22/12/2024

Gần 20 năm chờ đợi luật Nhà giáo

Gần 20 năm chờ đợi luật Nhà giáo

Nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội ban hành luật Nhà giáo đã được đặt ra từ năm 2004. Từ đó đến nay đã gần 20 năm nhưng nhiệm vụ này vẫn chưa hoàn thành.

 

 

Từ khi có Chỉ thị 40/CT-TW năm 2004 đề ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng luật Nhà giáo, năm 2008, Quốc hội dự kiến đưa luật Nhà giáo vào chương trình dự án luật năm 2009 và giao Bộ GD-ĐT chủ trì tham mưu cho Chính phủ. Nhưng thời điểm đó, Quốc hội chuẩn bị thông qua luật Viên chức, nên luật Nhà giáo bị hoãn. Đến những năm 2018, thời điểm xây dựng và trình Quốc hội luật Giáo dục sửa đổi nên luật Nhà giáo lại bị hoãn tiếp.

Mới đây Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XV đã có kiến nghị đưa luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật sắp tới của Quốc hội. Đội ngũ nhà giáo cả nước đang kỳ vọng nhiều ở luật này.

 

Giáo viên là lực lượng lao động đông đảo

Cả nước hiện có gần 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từ mầm non cho đến đại học. Cụ thể, đội ngũ ở các cấp học như sau: giáo dục mầm non có 373.226 người, cấp tiểu học có 419.008 người, cấp THCS có 314.562 người, cấp THPT có 150.276 người, giáo dục thường xuyên có 11.651 người, giáo dục nghề nghiệp có 104.586 người và giáo dục đại học có 73.980 người với 542 giáo sư, 4.323 phó giáo sư, 21.977 tiến sĩ và 44.119 thạc sĩ. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là đội ngũ lao động đông đảo, có trình độ chuyên môn cao trong toàn bộ lực lượng lao động nước ta.

Gần 20 năm chờ đợi luật Nhà giáo - ảnh 1
Xã hội và ngành giáo dục mong chờ sớm có luật Nhà giáo  ĐÀO NGỌC THẠCH

Đội ngũ nhà giáo ngày càng nâng cao về chuyên môn, phương pháp giảng dạy và khả năng thích ứng với hoàn cảnh. Nhất là qua 3 năm đại dịch Covid-19, học sinh và sinh viên tạm ngừng đến trường nhưng không ngừng học, là nhờ vào sự thích ứng nhanh của giáo viên (GV), chuyển từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến ở tất cả các cấp học. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận GV chưa đạt chuẩn đào tạo theo luật Giáo dục 2019, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển năng lực học sinh (HS); biên chế việc làm, thu nhập, đời sống khó khăn nên một bộ phận thầy cô phải dạy thêm, làm thêm, ảnh hưởng đến nhiệm vụ dạy học; cá biệt có thầy cô đạo đức xuống cấp; giải pháp nào để xây dựng đội ngũ nhà giáo ngang tầm với khu vực và thế giới… Tất cả những điều này đòi hỏi phải có luật Nhà giáo mới giải quyết thấu đáo.

 

Luật Viên chức, luật Công chức chưa phù hợp đặc thù nhà giáo

Hiện nay lao động của nhà giáo được điều chỉnh bằng luật Công chức, luật Viên chức. Tuy nhiên, những luật này chỉ đề cập đến công chức, viên chức nói chung, chưa giải quyết được tính đặc thù nghề nghiệp nhà giáo.

Ở luật Giáo dục, luật Giáo dục đại học, luật Giáo dục nghề nghiệp đều có các chương quy định về nhà giáo, song vẫn còn chung chung, mang tính nguyên tắc. Nhiều quy định chưa đúng tinh thần của các nghị quyết của Đảng về đội ngũ nhà giáo, thu nhập nhà giáo vẫn thấp, tình trạng mất công bằng giữa nhà giáo công lập và ngoài công lập…

 

Một số vấn đề bất cập khi chưa có luật Nhà giáo

Nghề giáo có những đặc thù riêng nên có những vấn đề phải điều chỉnh, thay đổi nhiều lần nhưng vẫn chưa phù hợp thực tiễn.

