23/11/2024

Cảnh báo nhiều trẻ em mắc hội chứng MIS-C sau hồi phục COVID-19

Cảnh báo nhiều trẻ em mắc hội chứng MIS-C sau hồi phục COVID-19

Hội chứng MIS-C (còn gọi là viêm đa hệ thống) là tình trạng viêm các cơ quan khác nhau bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ em vào thời điểm khoảng 2-6 tuần sau khi mắc COVID-19.

 

 

Cảnh báo nhiều trẻ em mắc hội chứng MIS-C sau hồi phục COVID-19 - Ảnh 1.

Trẻ mắc COVID-19 được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2 – Ảnh: THU HIẾN

Theo thống kê của Sở Y tế TP.HCM, báo cáo nhanh từ các bệnh viện chuyên khoa nhi trên địa bàn TP trong giai đoạn từ tháng 6-2021 đến tháng 3-2022, đã ghi nhận có 315 trẻ được chẩn đoán hoặc nghi ngờ mắc MIS-C trên tổng số trẻ em mắc COVID-19 trong cùng giai đoạn là 71.076 trẻ, chiếm tỉ lệ 0,4%.

Tất cả đều đáp ứng tốt với điều trị, không có trường hợp nào tử vong, tuy nhiên có nhiều cháu biểu hiện nặng, sốc, suy hô hấp, suy đa cơ quan.

 

Mắc MIS-C ngay sau khi hồi phục bệnh

Trong thời gian từ 1-10-2021 đến ngày 22-2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã tiếp nhận 92 trường hợp mắc hội chứng MIS-C (viêm đa hệ thống) ở trẻ em, trong đó có 11,9% trẻ biểu hiện nặng với sốc, suy hô hấp, suy đa cơ quan.

Bé M.T. (10 tuổi, huyện Bình Chánh) nhập viện trong tình trạng khó thở, tím tái. Qua khai thác bệnh sử, bé T. bị sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, đau nhức mình mẩy, nhức đầu, mệt, xét nghiệm dương tính COVID-19. Đến ngày thứ 10, bé ho nhiều, thở mệt nên nhập viện. Sau 2 tuần nhập viện, cho kết quả âm tính, bé T. được xem xét xuất viện ngày hôm sau.

Tuy nhiên, bé T. đột ngột sốt cao 39,5 độ C trở lại, xuất hiện đỏ mắt, đỏ da ở mặt, bụng, tứ chi nên được hội chẩn từ các bác sĩ và làm xét nghiệm máu cho thấy có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh, nên chẩn đoán trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống liên quan đến COVID-19.

Kết quả sau thêm hơn 1 tuần điều trị nữa, sức khỏe bé T. được cải thiện dần, hết sốt, da và mắt hết đỏ, tỉnh táo và được xuất viện điều trị tiếp lộ trình kháng viêm, chống đông và tái khám theo hẹn.

Đây là trường hợp hiếm gặp trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống nặng ngay sau khi phục hồi bệnh COVID-19 cấp, trong khi đa số trẻ mắc hội chứng MIS-C thường xảy ra ở trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng hoặc biểu hiện nhẹ thoáng qua mà phụ huynh không để ý biết được.

Trường hợp khác, bé T.P. (11 tuổi, quận Bình Tân) nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau bụng, tay chân lạnh. Khai thác bệnh sử bé P. bệnh 7 ngày, sốt cao 39-40 độ C, liên tục, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, than đau bụng quanh rốn, ngày ói 4-5 lần ra thức ăn, dịch trong không lẫn máu, tiêu phân vàng lỏng 3-4 lần/ngày, nổi hồng ban ở tay…

Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với COVID-19, nhưng xét nghiệm định lượng kháng thể thấy bị nhiễm COVID-19 trước đó.

Xét nghiệm máu cho thấy bé P. có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh. Bệnh nhi được hội chẩn bới các bác sĩ chuyên khoa nhiễm và chẩn đoán bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan COVID-19 thể có sốc, được chống sốc với dịch truyền, sử dụng thuốc vận mạch sớm, truyền corticoid liều cao…

Kết quả sau gần 1 tuần điều trị, tình trạng trẻ cải thiện dần, hết sốt, hết đau bụng, mạch huyết áp ổn định, không cần thở oxy.

Cảnh báo nhiều trẻ em mắc hội chứng MIS-C sau hồi phục COVID-19 - Ảnh 2.

