24/01/2025

Đăng bài trên tạp chí khoa học dỏm: Không đóng góp gì cho khoa học

Đăng bài trên tạp chí khoa học dỏm: Không đóng góp gì cho khoa học

Vấn nạn đăng bài trên tập san dỏm ngày càng ăn sâu vào giới học thuật Việt Nam. Không ít người vì để làm dày lý lịch khoa học nhằm đạt mục tiêu nào đó đã không ngần ngại thực hiện những hành vi phi đạo đức khoa học.

 

 

Đăng bài trên tạp chí khoa học dỏm: Không đóng góp gì cho khoa học - Ảnh 1.

Đã và đang làm việc cho nhiều hội đồng xét duyệt chức danh giáo sư của các trường đại học Úc, Mỹ và châu Âu, GS Nguyễn Văn Tuấn – Đại học New South Wales, thành viên Hội đồng quốc gia về y khoa và y tế Úc và Viện hàn lâm Y học Úc – cho rằng việc thiếu huấn luyện về đạo đức học thuật và công bố khoa học đã dẫn đến tình trạng rất nhiều nhà khoa học Việt Nam đăng bài trên các tập san khoa học dỏm.

Làm vẩn đục khoa học

* Ông đánh giá thế nào về việc nhiều tác giả Việt Nam công bố bài báo trên các tạp chí khoa học mạo danh?

– Tôi thì gọi là “tập san dỏm”, vì bản chất của nó là những trạm Internet công bố những thông tin phi chính thống làm vẩn đục khoa học. Cách đây chừng 10 năm tôi đã cảnh báo về tình trạng các tập san dỏm làm vẩn đục khoa học, nhưng lúc đó rất ít ai quan tâm. Đến nay thì sự xâm nhập của tập san dỏm đã khá sâu ở Việt Nam. Chỉ nhìn qua một trạm xuất bản dỏm, tôi đếm được hàng trăm bài báo từ Việt Nam trên các tập san dỏm. Tập san dỏm dĩ nhiên là chỉ vì tiền.

* Theo ông, vì sao họ làm như vậy?

– Tôi nghĩ đến 4 lý do. Thứ nhất là rất dễ đăng bài trên các tập san dỏm. Bất cứ ai viết bất cứ cái gì, dù vô lý đến đâu, thì các tập san dỏm vẫn đăng. Hầu như bài nào trên tập san dỏm cũng đều có nhiều sai sót không chỉ về khoa học mà sai sót cả tiếng Anh. Dĩ nhiên, các tập san dỏm chỉ cần tiền thôi, chứ chẳng quan tâm đến nội dung.

Thứ hai là do áp lực công bố khoa học để đạt tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS nên người ta tìm đến những tập san dỏm để có bài gọi là “bài báo khoa học”.

Thứ ba là do nghiên cứu chất lượng thấp, không thể công bố trên các tập san chính thống nên những nghiên cứu đó trở thành “con mồi” cho tập san dỏm. Thứ tư, cũng có những nhà khoa học kém kinh nghiệm nghiên cứu, không biết về đạo đức công bố, và họ chọn tập san dỏm để công bố kết quả nghiên cứu.

* Như vậy cố tình công bố trên tập san dỏm để lấy thành tích khoa học là việc làm vi phạm đạo đức học thuật?

– Đúng rồi. Quy ước về đạo đức khoa học (cái này cần phải dạy cho người làm nghiên cứu) là không được công bố trên tập san dỏm. Ở labo tôi, bất cứ nghiên cứu sinh nào cũng phải học qua các lớp về đạo đức khoa học, đạo đức công bố trước khi làm nghiên cứu. Các bạn ấy công bố ở đâu là do tôi quyết định, các bạn không được gửi bản thảo đi mà không có sự phê chuẩn của tôi. Còn ở Việt Nam, tôi thấy hình như chẳng có quy ước hay quy định gì cả.

Đăng bài trên tạp chí khoa học dỏm: Không đóng góp gì cho khoa học - Ảnh 2.

GS Nguyễn Văn Tuấn

Cần chất lượng hơn số lượng

* Không ít tác giả Việt Nam mỗi năm công bố hàng chục bài báo, thậm chí ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Giáo sư nghĩ sao về điều này?

