23/12/2024

Nới lỏng tối đa các biện pháp phòng dịch

Nới lỏng tối đa các biện pháp phòng dịch

Tình hình dịch Covid-19 trong nước đã giảm sâu, các chuyên gia cho rằng đến lúc nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng dịch để thuận lợi trong các hoạt động.

 

 

Giảm “chạm đáy”

Đợt dịch Covid-19 do biến thể Omicron tại TP.HCM gia tăng bắt đầu từ trung tuần tháng 2.2022. Từ vài chục ca dương tính xác định/ngày đến trung tuần tháng 3 số ca tăng dần lên 10.000 ca/ngày và tổng số ca cách ly, chăm sóc điều trị trong ngày 17.3 là khoảng 100.000 ca. Số ca nằm viện tăng lên trên 5.000 – 6.000 ca/ngày, số ca nặng thở ô xy và thở máy xâm lấn cũng gia tăng. Sau đó, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM đã quay đầu đi xuống. Đến ngày 18.4, tổng số ca cách ly, chăm sóc và điều trị tại bệnh viện (BV) chỉ còn 10.000 ca, bằng 1/10 so với cùng kỳ tháng trước. Đáng lưu ý, số ca tử vong không gia tăng, mỗi ngày chỉ từ 1 – 2 ca, nhiều ngày không có ca nào. Đặc biệt, 12 ngày qua, TP.HCM không có ca tử vong do Covid-19.

Nới lỏng tối đa các biện pháp phòng dịch - ảnh 1
Dịch giảm, theo các chuyên gia, một số biện pháp phòng chống dịch cần được nới lỏng hoặc gỡ bỏ  XUÂN LAM

Ngày 19.4, TS-BS Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, TP.HCM, cho biết hiện tại BV dã chiến (BVDC) 3 tầng số 14 (do BV Bệnh nhiệt đới phụ trách) chỉ còn 5 ca bệnh nặng, 4 ca thở máy, 1 ca ECMO, không có ca bệnh nặng nhập viện mới. Còn tại BVDC 3 tầng số 16 (do BV Nhân dân Gia Định phụ trách) chỉ còn 5 ca bệnh nặng ở hồi sức. “Ca bệnh nhập viện giảm rất nhiều so với hồi tháng 3, có thể đã giảm chạm đáy, điều này cũng có thể miễn dịch cộng đồng đã rất cao. Nếu không có biến chủng mới nữa thì tình hình dịch bệnh là ổn”, TS-BS Dũng nói.

Những biện pháp phòng chống dịch không hiệu quả, tốn thời gian, cản trở cuộc sống thì nghiên cứu bỏ đi, như khai báo khi vào siêu thị, sân bay, ngân hàng… Các app khai báo y tế nếu áp dụng không hiệu quả thì nên bỏ

PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Trưởng khoa Y tế công cộng,Trường ĐH Y Dược TP.HCM

Theo Bộ Y tế, tại VN dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước. Từ cuối tháng 12.2021, sau khi ghi nhận ca mắc đầu tiên biến thể Omicron, số mắc cả nước tăng cao nhất trong 3 tuần đầu của tháng 3.2022 do Omicron đã chiếm chủ đạo về số mắc, sau đó giảm mạnh từ cuối tháng 3 đến nay.

 

Nên bỏ những quy định không cần thiết

Theo BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, dịch bệnh hiện nay “không có gì để nói” nữa, do đó các thủ tục liên quan đến xét nghiệm (XN) Covid-19 nên bỏ hết, chỉ ai có nghi ngờ thì mới làm. Đặt vấn đề sau 30.4 hoặc đến cuối năm TP.HCM có nguy cơ bùng dịch như năm 2021, BS Khanh cho rằng khó có thể xảy ra, nếu có thì đã xảy ra vào dịp nghỉ lễ giỗ Tổ vừa qua. Nếu có ca bệnh thì cũng xảy ra lai rai, vì miễn dịch cộng đồng đã cao. “Vấn đề hiện nay là tiếp tục bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ. Cụ thể là tiêm mũi 4 cho những người nguy cơ. Phát hiện ca nặng để điều trị thuốc kháng vi rút. Ưu tiên XN cho người có khả năng mắc Covid-19 nặng. Còn lại, mọi việc giờ cứ bình thường để phát triển kinh tế. Khẩu trang và rửa tay là biện pháp phòng ngừa thông thường dễ thực hiện”, BS Khanh nói.

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cho rằng tình hình dịch bệnh giảm qua ghi nhận thực tế và phù hợp với dự báo, quy luật của dịch. “Khi tỷ lệ nhiễm và tiêm chủng cao thì thời gian này có thể xem có miễn dịch cộng đồng và không bùng dịch. Trong tương lai, dù có dịch đi nữa thì tỷ lệ chuyển nặng và tử vong cũng không cao”, PGS-TS Dũng nhận định.

