24/11/2024

Trầm cảm hậu COVID-19: Kẻ tàn phá tinh thần

Trầm cảm hậu COVID-19: Kẻ tàn phá tinh thần

Tâm lý căng thẳng kéo dài khi mắc bệnh COVID-19 cùng với sự tấn công của virus gây tổn thương hệ thần kinh khiến nhiều người bị trầm cảm hậu COVID-19.

 

Trầm cảm hậu COVID-19: Kẻ tàn phá tinh thần - Ảnh 1.

Bệnh nhân nghe tư vấn tâm lý và điều trị hậu COVID-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức) – Ảnh: DUYÊN PHAN

Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), COVID-19 khiến 63% người 18 – 24 tuổi lo âu hoặc trầm cảm, 25% số đó dùng chất kích thích nhiều hơn và khoảng 25% nghĩ đến việc tự tử.

Một khảo sát tại Bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM vào năm 2021 ghi nhận 53,3% bệnh nhân điều trị tại đây bị rối loạn lo âu, 20% trầm cảm và 16,7% stress. Đặc biệt, những ca từng thở HFNC (oxy lưu lượng cao), bệnh nhân từng thở oxy qua mặt nạ hoặc thở máy, tỉ lệ trầm cảm và tỉ lệ rối loạn lo âu lên tới 66,7%.

 

Nhiều suy diễn tiêu cực sau nhiễm COVID-19

Từ một người vui vẻ hòa đồng với gia đình, bạn bè, sau khi nhiễm COVID-19 ông N.T. (ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) hoàn toàn thay đổi tâm tính và lối sống, ông bắt đầu tránh né tiếp xúc mọi người xung quanh. Trải qua 5 tháng hậu COVID-19, ông luôn sống trong mệt mỏi, vô cảm, suy diễn bản thân có thể mắc phải các bệnh lây nhiễm khác như HIV, dại…

“Hễ cứ đụng trúng thứ gì là tôi lại muốn rửa tay liền, tôi nhìn đồ vật xung quanh đều nghi ngờ nó mang mầm bệnh COVID-19, có thể lây virus cho tôi bất cứ lúc nào. Kể cả với chó mèo, loài vật tôi rất thích, giờ đây gặp chúng nó là tôi xua đuổi đi. Sau thời gian trị liệu trầm cảm, rối loạn ám ảnh nghi thức, cuộc sống tôi mới dần ổn định hơn”, ông T. chia sẻ.

Để có thể chia sẻ về những vấn đề tâm lý, có người chọn cách tìm đến bác sĩ, cũng có những người tìm đến các cộng đồng để tìm sự đồng cảm, sẻ chia. Tại một nhóm những người bị trầm cảm trên Facebook có hơn 30.000 thành viên, tài khoản có tên C.T. kể về những nỗi sợ hãi và ám ảnh của mình sau khi mắc COVID-19 và hay tin người quen qua đời vì bệnh này.

“Mới ngày nào cười nói khỏe mạnh mà COVID-19 đã cướp mất sự sống của họ, với tôi đó như là cú sốc lớn. Tôi rất sợ mình sẽ phải chết giống anh ấy, ngủ cũng không dám ngủ vì không biết mình có thức dậy được không. Không chỉ ám ảnh về COVID-19, tôi còn bắt đầu sợ hãi khi thấy những vụ chết người vì tai nạn, thậm chí ngủ cũng sợ đột quỵ chết, tôi phải làm sao để vượt qua?”, C.T. chia sẻ như một lời khẩn cầu.

Mỗi người đều có những câu chuyện riêng, nhưng nếu không vượt qua được, trầm cảm có thể kết thúc một cuộc đời. Đầu tháng 3 vừa qua, một người phụ nữ tên V.T.H. (57 tuổi, ở Nam Định) đã tự tử bằng thuốc diệt cỏ sau khi biết tin mình nhiễm COVID-19 và không muốn trở thành gánh nặng cho gia đình. Điều đáng nói trong một năm qua, người phụ nữ này đã có dấu hiệu trầm cảm và đang sử dụng thuốc ổn định tâm lý.

