25/12/2024

TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ: Chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào?

TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ: Chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào?

Từ sáng sớm 16.4, rất đông phụ huynh chở con đến điểm tiêm Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1, TP.HCM) cho ngày đầu tiêm chủng ở nhóm tuổi này.

 

 

Theo quy định, phụ huynh phải có mặt để ký phiếu xác nhận tiêm chủng cho trẻ. Học sinh được hướng dẫn lấy phiếu đăng ký thông tin, sau đó khám sàng lọc, tiêm chủng và theo dõi sau tiêm.

TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ: Chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào? - ảnh 1
Phụ huynh đăng ký thông tin tiêm chủng cho trẻ tại bàn tiếp nhận  LÊ CẦM

Ngồi chờ tại khu vực khám sàng lọc trước tiêm, anh Nguyễn Trung Hà (35 tuổi, ở P.Bến Thành, Q.1), phụ huynh em Phương Trinh, học sinh Trường THCS Võ Trường Toản, cho biết: trước khi đưa con tiêm chủng anh đã tìm hiểu thông tin về vắc xin Covid-19 cho trẻ qua báo đài… Khi đưa con đến điểm tiêm, nhìn thấy công tác khám sàng lọc, tiêm chủng, theo dõi tiêm được chuẩn bị chu đáo nên anh khá yên tâm.

TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ: Chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào? - ảnh 2
Trần Quang Minh Sơn, học sinh lớp 6 Trường THCS Võ Trường Toản, đọc lại thông tin đăng ký và chờ đợi tới lượt khám để tiêm chủng  LÊ CẦM

“Trước đó bé cũng lo lắng, nhưng sau thấy bạn bè tiêm nên cũng mạnh dạn hơn. Gia đình thấy việc tiêm chủng tốt cho bé nên cho trẻ ăn no, uống nước đầy đủ, chuẩn bị thuốc hạ sốt sau tiêm…”, anh Hà chia sẻ.

TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ: Chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào? - ảnh 3
Nhân viên y tế tiêm chủng cho một học sinh tại điểm tiêm Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm  LÊ CẦM

Trinh là trẻ đầu tiên được tiêm chủng tại điểm tiêm Trường THCS Võ Trường Toản. Ngồi chờ tại phòng theo dõi sau tiêm, bé cho biết sức khỏe vẫn bình thường, không mệt.

Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm bố trí phòng đọc sách với không gian thoáng đãng, trang trí đẹp để các bé nghỉ ngơi, theo dõi sau tiêm. Khu vực này được bố trí giường, trang thiết bị y tế, máy thở oxy…

TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ: Chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào? - ảnh 4
Phòng đọc sách được bố trí để trẻ theo dõi sức khỏe sau tiêm  LÊ CẦM

“Ngoài ra, trường còn chuẩn bị nước đường, trà gừng để hỗ trợ các bé có dấu hiệu mệt mỏi sau tiêm”, chị Nguyễn Thị Bích Tuyền, nhân viên y tế Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết.

Ghi nhận tại điểm tiêm chủng, phần lớn trẻ khá thoải mái khi bước vào bàn tiêm chủng, tuy nhiên có một số trẻ sợ kim tiêm, khóc… nên cần phụ huynh và cả giáo viên hỗ trợ.

TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ: Chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào? - ảnh 5
Khu vực phụ huynh ngồi chờ trẻ theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm  LÊ CẦM

Bác sĩ Lê Minh Nhật (Trung tâm Y tế Q.1), hỗ trợ tại điểm tiêm chủng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho biết để đảm bảo an toàn trong quá trình tiêm chủng, khâu khám sàng lọc được tiến hành kỹ. Nếu trẻ không đảm bảo điều kiện tiêm, hoặc có các bệnh lý cần theo dõi… thì sẽ được chuyển sang các điểm tiêm tại bệnh viện, cơ sở y tế để hỗ trợ trẻ.

TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ: Chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào? - ảnh 6
Giường và thiết bị y tế theo dõi sau tiêm   LÊ CẦM

“Các dấu hiệu sau tiêm thường gặp cần theo dõi tại điểm tiêm là trẻ nổi mề đay, thay đổi huyết áp, choáng váng, mệt mỏi…”, bác sĩ Nhật chia sẻ.

TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ: Chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào? - ảnh 7
Bác sĩ Lê Minh Nhật và nhân viên y tế hỗ trợ tại khu vực theo dõi sau tiêm  LÊ CẦM

Sáng nay, tại điểm tiêm Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, có 70 trẻ được chủng ngừa vắc xin Covid-19 với 2 bàn tiêm.

TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ: Chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào? - ảnh 8
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, kiểm tra, giám sát công tác tiêm chủng tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm  LÊ CẦM

Tương tự, tại điểm tiêm Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), lượng phụ huynh đưa trẻ đến tiêm cũng khá đông. Số trẻ được tiêm chủng trong sáng nay gần 100 trẻ, với 3 bàn tiêm.

Hiện các trẻ sau tiêm hầu hết sức khỏe ổn định, không có dấu hiệu bất thường.

* Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết sáng nay bệnh viện hỗ trợ tại hai điểm tiêm tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Thạnh Lộc, Q.12) và Trường THCS Lương Thế Vinh (Phường Thanh Xuân, Q.12).

TP.HCM bắt đầu tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ: Chăm sóc trẻ sau tiêm như thế nào? - ảnh 9
Học sinh được theo dõi sau tiêm tại điểm tiêm chủng Trường THCS Lương Thế Vinh (Q.12)  BSCC

Theo bác sĩ Minh, so với việc tiêm chủng ở người lớn thì công tác tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi được khiển khai khám sàng lọc khá kỹ, các cuộc trao đổi giải thích với phụ huynh cũng dài hơn. Trung bình mỗi buổi sẽ tiêm cho 100 em, tổng ngày hôm nay sẽ hoàn thành tiêm cho 200 em.

“Nhân viên y tế sẽ đo mạch, đo nhiệt độ, kiểm tra tim phổi cho trẻ kỹ, nếu phát hiện trẻ có bệnh lý tim mạch sẽ chuyển điểm tiêm sang bệnh viện, cơ sở y tế” bác sĩ Minh cho biết

Ngoài ra, thời tiết hôm nay khá nắng nóng, trẻ sẽ dễ mệt hơn nhưng ngày đầu chủ yếu tiêm cho trẻ lớn nên hầu hết tự biết chăm sóc cho bản thân. Hiện các trẻ được theo dõi sát sau tiêm, hầu hết sức khỏe ổn định.

 

Chăm sóc trẻ sau tiêm vắc xin Covid-19

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng đơn vị Tiêm chủng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lưu ý, phụ huynh dặn dò trẻ nếu có dấu hiệu gì khó chịu phải báo ngay. Trẻ được theo dõi 30 phút sau tiêm tại địa điểm tiêm chủng và ít nhất 3 ngày đầu tiên sau tiêm, luôn cần có người lớn theo sát và kịp thời thấy những triệu chứng bất thường.

“Phụ huynh nên ghi nhận nhiệt độ của con mỗi 4-6 giờ, không nên cho con ngủ một mình, để ý con khi ở quá lâu trong nhà vệ sinh hay phòng riêng, nên cho con ăn uống ở nhà để đề phòng tình trạng ngộ độc thức ăn bên ngoài, không tập thể dục hay vận động thể lực nặng”, bác sĩ Hiền Minh lưu ý.

Trẻ cần ngủ đủ và uống đủ nước. Trẻ không cần kiêng tắm rửa hay thức ăn gì, trừ những thức ăn mà đã làm trẻ dị ứng trước đây, hạn chế uống những chất kích thích như cà phê, nước ngọt, trà sữa, nước tăng lực…

Phụ huynh cần theo dõi các dấu hiệu bất thường để cho trẻ nhập viện theo dõi ngay. Các triệu chứng bao gồm như kích thích vật vã, lừ đừ, bỏ bữa, quấy khóc dai dẳng, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở, phát ban tiến triển nhanh trong vòng vài giờ…

Ngoài ra, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC, lưu ý phụ huynh chú ý các dấu hiệu như ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi. Tại vùng da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da.

Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó. Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật.

Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, tim đập nhanh, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất. Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy. Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái.

LÊ CẦM

TNO