Nới lỏng tối đa các biện pháp phòng dịch - ảnh 2
Số ca Covid-19 nặng và tử vong tại TP.HCM giảm rõ rệt  KHÁNH TRẦN

Từ thực tế miễn dịch cộng đồng hiện nay cao như vậy, PGS-TS Dũng đề xuất nên tận dụng cơ hội để mở cửa những hoạt động trước đây “e dè” như du lịch, khách quốc tế có thể “thả lỏng” việc XN. Các trường học cho đi học bình thường, các hoạt động ngoại khóa mở ra cho trẻ em tham gia. Nhóm trẻ em tiêm ngừa rồi có thể không bắt đeo khẩu trang. “Những biện pháp phòng chống dịch không hiệu quả, tốn thời gian, cản trở cuộc sống thì nghiên cứu bỏ đi, như khai báo khi vào siêu thị, sân bay, ngân hàng… Các app khai báo y tế nếu áp dụng không hiệu quả thì nên bỏ”, PGS-TS Dũng nói và cho rằng nên duy trì rửa tay để phòng bệnh chung, khuyến cáo đeo khẩu trang nơi đông người.

Còn BS Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho rằng miễn dịch cộng đồng đã cao. Tuy nhiên, phải xem các biến thể mới chứ không thể nói trước được có bùng dịch trong thời gian tới hay không. Theo ông, biện pháp phòng chống dịch là tập trung vào người nhóm nguy cơ và có việc làm thiết thực.

Nới lỏng tối đa các biện pháp phòng dịch - ảnh 3

Nới lỏng là hoàn toàn phù hợp

Theo Bộ Y tế, các hướng dẫn về cách ly y tế đang được nới lỏng phù hợp diễn biến dịch. Trong hướng dẫn mới nhất ngày 15.4.2022 về điều chỉnh định nghĩa ca bệnh Covid-19 và biện pháp y tế đối với ca bệnh Covid-19 và người tiếp xúc gần (F1) của Bộ Y tế, F1 không còn phải cách ly. Về lý do điều chỉnh “nới lỏng” cách ly y tế với F1, Bộ Y tế cho biết hiện nay tiêm vắc xin Covid-19 đã bao phủ cao trên phạm vi toàn quốc; tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong liên quan Covid-19 giảm sâu, phần lớn các ca mắc không có biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ, dịch bệnh Covid-19 đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước.

Bộ Y tế cũng đã có nới lỏng một số quy định về XN, chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 với người nhập cảnh. Hiện tại, theo hướng dẫn mới nhất (ngày 17.3.2022), người nhập cảnh chỉ yêu cầu có XN SARS-CoV-2. Nếu có XN âm tính thì được phép rời khỏi nơi lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Các trường hợp nhập cảnh, trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải XN…

Nới lỏng tối đa các biện pháp phòng dịch - ảnh 4
Theo các chuyên gia, VN bao phủ vắc xin với tỷ lệ rất cao, do đó có miễn dịch cộng đồng  NHẬT THỊNH

TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng việc nới lỏng đó là hoàn toàn phù hợp. Vì dịch đã diễn ra 2 năm, và theo quy luật, thường vi rút sẽ “lui” dần. Ngoài ra, miễn dịch cộng đồng rộng vì lượng người nhiễm nhiều, khoảng 1/10 dân số, là con số thống kê, đếm được. Nhưng thực tế chắc cao hơn nhiều, có thể đến 50% dân số, vì nhiều người không triệu chứng hoặc nhẹ nên không thông báo cơ quan y tế; cùng với đó VN bao phủ vắc xin với tỷ lệ rất cao, do đó có miễn dịch cộng đồng. “Đi lại nhiều nước cũng không hỏi về XN, chỉ hỏi hộ chiếu vắc xin. Việc xuất hiện chủng mới hiện chưa có yếu tố quan ngại”, ông Nga cho biết.

Ông Nga cũng đề xuất riêng đeo khẩu trang và rửa tay xà phòng hiện vẫn nên áp dụng. Đó là thói quen vệ sinh cá nhân tốt mà mỗi cá nhân nên duy trì.

Nhìn nhận về các quy định phòng, chống dịch đang áp dụng, một chuyên gia về y tế dự phòng tại Hà Nội lưu ý: “Nới lỏng tối đa, nhưng người dân không chủ quan, cần tiêm vắc xin Covid-19 đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế; khi có dấu hiệu nghi mắc nên chủ động theo dõi sức khỏe và có ý thức phòng lây nhiễm cho người khác”.

DUY TÍNH – LIÊN CHÂU

TNO