18/11/2024

Cơ sở tôn giáo mở tài khoản nhận tiền công đức, nếu nhận tiền mặt phải ghi chép?

Cơ sở tôn giáo mở tài khoản nhận tiền công đức, nếu nhận tiền mặt phải ghi chép?

Dự kiến cơ sở tôn giáo, cơ sở quản lý di tích mở tài khoản ngân hàng để tiếp nhận tiền công đức. Việc dùng tiền công đức chi cho các hoạt động lễ hội, tài trợ cho di tích thì phải chuyển khoản, thanh toán điện tử.

 

Cơ sở tôn giáo mở tài khoản nhận tiền công đức, nếu nhận tiền mặt phải ghi chép? - Ảnh 1.

Sư thầy ghi chép khi bá tánh cúng dường tại chùa Phước Long, TP Thủ Đức, TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Đây là nội dung dự thảo thông tư lần 3 hướng dẫn về quản lý thu chi tiền công đức, tài trợ di tích và hoạt động lễ hội được Bộ Tài chính đưa ra xin ý kiến hôm 30-3. Điểm mới của dự thảo thông tư lần này có nhiều nội dung chi tiết hơn so với 2 lần trước.

Cụ thể, về việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, Bộ Tài chính đề xuất đơn vị được giao tiếp nhận phải mở tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.

Sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Trường hợp tiếp nhận bằng tiền mặt phải có ghi sổ đầy đủ. Đối với tiền trong hòm công đức, tiền đặt lễ, tiền khấn…, định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần, cơ sở di tích phải kiểm đếm, ghi sổ số tiền tiếp nhận. Số tiền công đức tạm thời nhàn rỗi được gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.

Bộ Tài chính lý giải quy định nêu trên nhằm đảm bảo cho việc tiếp nhận, quản lý tiền công đức, tài trợ được an toàn, thuận tiện. Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ trộm cắp tài sản tại các di tích, có không ít nhà chùa trình báo mất trộm hàng tỉ đồng.

Mặt khác, khi xảy ra đại dịch COVID-19, có nhiều tổ chức, cá nhân có nhu cầu công đức, tài trợ cho di tích nhưng không thực hiện được do phải giãn cách xã hội.

Điểm mới của dự thảo thông tư lần này là phân chia việc quản lý, sử dụng tiền công đức đối với một số trường hợp cụ thể.

Theo đó, đối với di tích là cơ sở tôn giáo không có hoạt động lễ hội do cơ quan quản lý nhà nước tổ chức thì tiền công đức, tài trợ cho di tích là tài sản của tổ chức tôn giáo. Tiền công đức, tài trợ cho di tích hoàn toàn do tổ chức tôn giáo quản lý, sử dụng.

Đối với di tích là cơ sở tôn giáo có hoạt động lễ hội truyền thống do cơ quan nhà nước tổ chức định kỳ tại di tích thì tiền công đức, tài trợ cho di tích được trích một phần để chi cho hoạt động tổ chức lễ hội tại di tích. Phần còn lại do tổ chức tôn giáo quản lý và sử dụng.

Đối với quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ đối với di tích thuộc sở hữu tư nhân thì tiền công đức, tài trợ cho di tích là tài sản của chủ sở hữu di tích. Chủ sở hữu có trách nhiệm quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích, đúng mục đích và có hiệu quả.

Bộ Tài chính cho biết, trong hơn 2 năm qua, dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội nhận được 1.700 ý kiến góp ý.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý, quy định trong dự thảo thông tư lần này đã đáp ứng được cơ bản các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

LÊ THANH
TTO