Phát triển văn hoá đọc trong kỷ nguyên số
Phát triển văn hoá đọc trong kỷ nguyên số
Chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam lần thứ nhất 21-4 khai mạc tối 19-4 và kéo dài đến 24-4 đánh dấu lần đầu tiên cả nước có một dịp kỷ niệm dành cho giới làm sách, người đọc sách và những ai đang nỗ lực khuyến đọc.
Vấn đề làm sao để từ sự kiện này, văn hóa đọc sẽ “trăm hoa đua nở” nhiều hơn, đặc biệt là trong giới trẻ của thời đại số. Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến sau đây về phát triển văn hóa đọc và truyền cảm hứng đọc.
Ông Nguyễn Thành Nam (phó giám đốc, tổng biên tập NXB Trẻ): 4 “mẹo” từ gia đình, công nghệ, truyền thông và cộng đồng
Trong gia đình, cha mẹ đọc cho con nghe trước khi ngủ, ngay cả khi trẻ chưa đầy 1 tuổi. Đây là cách thức xây dựng thói quen đọc trong tiềm thức của trẻ. Ngoài ra trẻ còn học bằng cách quan sát, nên đối với trẻ em lứa tuổi mầm non hay tiểu học, cha mẹ nên duy trì việc đọc sách, báo và để trẻ quan sát điều đó.
Có thể phát triển một ứng dụng (app) để giúp các trường theo dõi việc đọc sách của học sinh các cấp lớp. Đây không phải là ứng dụng sách điện tử, mà là ứng dụng để thầy cô giao bài tập về đọc sách và theo dõi việc đọc sách của học sinh.
Nếu có app như vậy và được các trường trong cả nước sử dụng thì hàng chục triệu học sinh có thể đọc sách (ngoài sách giáo khoa) hằng tháng, các thầy cô giáo dễ dàng theo dõi, đánh giá hoặc sáng tạo các hoạt động đi kèm với việc đọc của học sinh.
Truyền thông nên tránh những cách nói khiến mọi người hiểu đọc là phải cầm quyển sách giấy lên đọc mà bỏ qua việc nhiều bạn trẻ có thể chỉ nghe sách (audiobook) hoặc đọc sách điện tử (ebook). Các hình thức sách dựa trên công nghệ, sách tương tác là cách thức tiếp cận nhanh với các em thiếu nhi hay bạn trẻ thích sử dụng mạng.
Từ phía cộng đồng cần duy trì đều đặn các hoạt động liên quan đến sách chứ không chỉ làm theo phong trào, ngắn hạn.
Ông Nguyễn Trương Quý (nhà văn, cựu biên tập viên sách): Tạo sân chơi kết nối người làm sách với bạn đọc
Hiện nay tôi quan sát thấy có rất nhiều nhóm đọc sách và thảo luận về sách thu hút lượng lớn người tham gia. Những hội nhóm này giúp việc đọc sách có chiều sâu hơn, khiến đời sống của tác phẩm lâu dài hơn và cũng khiến việc đọc sách hấp dẫn hơn khi mọi người được cùng thảo luận về cuốn sách mà mình yêu thích.
Nhiều đơn vị làm sách như Nhã Nam, Kim Đồng có fanpage với lượng theo dõi rất cao, ở đó những người đọc sách được tham gia sân chơi cùng nhau, được viết, chia sẻ về những cuốn sách mình yêu thích. Cách làm này không chỉ kết nối người làm sách với bạn đọc mà còn nuôi dưỡng, lan tỏa tình yêu với việc đọc sách.
Việc các tờ báo, các kênh truyền thông dành thời lượng cho sách vở cũng rất quan trọng, bên cạnh những sự kiện ra mắt sách, giao lưu với bạn đọc của những nhà xuất bản, công ty sách.
Các thư viện cũng cần dễ tiếp cận hơn với người đọc, thậm chí có thể mở cửa 24/24 giờ như một số nước làm được. Bên cạnh đó, mô hình đưa các không gian sách đẹp vào các trung tâm thương mại lớn mà nhiều nước xung quanh đã làm như Thái Lan sẽ giúp sách trở nên dễ tiếp cận hơn với mọi người.
Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương (chủ tịch hội đồng trường, hệ thống Trường ICS): Nên thay đổi việc đọc từ trong nhà trường
Cần thay đổi theo hướng đặt việc đọc vào việc tiếp thu tri thức và sáng tạo tri thức. Lấy một ví dụ về chuyện dạy học trong trường, thay vì giảng cho các em về núi lửa và yêu cầu học thuộc để trả bài, giáo viên chúng tôi sẽ ra một đề nghị: Các em hãy tìm kiếm thông tin để thiết kế một trang Wiki về núi lửa để giới thiệu cho bạn bè.
