F1 đã bị ‘lãng quên’
F1 đã bị ‘lãng quên’
Đầu tháng 4, chị N.N.L. ở Cầu Giấy, Hà Nội có chuyến công tác ngắn ngày ở nước ngoài, khi trở về, chị có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.
Mặc dù xét nghiệm PCR ngày 13-4 vẫn dương tính nhưng trước đó vài ngày chị đã đi làm công việc bình thường, tuân thủ đeo khẩu trang khi ra ngoài và tiếp xúc.
“Tôi xét nghiệm bằng test nhanh thì âm tính, còn test PCR lại dương tính, nhưng vì không thông báo cho phường nên tôi không phải tuân thủ cách ly vì thực tế hiện nay tôi thấy rất nhiều F0 như tôi không thông báo” – chị L. cho biết.
F0 không cách ly, F1 càng không
Trường hợp người F0 như chị L. thực tế hiện rất nhiều, theo chị L., chị chỉ có 1 ngày bị sốt, những ngày sau đó tình trạng rất nhẹ, vẫn đi lại, sinh hoạt được bình thường. Khi test nhanh âm tính là chị bắt đầu ra ngoài làm việc lại, trong khi test PCR ngày 13-4 kết quả vẫn dương tính.
Trong vòng 2 tháng qua, số mắc COVID-19 tăng rất cao, Hà Nội ở cao điểm giữa tháng 3 lên tới trên 30.000 ca/ngày được thống kê, số không được thống kê qua ước tính cũng lên tới hàng ngàn người/ngày. Lúc này các trạm y tế đều quá tải, ghi nhận người F0 đã khó cho trạm, những người F1 hầu như bị “bỏ quên”, không ai thống kê, không cách ly hoặc giám sát như trước đây.
Chính vì vậy, tại phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia đầu tháng 3, đã có nhiều ý kiến đồng thuận khi Bộ Y tế đề xuất cho ngưng cách ly với người F1, cho họ đi làm trực tiếp và trực tuyến, đồng thời trong một số trường hợp đặc thù thì F0 cũng được đi làm trực tiếp. “Trường hợp đặc thù” cụ thể ở đây là người F0 tự nguyện đi làm, không có biểu hiện lâm sàng và chỉ số CT trên 30.
Tuy nhiên đã hơn 1 tháng trôi qua từ khi Bộ Y tế có đề xuất này, trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 14-4, một chuyên gia về dịch tễ chia sẻ đến nay chưa có hướng dẫn chính thức về việc cho ngưng cách ly người F1. Hiện hướng dẫn này ở mức cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế đang… chuẩn bị đề xuất lại.
Chuyên gia này cũng thừa nhận quy định chưa có, nhưng thực tế hiện nay người F1 không còn được “để ý” nữa. Họ hoàn toàn tự do đi lại, làm việc, giao tiếp… tùy ý thức cá nhân của từng người. Vì vậy, hướng dẫn cho ngưng cách ly với người F1 mà cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế chuẩn bị đề xuất tới đây có thể sẽ bị lạc hậu so với thực tế mặc dù chưa ra đời.
Còn nhiều quy định “đi sau”
Hướng dẫn ngưng thực hiện cách ly và thay bằng biện pháp giám sát, theo dõi sức khỏe khác đối với người F1 là một trong những hướng dẫn có dấu hiệu “văn bản đi sau thực tế” trong phòng chống dịch COVID-19, bên cạnh đó còn một số quy định khi ban hành thì thực tế đã áp dụng từ lâu, hoặc đang lúng túng dẫn đến triển khai phòng chống dịch bị chậm.
Trong số này, hướng dẫn người F0 khỏi bệnh bao lâu thì tiêm vắc xin cũng gây nhiều băn khoăn.
Trả lời báo chí, nhiều chuyên gia tiêm chủng cho rằng có thể tiêm ngay từ khoảng 2 tuần sau khi khỏi bệnh. Nhưng trong nghị quyết do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký đầu tháng 4 lại hướng dẫn nên tiêm sau khi khỏi 3 tháng trở lên.
Điều này dẫn đến những lúng túng nhất định khi triển khai tiêm chủng, bởi các hướng dẫn chính thức chưa quy định lại việc người F0 khỏi bệnh bao lâu thì tiêm chủng, trong khi nghị quyết (không phải văn bản quy phạm pháp luật) thì hướng dẫn khỏi bệnh sau ít nhất 3 tháng mới tiêm.
Ngày 13-4 Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã có hướng dẫn mới rõ ràng hơn: “Những người đã mắc COVID-19 thì tiêm ngay sau khi hồi phục và hoàn thành việc cách ly y tế. Riêng trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi thì trì hoãn tiêm 3 tháng sau khi khỏi bệnh”.
Theo đánh giá chung, từ cuối tháng 3 đến nay số người mắc COVID-19 mới, số nhập viện, tử vong, chuyển nặng đều giảm theo ngày và hiện số mắc hằng ngày chỉ bằng khoảng 15% so với cao điểm giữa tháng 3.
Đây là cơ hội mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống như bình thường, nhưng nếu các văn bản chậm chân ngày nào thì hoạt động sản xuất, kinh doanh, học hành cũng chậm theo.
Đơn cử, mặc dù Hà Nội liên tục giảm số mắc mới hằng ngày trong hơn nửa tháng nay, số tử vong, số chuyển nặng rất thấp, nhưng ngày 13-4 học sinh mầm non Hà Nội mới được đến trường, Hà Nội cũng mới cho mở lại vũ trường, quán karaoke…, chậm hơn nhiều so với các địa phương khác.
Còn nhớ tháng 10-2021 nghị quyết 128 của Chính phủ ra đời và sau đó là hướng dẫn của Bộ Y tế đã tạo cơ hội cho bình thường mới trở lại, tháo gỡ nhiều nút thắt.
Hiện nay tình hình dịch đã khác, chúng ta cũng đã có nhiều “vũ khí” chống dịch hiệu quả như thuốc và vắc xin, nếu cứ giữ những quy định như cũ, trong đó có việc cách ly người F1, bao nhiêu ca mắc, ca chuyển nặng thì là vùng xanh, vùng đỏ, vùng vàng… sẽ khó cho người dân, khó cho việc thực thi nghiêm túc quy định pháp luật liên quan đến phòng chống dịch.