TP.HCM: Thuốc ứng phó dịch bệnh Covid-19 là mặt hàng bình ổn giá
TP.HCM: Thuốc ứng phó dịch bệnh Covid-19 là mặt hàng bình ổn giá
Với 200 mặt hàng thuốc bình ổn, trong đó có các loại thuốc dùng ứng phó với dịch bệnh Covid-19, TP.HCM đảm bảo cung cấp cho người dân thuốc thiết yếu trong trường hợp dịch bệnh lan rộng.
Ngày 26.3, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có tờ trình gửi UBND TP.HCM về dự thảo ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 – 2023; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
TP.HCM bình ổn 200 mặt hàng thuốc sản xuất trong nước NGỌC DƯƠNG |
Bình ổn 19 nhóm thuốc với 200 mặt hàng
Theo đó, thuốc thiết yếu phục vụ bình ổn thị trường trên địa bàn TP.HCM gồm 19 nhóm thuốc sản xuất trong nước trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều và các thuốc ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Bao gồm các thuốc giảm đau – hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm, thuốc nhỏ mắt, thuốc trị giun, trị thấp khớp, vitamin – khoáng chất, thuốc dùng ngoài, thuốc cải thiện tuần hoàn não, chống rối loạn tâm thần, thuốc từ dược liệu… với hơn 200 mặt hàng.
Theo Sở Y tế, trong nhóm thuốc bình ổn bao gồm các mặt hàng thiết yếu thông thường và mặt hàng có hoạt chất paracetamol, là mặt hàng thiết yếu và có thể sử dụng phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Số lượng thuốc bình ổn chiếm 50% nhu cầu của các nhóm thuốc thiết yếu người dân thành phố sử dụng trong năm.
Thuốc trong chương trình là thuốc sản xuất trong nước tại các nhà máy đạt chuẩn GMP – WHO, đảm bảo chất lượng. Lượng thuốc trong chương trình có khả năng cân đối cung cầu cho người dân thành phố, kể cả trong trường hợp có xảy ra biến động giá thuốc, nhu cầu sử dụng thuốc thiết yếu tăng cao và tình hình dịch bệnh Covid-19 lan rộng.
Giá bán của các nhóm thuốc trong chương trình bình ổn thấp hơn giá bán của sản phẩm cùng loại (cùng biệt dược) trên thị trường ít nhất là 5 – 10%. Phát triển, đa dạng hóa hệ thống phân phối, các điểm bán thuốc bình ổn tại các nhà thuốc bệnh viện, nhà thuốc doanh nghiệp, nhà thuốc tư nhân trên địa bàn thành phố.
Thuốc trong chương trình sẽ được phân phối đến người bệnh, đặc biệt người có thu nhập thấp, điều kiện sống thấp, thường dễ mắc bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc nhiều.
Đối tượng tham gia là ai?
Theo Sở Y tế TP.HCM, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt có tính kinh tế, kỹ thuật và xã hội cao, cần thiết không thể thiếu trong việc chẩn đoán, dự phòng và điều trị nhằm bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người dân. Chất lượng và giá thuốc được sự quan tâm của cả xã hội.
Đối tượng tham gia chương trình là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược thuộc mọi thành phần kinh tế. Công ty tham gia chương trình có năng lực trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng được số lượng thuốc lớn và đã đạt tiêu chuẩn thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP – WHO), thực hành tốt phân phối thuốc (GDP). Các nhà thuốc bán lẻ trên địa bàn thành phố đã đạt tiêu chuẩn thực hành tốt nhà thuốc (GPP).
Nhằm tiếp tục đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp, cân đối cung cầu một số mặt hàng thuốc thiết yếu phục vụ nhu cầu chữa bệnh của người dân trên địa bàn TP.HCM, góp phần vào việc chăm lo an sinh xã hội cho người dân ngày càng tốt hơn, Sở Y tế trình UBND TP.HCM ban hành Kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 – 2023; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.
Theo Sở Y tế TP.HCM, chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thuốc thiết yếu trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 – 2023; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là nhằm chủ động, đảm bảo cung cầu các mặt hàng dược phẩm thiết yếu, ổn định giá cả, kể cả khi dịch bệnh Covid-19 lan rộng trên cả nước và trên địa bàn TP.HCM.
DUY TÍNH
TNO