Thế là các học sinh phải tự tìm hiểu các thông tin, như vậy các bạn không còn tâm thế tiếp thu tri thức thụ động, mà lúc này đọc là chủ động tìm kiếm thông tin, từ sách trong thư viện, kể cả trên net…
Như vậy chân dung người đọc đã thay đổi từ thụ động sang chủ động. Thụ động thì học thuộc để trả bài, nhưng chủ động là tiếp thu tri thức, tạo ra tri thức và giải quyết vấn đề. Kỹ năng giải quyết vấn đề ngày càng quan trọng trong bối cảnh xã hội hiện nay và nó bắt nguồn từ tâm thế chủ động trong việc đọc như vậy.
Nhà trường có vai trò không chỉ xây thư viện to và chứa nhiều sách, mà cần tạo các “đường dẫn” như kiểu bài tập trên đây, để đưa các em đến gần với việc đọc chủ động. Khi đã có ý thức chủ động tiếp nhận tri thức và sáng tạo tri thức cũng như nhận thấy tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề, các bạn sẽ trở thành những người đọc thường xuyên và tự nhiên.
Ông Trương Cảnh Linh (một bạn đọc quan tâm sách truyền thống): Sách giấy là lựa chọn ưu tiên
Quả là ngày nay việc chọn phương thức đọc sách thật không hề dễ, bởi vì có quá nhiều công nghệ/ phương tiện hỗ trợ.
Theo kinh nghiệm của cá nhân tôi, việc chọn hình thức đọc phụ thuộc vào thói quen, sở thích của từng người: nếu đọc vào buổi tối thì nên chọn sách giấy hoặc máy đọc sách với màn hình mực điện tử cho cảm giác như đang đọc sách giấy, nếu bạn đang đi bộ hoặc dã ngoại thì nghe sách nói cũng là một lựa chọn thú vị, nếu đi công tác thì sách điện tử vẫn là một lựa chọn tối ưu vì sự gọn nhẹ của nó.
Ngoài những hoạt động nói trên, với tôi, sách giấy vẫn là một lựa chọn ưu tiên.
Đối với trẻ, cũng nên cho trẻ tiếp xúc sách giấy hơn là sách điện tử và các thiết bị đọc khác, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi cuối mẫu giáo và đầu cấp tiểu học. Việc đọc sách giấy sẽ giúp trẻ làm quen tốt hơn với sách cũng như hình ảnh trong sách, sách khổ lớn nên được sử dụng cho trẻ ở độ tuổi này. Tương tác thông qua hình ảnh cũng là một cách giúp trẻ giao tiếp phi ngôn ngữ với sách khi mà trẻ chưa thể đọc thông viết thạo.
Bà Nguyễn Bích Lan (dịch giả): Đọc sách để thích ứng với cuộc sống
Nhịp sống hiện đại với những áp lực trong học tập và môi trường lao động dễ khiến những người trẻ căng thẳng. Duy trì thói quen đọc sách như một cách để sống chậm, giảm stress là một lựa chọn tốt.
Thực tế cho thấy càng ngày càng có nhiều người trẻ có xu hướng cảm thấy căng thẳng, cô đơn, và việc bầu bạn với những cuốn sách hay có thể là một cách giúp các bạn trẻ duy trì trạng thái tinh thần lành mạnh.
Trong cuốn 21 bài học cho thế kỷ 21, tác giả, giáo sư người Do Thái Yuval Noah Harari chỉ ra rằng trong vài thập kỷ tới, khi mà trí tuệ nhân tạo được ứng dụng vào đời sống một cách rộng khắp làm không ít các ngành nghề biến mất, thách thức lớn nhất của con người chính là đối mặt với sự vô dụng của bản thân.
Ngay cả nền giáo dục của những nước tiên tiến nhất cũng không thể cập nhật đủ nhanh để theo kịp tốc độ thay đổi của cuộc sống hiện đại. Chính vì thế việc đọc sách là sự chuẩn bị cần thiết giúp những người trẻ ở bất cứ quốc gia nào thích ứng với cuộc sống hiện tại và chuẩn bị cho tương lai.
Ông Nguyễn Quang Thiều (chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam): Phải làm lại bài bản và bền bỉ
Chúng ta đã đánh mất văn hóa đọc trong một vài thế hệ. Đến khi chúng ta nhận ra điều ấy thì cũng là lúc công nghệ truyền thông của thời đại mới ùa vào và mang theo sự đe dọa với văn hóa đọc. Trước kia chạm vào cuốn sách là tràn ngập cảm hứng. Còn bây giờ cầm một cuốn sách lên cảm hứng đó còn lại rất ít, thậm chí vô cảm.
Một hiện thực cho thấy trên tàu xe và các nơi công cộng ở các nước phương Tây, nơi coi như phát sinh ra công nghệ, mọi người hầu như đều cầm trong tay một cuốn sách để đọc. Còn ở Việt Nam thì hầu như tất cả dán mắt vào màn hình điện thoại.
