24/01/2025

Trầm cảm, làm sao để bạn nhận biết và ta nên làm gì?

Trầm cảm, làm sao để bạn nhận biết và ta nên làm gì?

Gánh nặng do trầm cảm gây ra có thể cao hơn gánh nặng bệnh tật của các bệnh tim, ung thư, HIV, sởi… Khuyết tật mà nó gây ra là vô hình và cả về tinh thần lẫn thể chất.

 

 

Trong hành trình tìm hiểu về trầm cảm, tôi biết đến TS Đặng Hoàng Giang, tác giả của cuốn sách Đại Dương Đen. Đây có thể xem là cuốn sách hiếm hoi về trầm cảm khai thác góc nhìn thế giới người bệnh và cung cấp kiến thức về phương pháp, cách thức chữa trị.

Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với TS Đặng Hoàng Giang để hiểu rõ hơn vấn đề này.

Trầm cảm, làm sao để bạn nhận biết và ta nên làm gì? - ảnh 1
Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại ĐH Công nghệ Ilmenau, Đức và có bằng tiến sĩ kinh tế phát triển tại ĐH Công nghệ Vienna, Áo.  NVCC

PV: Làm thế nào để một người biết mình đang có nguy cơ mắc trầm cảm thưa ông?

TS Đặng Hoàng Giang: Trong thời buổi hiện nay, mọi thông tin đều có trên internet. Bạn muốn biết về biểu hiệu của huyết áp cao, tiểu đường hay ung thư đại tràng, sẽ có rất nhiều thông tin cho bạn. Với trầm cảm cũng như vậy. Bạn có thể lên mạng để tìm hiểu, tra cứu danh sách biểu hiện của bệnh trầm cảm trên các trang web của bệnh viện lớn và quan sát bản thân để có đánh giá ban đầu.

PV: Khi nhận thấy bản thân có các biểu hiện của bệnh thì nên làm gì?

TS Đặng Hoàng Giang: Khi đó, chúng ta cần tìm đến các chuyên gia để được đánh giá; mình có mắc trầm cảm không và nếu có thì đang ở giai đoạn nào, mức độ nhẹ hay nặng. Rối loạn này như một cái kính vạn hoa. Mỗi cá nhân lại có những biểu hiện, trạng thái riêng.

Hiện nay, trên thế giới có hai tài liệu y khoa được áp dụng cho chẩn đoán trầm cảm. Một là Cẩm nang chẩn đoán và thống kê rối loạn tinh thần của Hiệp hội Tâm thần học Mỹ đang ở phiên bản số 5, viết tắt DSM-5. Hai là Hệ thống phân loại bệnh quốc tế do WHO ban hành, viết tắt ICD. Phiên bản mới nhất của hệ thống này là ICD-11.

Theo DSM-5, người mắc bệnh trầm cảm phải có ít nhất 5/9 triệu chứng, và chúng phải cùng xuất hiện trong thời gian ít nhất 2 tuần. 9 triệu chứng trong DSM-5 bao gồm: Khí sắc trễ nải; Suy giảm các mối quan tâm và niềm vui; Rối loạn ăn uống; Rối loạn giấc ngủ; Bị lo lắng, kích động hoặc trì trệ; Mệt mỏi, cạn kiệt năng lượng; Cảm giác bản thân vô giá trị, tội lỗi; Khả năng tập trung, ra quyết định và giải quyết vấn đề suy giảm; Hay nghĩ tới cái chết.

Trong đó, hai triệu chứng đầu tiên mang tính tiên quyết trong việc xác định tình trạng bệnh. Người được chẩn đoán là trầm cảm cần có ít nhất 1 trong hai triệu chứng này.

PV: Ở Việt Nam, việc chẩn đoán và điều trị trầm cảm hiện nay như thế nào?

TS Đặng Hoàng Giang: So với các lĩnh vực khác như tim mạch, ung thư và các bệnh truyền nhiễm, lĩnh vực tâm bệnh ở Việt Nam đang chậm phát triển. Hạ tầng cơ sở yếu kém cả về số lượng lẫn chất lượng, vô cùng thiếu bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý. Các khoa tâm thần thì luôn quá tải. Bên cạnh đó, định kiến từ chính những nhân viên y tế đối với người trầm cảm còn tồn tại, dẫn đến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong việc điều trị. Nhiều người bị ác cảm khi tiếp xúc với nhân viên y tế và việc này rất tai hại. Chính vì những trải nghiệm tiêu cực này mà này nhiều người bệnh không tiếp tục điều trị.

Hiện nay, người ta có 3 nhánh chính điều trị trầm cảm phổ biến. Nhánh 1 là dùng thuốc. So với mấy chục năm trước, thuốc bây giờ đã tiến bộ nhiều, tác dụng phụ giảm đi đáng kể và có tác dụng tốt trong nhiều trường hợp (tuy không phải là tất cả).

