22/12/2024

Những lưu ý trong chăm sóc người bệnh suy tim

Những lưu ý trong chăm sóc người bệnh suy tim

Suy tim là hội chứng đặc trưng bởi các triệu chứng điển hình như khó thở, mệt mỏi, phù chân… do tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể.

 

 

Suy tim là một trong những bệnh mạn tính nặng thường gặp nhất, khó có thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng nếu người bệnh suy tim có được chương trình chăm sóc hợp lý, bao gồm duy trì lối sống khoa học, lành mạnh và tuân thủ đúng hướng dẫn điều trị, người bệnh vẫn có thể kiểm soát bệnh tốt, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ nhập viện lại và kéo dài tuổi thọ.

Những lưu ý trong chăm sóc người bệnh suy tim - ảnh 1
ThS-BS. Phạm Thị Ngọc Đan khám cho người bệnh

Khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD TP.HCM) đã tiếp nhận điều trị cho người bệnh N.T.K.L. (64 tuổi, ngụ tại TP.HCM). Bà L. bị suy tim nhiều năm nay, thời gian đầu sau khi phát hiện bệnh, bà thực hiện đúng chỉ dẫn của bác sĩ về chế độ ăn uống, sinh hoạt, sử dụng thuốc và tái khám định kỳ, tình trạng suy tim ổn định, người bệnh khỏe hơn vả cải thiện khả năng gắng sức.

Tuy nhiên vì chủ quan, bà L. không tuân thủ chế độ ăn, vận động, thuốc, không theo dõi các triệu chứng của bệnh theo chỉ định của bác sĩ và cũng không tái khám định kỳ.

Sau một thời gian, bà L. khó thở và phù toàn thân ngày càng tăng. Bà L. đến khám và phải nhập viện tại Khoa Nội Tim mạch BV ĐHYD TP.HCM. Tại đây, các bác sĩ đánh giá và hướng dẫn lại người bệnh việc tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống, cách theo dõi tại nhà… Người bệnh được tư vấn tham gia chương trình “Quản lý và điều trị người bệnh suy tim”, duy trì việc điều trị cùng chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp và được theo dõi chặt chẽ. Hiện nay, người bệnh vẫn đang tham gia chương trình này và tình trạng suy tim được kiểm soát ổn định.

 

Sai lầm thường gặp ở người bệnh suy tim

Theo TS-BS. Bùi Thế Dũng, Trưởng khoa Nội tim mạch BV ĐHYD TP.HCM, suy tim là hội chứng đặc trưng bởi các triệu chứng điển hình như khó thở, mệt mỏi, phù chân… do tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể. Đây là căn bệnh mạn tính nguy hiểm bởi tiềm ẩn nhiều biến chứng có thể đe dọa tính mạng. Người bệnh suy tim có thể bị phù phổi cấp, tổn thương đa cơ quan (gan, thận…), đột quỵ, nhồi máu cơ tim hoặc đột tử.

Suy tim là một gánh nặng y tế do tỷ lệ mắc bệnh cao và xu hướng ngày càng gia tăng.

Ở Việt Nam, hiện ước tính có khoảng 1,6 triệu người bị suy tim. Số người bệnh nhập viện do suy tim khoảng 4.000 trường hợp mỗi năm. Ngày nay suy tim vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tái nhập viện cao, mặc dù đã có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp giảm triệu chứng, cải thiện tình trạng tái nhập viện – tử vong vì suy tim. Vì vậy người bệnh suy tim bị ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, tâm lý người bệnh – người nhà và gia tăng tổng chi phí chăm sóc người bệnh.

ThS-BS. Phạm Ngọc Đan, Khoa Nội Tim mạch BV ĐHYD TP.HCM cho biết, trên thực tế nhiều người bệnh thường chỉ tuân thủ điều trị trong thời gian đầu, sau khi tình trạng sức khỏe ổn định hơn lại có tâm lý chủ quan hoặc tin theo những thông tin không chính xác, từ đó dẫn đến nhiều sai lầm trong cách tự chăm sóc như: Không sử dụng thuốc đều đặn, không tái khám định kỳ, thậm chí tự ý sử dụng các loại thuốc không theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tuân thủ chế độ dinh dưỡng, vận động… Điều này dẫn đến tình trạng suy tim diễn tiến nặng phải nhập viện, tăng tử vong cũng như ảnh hưởng các cơ quan khác như suy gan, suy thận…

Những lưu ý trong chăm sóc người bệnh suy tim - ảnh 2
TS-BS. Bùi Thế Dũng khám cho người bệnh

Chăm sóc và điều trị người bệnh suy tim đúng cách

Tại BV ĐHYD TP.HCM, có khoảng hơn 6.000 lượt người bệnh khám theo dõi và điều trị suy tim mỗi năm. Trong đó hơn 300 lượt người bệnh nhập viện vì đợt mất bù cấp của suy tim. Để giảm tỷ lệ tái nhập viện, tỷ lệ tử vong cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống, việc người bệnh kiên trì tuân thủ điều trị, biết cách tự chăm sóc bản thân, thay đổi lối sống và luyện tập phù hợp, nhận biết được các dấu hiệu suy tim diễn tiến nặng là những yếu tố quan trọng nhất.

TS-BS. Bùi Thế Dũng cho biết, để đạt được hiệu quả điều trị, người bệnh cần phối hợp 3 yếu tố chính đó là sử dụng thuốc đều đặn, thực hiện chế độ dinh dưỡng và chế độ luyện tập theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Tại Khoa Nội tim mạch BV ĐHYD TP.HCM, chương trình “Quản lý và điều trị người bệnh suy tim” được áp dụng thường quy đã giúp giảm đáng kể triệu chứng suy tim, cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm biến chứng bệnh, giảm tỷ lệ nhập viện, tỷ lệ tử vong và chi phí điều trị. Người bệnh điều trị suy tim tại BV ĐHYD TP.HCM được hướng dẫn và theo dõi sát việc tuân thủ điều trị cũng như chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện.

Theo ThS-BS. Phạm Ngọc Đan, những sai lầm trong việc chăm sóc người bệnh suy tim là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng bệnh diễn tiến nặng. Vì vậy, người bệnh nên tuân thủ hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ, chủ động trang bị kiến thức từ các nguồn thông tin chính thống và nên tham gia các chương trình quản lý người bệnh suy tim để đạt mục tiêu điều trị, tránh mắc các sai lầm không đáng có. Người bệnh nên duy trì chế độ dinh dưỡng, tập luyện thể lực, dùng thuốc đều đặn theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Nên biết cách theo dõi các dấu hiệu bệnh diễn tiến tại nhà, tái khám đúng hẹn hoặc hỏi ý kiến bác sĩ ngay khi có thắc mắc về tình trạng sức khỏe của mình. Bên cạnh đó, ngay khi có các dấu hiệu bất thường, người bệnh nên đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng gây nhiều hậu quả nguy hiểm và tử vong.

 

N.P

TNO