Trẻ xuất hiện sốt cao, nổi hồng ban da ở ngực bụng chi, đỏ mắt, gợi ý hội chứng viêm đa hệ thống – Ảnh: Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến

Trẻ chưa được tiêm vắc xin có nguy cơ cao

PGS.TS.BS Phạm Văn Quang – trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – cho biết hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em thường xảy ra ở trẻ 6-15 tuổi, do rối loạn đáp ứng miễn dịch.

Hội chứng này ít gặp nhưng nguy hiểm do tổn thương nhiều cơ quan, đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, nếu được phát hiện sớm và kịp thời thì hầu hết đáp ứng tốt.

Dấu hiệu nhận biết hội chứng này là sau nhiễm COVID-19 khoảng 2-6 tuần, trẻ có triệu chứng sốt trên 3 ngày kèm tổn thương da niêm (phát ban, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, phù ngón tay, chân…), rối loạn tiêu hóa (đau bụng, nôn ói, tiêu chảy).

Khi chuyển nặng sẽ có tình trạng trụy tim mạch, suy tim; xét nghiệm ghi nhận phản ứng viêm tăng cao, rối loạn đông máu…

Bộ Y tế từng cho hay những trường hợp trẻ mắc COVID-19 viêm đa hệ thống tuy hiếm nhưng vẫn có thể ghi nhận trên toàn thế giới và ở nước ta. Với biến chủng Omicron lây lan nhanh, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn ở nhóm trẻ em chưa được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

Cho đến nay, tỉ lệ mắc hội chứng này khá thấp. Như tại Mỹ, tỉ lệ MIS-C ở trẻ em sau mắc COVID-19 là khoảng 0,6%, tức là 1.000 trẻ sau mắc COVID-19 thì có khoảng 6 trẻ bị hội chứng này. Tại Việt Nam cũng như các nước châu Á, hiện chưa có số liệu chính xác về tỉ lệ trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ thống.

Vào tháng 2-2022, Bộ Y tế đã đưa MIS-C vào phác đồ điều trị hậu COVID-19. Thời điểm đó có ghi nhận trẻ mắc hội chứng này gia tăng, trong khi đây là biến chứng nặng có thể gây tử vong ở trẻ sau mắc COVID-19.

Sở Y tế TP.HCM đã đưa khuyến cáo rằng trẻ nghi mắc hội chứng MIS-C cần được theo dõi và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa nhi, thuốc điều trị MIS-C bao gồm các thuốc ức chế, điều hòa hệ miễn dịch, các thuốc vận mạch trong những trường hợp nặng, và các thuốc hỗ trợ khác. Một số trường hợp nguy kịch cần được hỗ trợ hô hấp tuần hoàn tại khoa hồi sức tăng cường.

Các trẻ sau khi bị MIS-C đã điều trị ổn định được xuất viện vẫn cần phải theo dõi và tái khám định kỳ mỗi tháng, trong ít nhất 3-6 tháng sau đó hoặc tái khám ngay khi có các biểu hiện nặng khác để theo dõi các biến chứng có thể xảy ra trên hệ tim mạch.

Nếu được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, đa số các trường hợp mắc hội chứng MIS-C sẽ có đáp ứng tốt. Như vậy, MIS-C là một hội chứng nặng và nguy hiểm có thể xảy ra ở trẻ em đã nhiễm COVID-19 trước đó với tỉ lệ khá thấp (0,4%). Biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa trẻ em mắc hội chứng MIS-C là cho tất cả trẻ em đủ điều kiện từ 5 tuổi trở lên tiêm vắc xin COVID-19.

Đồng thời cần tiếp tục thực hiện các biện pháp hạn chế nhiễm COVID-19 như thường xuyên rửa tay, tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, những khu vực có khả năng lây truyền cao ngay cả khi đã được tiêm phòng vắc xin đầy đủ.

 

Nhiều phụ huynh không biết con mắc COVID-19

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố – khuyến cáo phụ huynh khi thấy trẻ sốt cao trên hai ngày, da nổi hồng ban, đỏ mắt, đau bụng, tiêu chảy, ói… cần đưa đến bệnh viện để khám, xét nghiệm định bệnh chính xác, từ đó có phương án điều trị phù hợp, bởi ngoài viêm đa hệ thống, trẻ còn có thể mắc các bệnh nguy hiểm khác như sởi, rubella, sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng, nhiễm trùng huyết, viêm ruột thừa.

Một nghiên cứu của bệnh viện này cho thấy hơn 77% phụ huynh bệnh nhi nói không biết con mắc COVID-19, do trẻ không có biểu hiện hoặc chỉ sốt nhẹ, ho ít, triệu chứng thoáng qua.

XUÂN MAI – THU HIẾN
TTO