 

Không kịp thích ứng trước đại dịch

Chuyên gia tâm lý Vương Nguyễn Toàn Thiện, đơn vị tâm lý Bệnh viện Nhi đồng TP, cho biết trầm cảm là một rối loạn tâm lý được xếp ở nhóm “rối loạn khí sắc”; làm người mắc cảm thấy thường xuyên có tâm trạng trầm buồn, bi quan, mất hy vọng vào tương lai, mất tự tin, mất hứng thú với các sinh hoạt trong cuộc sống. Cơ thể xuất hiện các biểu hiện mệt mỏi, thay đổi về ăn uống, cân nặng, giấc ngủ, vận động dẫn đến các ý định và hành vi thụ động, tự hại bản thân, tự tử. Sau khi khỏi COVID-19, nếu gặp phải các biểu hiện trên, được gọi là trầm cảm hậu COVID-19.

Về nguyên nhân dẫn đến trầm cảm hậu COVID-19, theo ThS.BS Bùi Phương Thảo, Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương (TP Hà Nội), các tác động tiêu cực của đại dịch khiến con người không kịp thích ứng, từ đó gây ra trầm cảm ở nhóm người dễ bị tổn thương.

“Số người mắc bệnh luôn ở số báo động, trường hợp xấu nhất là tử vong, phải chịu sự cách ly xã hội… gây ra xáo trộn trầm trọng cuộc sống. Mặt khác, những lo lắng sợ bị nhiễm bệnh, sự đau khổ do mất người thân, hoặc những vấn đề về kinh tế như thất nghiệp, giảm thu nhập, bệnh lý mãn tính mà không tiếp cận được các dịch vụ y tế trong thời kỳ bệnh dịch cũng làm gia tăng tỉ lệ trầm cảm”, BS Thảo thông tin.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc cơ thể tạo phản ứng miễn dịch chống lại virus cũng là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm hậu COVID-19. Khi bị nhiễm virus, hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất cytokine, chemokine và những chất khác thúc đẩy quá trình viêm để chống lại virus. Tuy nhiên, khi cơ thể không kiểm soát được quá trình viêm thì sẽ gây ra những tác dụng ngược gây hại cho hệ thần kinh. Hệ thống thần kinh trung ương bị tổn thương dẫn đến rối loạn tâm thần trong đó có trầm cảm, thậm chí kể cả sau khi hết nhiễm COVID-19.

 

Điều trị trầm cảm thế nào?

ThS.BS Trần Quang Trọng – chuyên viên tâm lý Bệnh viện Lê Văn Thịnh – cho biết mỗi ngày trung tâm điều trị hậu COVID-19 của bệnh viện tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân đến điều trị gặp các vấn đề tâm lý hậu COVID-19, trong đó trầm cảm cũng là vấn đề phổ biến.

Theo BS Trọng, nếu trầm cảm bệnh nhân sẽ được tiếp cận điều trị đa mô thức. Trước tiên là các liệu pháp trị liệu tâm lý như nhận thức, hành vi, chánh niệm… Với các tình trạng trầm cảm trung bình đến nặng có thể điều trị tâm thần, sử dụng hóa dược/thuốc theo chỉ định của bác sĩ tâm thần khi cần thiết. Việc lựa chọn thuốc cần phải xem xét phù hợp với từng cá thể người bệnh.

“Những lời khuyên như tạo thói quen sinh hoạt tích cực; hạn chế đọc quá nhiều tin tức hoặc tìm hiểu thông tin tiêu cực; duy trì các mối quan hệ xã hội, tham gia các hoạt động cộng đồng, tôn giáo, từ thiện sẽ dành cho bước chăm sóc sức khỏe tinh thần ban đầu. Còn khi một bệnh nhân bước vào giai đoạn trầm cảm, điều cần thiết là lắng nghe câu chuyện của họ, từ đó tìm ra phương pháp trị liệu phù hợp cho từng người, giải quyết vấn đề phải xuất phát từ chính bản thân bệnh nhân” – ông nói.

Trong giai đoạn mắc COVID-19, người bệnh sẽ cảm thấy lo lắng, sợ hãi, buồn rầu, tức giận… là điều hết sức bình thường. Đó là các cảm xúc có thể có trong tình huống chúng ta nhận thức bản thân đang phải đối diện với một yếu tố nguy hiểm như dịch bệnh.

 

Nên khám tâm lý nếu một số biểu hiện kéo dài

Theo thời gian, con người có khả năng tự phục hồi và trở lại trạng thái cân bằng của tâm trí nhờ vào sức bật tinh thần, nâng đỡ xã hội. Người bệnh cần đến các cơ sở, phòng khám tâm lý để được can thiệp nếu các biểu hiện sau đây kéo dài: buồn chán và trống rỗng; mất hết năng lượng, hứng thú trong cuộc sống, không thể tập trung vào công việc; có ý tưởng hoặc hành vi tự sát…

CẨM NƯƠNG
TTO