– Tôi cũng thấy một số người như thế ở Việt Nam. Họ không có nhóm nghiên cứu, không có labo nghiên cứu nhưng mỗi năm công bố cả 30 – 50 bài báo khoa học. Nhìn kỹ những bài báo này thì sẽ dễ dàng thấy đó là những bài báo lấy dữ liệu của người khác hoặc bài báo trên các tập san dỏm hay tập san bán chính thống nhưng chất lượng rất thấp.

Tôi cho rằng họ chỉ chạy theo số lượng mà không quan tâm đến chất lượng. Đó là một điều đáng tiếc. Không ai đánh giá một nhà khoa học dựa vào số lượng, người ta chỉ đánh giá qua chất lượng. Một bài báo trên một tập san quan trọng, như Lancet hay JAMA chẳng hạn, có giá trị hơn 50 bài báo trên các tập san làng nhàng.

Ở nước ngoài cũng có những tác giả công bố rất nhiều (hàng trăm) bài báo khoa học mỗi năm. Đa số những người này có labo nghiên cứu lớn, với hàng chục nghiên cứu sinh và hàng chục nghiên cứu viên hậu tiến sĩ, nên họ đứng tên tác giả trong rất nhiều bài báo.

Ở các đại học mà tôi công tác, khi xem xét đề bạt hay bổ nhiệm các chức vụ giáo sư, chúng tôi chỉ xem 10 – 20 bài báo khoa học mà thôi vì chúng tôi không có thì giờ đọc hay xem qua hàng trăm bài được. Chỉ cần 10 – 20 bài cùng với các đánh giá về chất lượng là đủ để chúng tôi đánh giá được ứng viên thuộc đẳng cấp nào và có xứng đáng chức vụ giáo sư hay không.

* Theo ông, việc chạy theo số lượng có tác hại thế nào? Kinh nghiệm thực tế nghiên cứu và công bố của ông và cộng sự thế nào?

– Các nhóm nghiên cứu có tiếng và nghiêm chỉnh không bao giờ chạy theo số lượng. Họ thường theo đuổi những nghiên cứu dài hơi (tức nhiều năm) để có dữ liệu công bố trên các tập san lớn như Nature, Science, eLife, Cell, Lancet, New England Journal of Medicine, JAMA, BMJ…

Riêng nhóm của tôi chỉ có 7 người, trong đó có 4 nghiên cứu sinh, mỗi năm chỉ công bố được chừng 10 bài, hay có năm may mắn thì 15 bài. Có những bài phải mất gần 2 năm mới công bố được.

* Đâu là giải pháp hạn chế tình trạng công bố bài báo trên các tạp chí dỏm, thưa ông?

– Theo tôi, việc đầu tiên là các đại học phải triển khai ngay chương trình huấn luyện về đạo đức khoa học (kể cả đạo đức công bố) cho tất cả nghiên cứu sinh, giảng viên và giáo sư. Việc kế đến là phải thay đổi tiêu chuẩn công nhận chức danh GS, PGS.

Hãy bỏ đi tiêu chuẩn 3 bài báo cho chức danh PGS hay 5 cho GS, vì con số đó không có ý nghĩa gì cả. Cần phải định nghĩa thế nào là “bài báo khoa học”, thế nào là “tập san có uy tín”, thế nào là tác giả chính và đồng tác giả…

GS Nguyễn Văn Tuấn: 4 tiêu chuẩn

Tôi làm chủ tịch hội đồng giải thưởng Alexandre Yersin (Hội Y học Thụy Sĩ – Việt Nam) và chủ tịch hội đồng khoa học cho hiệp hội loãng xương Úc và New Zealand. Kinh nghiệm của tôi là đánh giá chất lượng khoa học của một bài báo qua 4 tiêu chuẩn: sự chặt chẽ và tính nghiêm ngặt trong phương pháp nghiên cứu, tính cách tân và cái mới trong cách tiếp cận, tầm quan trọng của kết quả nghiên cứu trong chuyên ngành, uy tín của tập san.

Ở tiêu chuẩn uy tín tập san, chúng tôi đánh giá tập san thuộc hạng nào trong chuyên ngành (chứ không hẳn là qua chỉ số impact factor như nhiều người nghĩ) và uy tín của tập san trong giới chuyên môn. Rất nhiều (có thể 90 – 95%) các bài báo khoa học là vô dụng hay sai. Những bài báo như thế chỉ làm dày lý lịch khoa học của một cá nhân nhưng không có đóng góp gì cho khoa học.

MINH GIẢNG thực hiện
TTO