Nhánh 2 là trị liệu tâm lý, tức là các chuyên gia tâm lý trò chuyện với người trầm cảm để họ ý thức được những suy nghĩ méo mó, tiêu cực do trải nghiệm quá khứ của họ gây ra. Hoặc chuyên gia tâm lý, với chuyên môn của mình, sẽ giúp người bệnh có năng lượng, ý chí hơn để tham gia các hoạt động. Từ đó, tâm trạng, khí sắc của họ tốt lên và dần kéo họ ra khỏi vũng lầy của trầm cảm. Hoặc chuyên gia giúp người bệnh xử lý các vấn đề liên cá nhân như xung đột gia đình, mất mát người thân hay khủng hoảng do thay đổi vai trò trong cuộc sống. Khi những vấn đề đó được giải quyết, sẽ có tác động tích cực với người trầm cảm.

Nhánh thứ 3 là trị liệu bằng các phương pháp bổ trợ như liệu pháp âm nhạc, vẽ, thiền, múa hay Yoga…

Ba nhánh trên là những phương pháp điều trị trầm cảm phổ biến trên thế giới. Đáng tiếc là ở Việt Nam hiện nay việc điều trị bằng trị liệu tâm lý hay các liệu pháp nghệ thuật không được bảo hiểm chi trả. Đây là một thiệt thòi lớn cho người bệnh. Việc này hết sức vô lý bởi vì không có một liệu pháp phù hợp với tất cả các giai đoạn và trường hợp bệnh. Có người đáp ứng với thuốc, có người đáp ứng với liệu pháp tâm lý, có người đáp ứng với Yoga hay thiền. Bảo hiểm y tế cần chi trả cho nhiều liệu pháp hơn chỉ là thuốc.

Người ở nông thôn, người nghèo càng gặp khó khăn hơn khi chữa trị trầm cảm. Không chỉ gặp khó khăn trong việc tiếp cận các phương pháp trị liệu, người bệnh còn không nhận được sự cảm thông và hỗ trợ từ người thân, họ hàng. Nếu như người bị ung thư được hỗ trợ về tài chính và tinh thần hết mức từ họ hàng, người có thể bán nhà bán cửa để chữa chạy, thì người trầm cảm lại không nhận được sự ưu ái như vậy, thậm chí còn bị hắt hủi, xa lánh và kỳ thị.

PV: Theo ông, có nên xem trầm cảm là bệnh hiểm nghèo?

TS Đặng Hoàng Giang: Chắc chắn trầm cảm là một bệnh nghiêm trọng. Trong cuốn sách của mình, tôi có trích dẫn nghiên cứu của Đại học Amsterdam và Đại học Eramus, Hà Lan so sánh mức độ khuyết tật do 52 nhóm tâm bệnh và thân bệnh khác nhau gây ra.

Kết quả nghiên cứu cho thấy người mắc trầm cảm nhẹ tương đương với người bị viêm khớp hông hay đầu gối. Người mắc rối loạn lo âu nhẹ tới vừa thì tương đương bị nứt đốt sống, HIV. Người mắc trầm cảm nặng tương đương với tổn thương não vĩnh viễn hoặc ung thư vú đã di căn.

Trầm cảm gây ra mức độ khuyết tật rất lớn, dẫn đến các tổn thất lớn cho nền kinh tế và cho cuộc sống của người trầm cảm. Căn bệnh này lấy đi từ 7-11 năm sống của một người và cứ 3 người mắc trầm cảm thì có 1 người đã hoặc sẽ nghĩ tới tự sát.

Gặp định kiến và thờ ơ, người trầm cảm bị loại khỏi xã hội, không thể tham gia vào lực lượng lao động dù đang trong độ tuổi. Họ không thể sống, làm việc và đóng góp cho cộng đồng như là họ có thể. Đây là vấn đề đáng tiếc và nghiêm trọng.

PV: Ông có lời khuyên nào cho người trẻ đang gặp vấn đề tâm lý, nhất là lứa tuổi học sinh, sinh viên để tránh xảy ra những sự việc đáng tiếc?

TS Đặng Hoàng Giang: Lời khuyên là các bạn cần phát hiện sớm, nhận biết được các dấu hiệu của stress, của trầm cảm nhẹ và điều chỉnh cuộc sống của mình. Nếu cần, các bạn nên đến gặp chuyên gia để có sự can thiệp kịp thời và không nên cho rằng mình có thể tự vượt qua được mọi thứ. Đừng suy nghĩ rằng mình không bị sao cả, không gãy tay, chảy máu thì không có vấn đề gì.

Người trẻ cần có kiến thức. Những người xung quanh họ như ông bà, cha mẹ cũng phải có kiến thức để nhận thấy con, cháu, em mình đang có các biểu hiện rối loạn tâm lý cần can thiệp sớm. Người lớn không nên phán xét người trẻ chán nản, u buồn là do lười biếng, yếu đuối. Trách nhiệm ở đây không chỉ nằm ở người trẻ, những người yếu thế không có khả năng về tài chính, mà còn ở cả người lớn, cha mẹ, ông bà.

“Vắc-xin” ngừa trầm cảm hiệu quả nhất của mỗi người chính là sức khoẻ tinh thần của cha mẹ họ, là một tuổi thơ được yêu thương, là cuộc sống điều độ, an toàn về vật chất và thư thái về tinh thần khi lớn lên. Các mối quan hệ xã hội lành mạnh, tích cực cũng là một trong những yếu tố tạo nên một tinh thần vững vàng và khỏe mạnh.

PV: Cảm ơn ông đã tham gia phỏng vấn, chúc ông nhiều sức khoẻ và thành công!

GIA THANH

TNO