM)

 

Lợi dụng phân luồng là sai lầm trong giáo dục

Nếu lợi dụng phân luồng để ép HS yếu không được thi lớp 10 nhằm lấy thành tích là sai lầm trong giáo dục. Việc của những người làm giáo dục là định hướng, tư vấn thật kỹ cho HS, giúp các em có lựa chọn phù hợp với năng lực của mình.

Trần Khắc Huy (Trưởng phòng Giáo dục Q.Tân Bình, TP.HCM)

Tuyết Mai – Mỹ Quyên (ghi)

TUỆ NGUYỄN

TNO