Những năm gần đây Nhà nước đã và đang thúc đẩy văn hóa đọc với nhiều hình thức. Nhưng nó vẫn ở dạng nửa phong trào mà không phải là phổ cập. Đặc biệt không phải là một đời sống. Chúng ta phải làm lại một cách bài bản và bền bỉ. Sách là cách làm cho tư duy phát triển và quan trọng hơn cả là mở rộng tâm hồn và luôn đặt người đọc trước những câu hỏi về lẽ sống.
Để tạo ra văn hóa đọc trong thời đại hiện nay, tôi nghĩ một trong những biện pháp đó là yêu cầu đọc sách với học sinh các cấp phải coi như một chiến lược và có chế tài đối với nhà trường. Còn cách đọc sách như thế nào để mang lại cảm hứng cho học sinh là một việc khác.
Ở nông thôn Việt Nam hiện nay hầu như quá ít sách. Hầu hết các làng, các khu phố mang tên “làng văn hóa” hay “khu phố văn hóa” nhưng không hề có một tủ sách và các gia đình cũng không có ý thức đọc sách hay hướng dẫn trẻ em đọc sách. Đấy là một lý do mà Hội Nhà văn phát động cuộc vận động sáng tác văn học về thiếu nhi và in sách miễn phí mang tới cho trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa.
Khi các thành viên trong gia đình chăm chăm vào chiếc điện thoại hay tivi thì những đứa trẻ sẽ hướng tới chiếc điện thoại hoặc tivi. Khi tất cả các thành viên quây quần với những cuốn sách thì đứa trẻ sẽ hướng tới những cuốn sách. Trẻ em phải được dẫn dắt, tạo cảm hứng và sự hấp dẫn với những cuốn sách. Và trong một thời gian nhất định sẽ tạo thành một thói quen cho chúng.
Để xây dựng văn hóa đọc chúng ta phải bắt đầu từ những đứa trẻ hiện nay. Nếu không có quan niệm đúng của thế hệ người lớn về sách và văn hóa đọc, chúng ta không thể có một chiến lược đúng đắn về vấn đề hệ trọng này. Và khi đánh mất văn hóa đọc, chúng ta sẽ đánh mất những điều lớn lao trong tri thức và nhân cách của các công dân tương lai.
Ngày sách và văn hoá đọc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ
Nhiều bạn trẻ lựa chọn cho mình những quyển sách ưng ý trong Ngày hội sách và văn hóa đọc lần 1 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM chiều 19-4 – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Tại TP.HCM, điểm tổ chức chính của Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022, một hội sách được thiết kế theo ba không gian đọc (không gian chuyển đổi số, không gian thành phố sách truyền thống, không gian các mô hình văn hóa đọc) được bố trí trên đường Nguyễn Huệ với 20 nhà xuất bản tham gia và bày bán 500.000 đầu sách. Bên cạnh đó là các mô hình phát hành sách điện tử, sách nói, thư viện thông minh, các mô hình xuất bản của các đơn vị tham gia.
Dịp này Sở Văn hóa và thể thao TP.HCM cũng tổ chức triển lãm, trưng bày một phần của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Tại đây bạn đọc được trải nghiệm không gian dạy và học của ông đồ xưa; chiêm ngưỡng tủ sách quý hiếm từ thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM. Đặc biệt có một phần trưng bày giới thiệu hình ảnh và thông tin về chủ quyền biển đảo Việt Nam – góp phần giúp bạn đọc có cảm nhận trực quan về các vấn đề thuộc chủ quyền đất nước.
Ngoài ra còn có sự hiện diện của xe thư viện lưu động rất hiệu quả trong việc đưa sách và các thiết bị đọc về phục vụ người dân nơi vùng sâu vùng xa trong nhiều năm qua. Công ty cổ phần Thư viện số cũng giới thiệu mô hình thư viện số (thiết kế như quyển sách 3D) có thể lắp đặt nhanh chóng cho những nơi có nhu cầu…
Chủ đề Sách và chuyển đổi số được tổ chức bằng các hoạt động tương tác, trải nghiệm các mô hình sách nói, sách điện tử gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo và những giải pháp hiệu quả về ứng dụng chuyển đổi số cho ngành xuất bản như: thư viện sách nói, công cụ hỗ trợ rà soát, biên tập bằng giọng nói…
Chuỗi sự kiện trên là những hoạt động thực tế tiếp theo quyết định của Thủ tướng ngày 4-11-2021 về tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam vào ngày 21-4 hằng năm trên phạm vi cả nước. Đây cũng là dịp tôn vinh người đọc, người sáng tác, in, phát hành, thư viện, lưu giữ, sưu tầm, quảng bá sách và các tổ chức, cá nhân có những đóng góp cho phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.
LAM ĐIỀN