Chẳng hạn, về chuẩn nghề nghiệp của GV. Từ năm 2007, Bộ GD-ĐT lần lượt có các văn bản như: quy định chuẩn nghề nghiệp GV tiểu học; quy định chuẩn nghề nghiệp GV mầm non; quy định chuẩn nghề nghiệp GV THCS, THPT.

Nhưng sau gần 10 năm thực hiện, bộc lộ nhiều bất cập, đến 2018, Bộ GD-ĐT ban hành quy định mới chuẩn GV mầm non quy định chuẩn nghề nghiệp GV phổ thông. Tuy nhiên, luật Giáo dục 2019 đã nâng chuẩn đào tạo GV mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm, chuẩn GV tiểu học và THCS là cử nhân sư phạm, đã nảy sinh nhiều bất cập, ảnh hưởng đến việc đánh giá, xếp loại GV, công tác kiểm định chất lượng giáo dục, công nhận trường chuẩn quốc gia…

Gần 20 năm chờ đợi luật Nhà giáo - ảnh 2
Cả nước hiện có gần 1,5 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục từ mầm non cho đến đại học  ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có khoảng 280.000 GV chưa đạt chuẩn đào tạo theo luật Giáo dục 2019 (chiếm 1/5 số GV mầm non, phổ thông). Một bộ phận lớn trong số này sẽ được đào tạo nâng chuẩn trong những năm tới. Để đảm bảo quyền lợi của GV, Bộ GD-ĐT tạm ngưng hiệu lực quy định về chuẩn trình độ đào tạo của nhà giáo tại một số thông tư về chuẩn GV, chuẩn hiệu trưởng, kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường chuẩn quốc gia…

Xếp hạng của nhà giáo cũng là vấn đề phức tạp. Năm 2021, Bộ GD-ĐT ban hành 4 thông tư: Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, Thông tư số 02/2001/TT-BGDĐT, Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT và Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2.2.2021 quy định về mã số tiêu chuẩn, chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, THCS và THPT công lập. GV hội đủ điều kiện sẽ được bổ nhiệm vào 3 hạng: hạng 3, hạng 2 và hạng 1. Tuy nhiên, các thông tư này mới triển khai 1 năm đã lộ rõ nhiều điểm không phù hợp. Vì vậy, Bộ GD-ĐT có công văn gửi các địa phương, cơ quan quản lý và cơ cở giáo dục góp ý để sớm sửa đổi các thông tư này.

 

Thừa thiếu giáo viên cục bộ và thu nhập nhà giáo còn thấp

Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay số lượng GV của các cấp học mầm non, phổ thông thừa 10.178 người (trong đó thừa 5.175 GV tiểu học, 4.688 GV THCS, 315 GV THPT) và thiếu 94.714 GV (trong đó: thiếu 48.718 GV mầm non, 20.210 GV tiểu học, 14.653 GV THCS, 11.133 GV THPT). Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương; thiếu GV dạy các môn đặc thù như tin học, tiếng Anh, nghệ thuật khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa vào dạy môn tin học, Ngoại ngữ từ lớp 1, cấp THPT giảng dạy âm nhạc và mỹ thuật… Việc thiếu GV hiện nay còn do nguyên nhân thu nhập GV không đủ sống. GV mầm non mới ra trường với hệ số lương 2,1 lương khoảng 3 triệu đồng, GV phổ thông trình độ cử nhân hệ số lương 2,34 lương khoảng 3,5 triệu đồng, GV ở các vùng sâu, vùng xa thiếu thốn trăm bề dẫn tới khó thu hút được người giỏi vào ngành. Nhìn chung thu nhập từ lương của GV vẫn chưa đảm bảo theo tinh thần mà Nghị quyết số 29/NQ-TW đã đề ra từ năm 2013: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

 

HỒ SỸ ANH

TNO