10/01/2025

Nên làm gì khi bị đau, tê cổ tay tới bàn tay?

Nên làm gì khi bị đau, tê cổ tay tới bàn tay?

Khi vận động cổ tay, ngón tay nhiều như lái xe, gõ bàn phím, viết chữ… nếu xuất hiện triệu chứng tê đau các ngón tay, yếu bàn tay thì có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn bị hội chứng ống cổ tay.

 

 

Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Xuân Thy (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3) cho biết, hội chứng ống cổ tay là một rối loạn thần kinh ngoại vi thường gặp, với tỷ lệ khoảng 3,8% dân số mắc phải. Bệnh có các triệu chứng đặc trưng như đau, tê vùng cổ tay lan xuống ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa; triệu chứng đau, tê tăng khi hoạt động cổ tay liên tục trong thời gian dài (lái xe, gõ bàn phím, viết chữ…). Bệnh không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến lao động và chất lượng cuộc sống khá rõ.

Cơ chế bệnh là do dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay. Nữ giới thường gặp hội chứng này, nhiều hơn gấp 4 lần so với nam giới trong cùng độ tuổi.

 

Hội chứng ống cổ tay có thể dẫn tới những hậu quả gì?

Hội chứng ống cổ tay không gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên về lâu dài, nếu không được điều trị đầy đủ, bệnh có thể gây nên tình trạng teo cơ vùng mô ngón cái, mất vận động ngón cái và bàn tay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và đời sống, giảm chất lượng cuộc sống.

 

Một số triệu chứng thường gặp của bệnh

Đau, tê ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa (có thể có thêm ngón đeo nhẫn), đau bàn tay, cổ tay và đôi khi vùng cẳng tay. Khi phải vận động cổ tay, ngón tay nhiều như lái xe, gõ bàn phím, viết chữ… thì triệu chứng tê và đau sẽ nặng hơn.

Trường hợp nặng hơn: có biểu hiện mất cảm giác các ngón tay, yếu bàn tay, cầm đồ vật dễ rớt, không đối chiếu được ngón cái với các ngón…

 

Hội chứng ống cổ tay có thể điều trị khỏi hoàn toàn không?

Nếu phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm thì người bệnh có thể được điều trị hiệu quả tối ưu, giảm thiểu biến chứng, thời gian điều trị ngắn, chi phí điều trị ít.

Nên làm gì khi bị đau, tê cổ tay tới bàn tay? - ảnh 1
Dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay gây ra các triệu chứng đau, tê tay.  MINH HỌA: SHUTTERSTOCK

Các phương pháp điều trị hiện nay

Dùng thuốc. Các loại thuốc kháng viêm giảm đau (giảm triệu chứng viêm, giảm áp lực thần kinh giữa) giúp cải thiện triệu chứng.

Chích thuốc corticoide vào ống cổ tay. Biện pháp này cần được thực hiện bởi bác sĩ có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, nhằm tránh chích vào dây thần kinh giữa, người bệnh cần được tư vấn đầy đủ trước khi tiến hành.

Phẫu thuật. Phương pháp này được đặt ra trong các trường hợp điều trị nội khoa không đáp ứng hoặc đáp ứng kém, nguy cơ teo cơ cao nên cần phải giảm tải áp lực lên thần kinh giữa.

Vật lý trị liệu có siêu âm trị liệu, mang nẹp cổ tay, tập vận động cổ tay…

Ngoài ra y học cổ truyền với các biện pháp châm cứu, cấy chỉ giúp giảm đau, giảm viêm, giải phóng áp lực lên dây thần kinh giữa. Phối hợp với các biện pháp vật lý trị liệu đạt kết quả tốt trong giai đoạn sớm của bệnh, và trong lúc chờ đợi phẫu thuật.

Việc phối hợp với các phương pháp điều trị không dùng thuốc cho thấy hiệu quả, giúp người bệnh giảm thiểu dùng thuốc kháng viêm giảm đau, giải quyết triệu chứng.

Trong tất cả các phương pháp điều trị, với xu hướng ngày nay, người bệnh ít mong muốn dùng thuốc mà thay thế bằng các phương pháp không dùng thuốc như châm cứu, siêu âm trị liệu, đeo nẹp cổ tay… Với mỗi phương pháp đều có ưu và khuyết điểm riêng.

Theo bác sĩ Xuân Thy, châm cứu là một phương pháp điều trị không dùng thuốc đã có từ hàng ngàn năm lịch sử, nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh châm cứu hiệu quả trong điều trị giảm đau, giảm tê. Châm cứu có nhiều kỹ thuật từ cổ điển đến hiện đại: hào châm, điện châm, thủy châm, laser châm, cấy chỉ… Tùy từng trường hợp, thầy thuốc sẽ lựa chọn phương án điều trị thích hợp.

Đối với hội chứng ống cổ tay, châm cứu cũng thể hiện được ưu điểm vượt trội trong điều trị các triệu chứng do bệnh gây ra. Do đó, trong điều trị hội chứng ống cổ tay, châm cứu trở thành một lựa chọn ưu thế khi người bệnh không muốn sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm trong thời gian lâu dài.

“Khi bạn có các triệu chứng như trên, điều quan trọng là phải đến các cơ sở chuyên khoa thăm khám, loại trừ các nguyên nhân khác. Sau khi xác định đúng hội chứng ổng cổ tay, bác sĩ sẽ đưa ra liệu trình điều trị phù hợp”, bác sĩ Xuân Thy khuyến cáo.

CÁT ANH

TNO