Tái nhiễm COVID-19, người bệnh phải cách ly thế nào?
Tái nhiễm COVID-19, người bệnh phải cách ly thế nào?
Thời gian gần đây, chủng Omicron chiếm ưu thế, nhiều người dù tiêm đủ 3 mũi vắc xin và từng là F0 nhưng vẫn tái nhiễm chỉ trong thời gian ngắn. Vậy việc cách ly sẽ diễn ra thế nào nếu người dân tái nhiễm bệnh?
Trả lời Tuổi Trẻ Online tại cuộc họp báo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM vào chiều 21-3, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh văn phòng Sở Y tế TP – cho biết hầu như không ghi nhận bệnh nhân mắc chủng Omicron và tái nhiễm biến chủng phụ của Omicron trong thời gian ngắn; trường hợp tái nhiễm có thể là bệnh nhân nhiễm chủng Delta trước đây và hiện nhiễm Omicron.
“Theo quyết định 250 của Bộ Y tế, khi một người đã chẩn đoán nhiễm COVID-19 thì phải cách ly điều trị tại nhà 7 ngày. Thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì kháng thể đối với một biến chủng có thể kéo dài đến 90 ngày, chính vì vậy bản thân người bệnh sẽ không tái nhiễm nhanh như vậy.
Nếu dương tính tiếp tục có thể họ đã nhiễm một biến chủng khác, vì vậy vẫn phải thực hiện cách ly và điều trị tại nhà trong 7 ngày theo quy định”, bà Mai thông tin và cho biết thêm hiện nay ngành y tế TP không tiến hành thống kê số lượng tái nhiễm.
Sau hơn 1 tuần triển khai phần mềm khai báo F0, bà Mai cho rằng trong giai đoạn đầu đã gặp phải một số khó khăn. Phần mềm chậm hơn so với yêu cầu của người sử dụng, Sở Y tế đang phối hợp cùng các đơn vị nâng cấp phần mềm để mở rộng vấn đề lưu trữ. Thống kê từ các trạm y tế trong tuần qua đã có trên 21.000 lượt tiếp cận với phần mềm.
Ngoài ra, một trong những vấn đề được người dân quan tâm trong tuần qua là việc liên tiếp xảy ra các tai nạn hành nghề tại các đơn vị y tế, phòng khám, cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn. Bà Mai cho biết hằng năm Sở Y tế đều có kế hoạch kiểm tra các cơ sở, phòng khám, kể cả các đơn vị thuộc tuyến trung ương để kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm.
“Sở Y tế đã có bước chuyển đổi số, sử dụng app Y tế trực tuyến để ghi nhận tất cả phản ánh về vấn đề hành nghề của các đơn vị y tế công lập, tư nhân, từ đó phối hợp với các đơn vị để điều tra, xử lý”, bà Mai nói.
Tạm ngưng hoạt động trung tâm hồi sức COVID-19 lớn nhất TP.HCM
Mới đây, TP.HCM đã cho ngưng hoạt động Trung tâm hồi sức COVID-19 tại TP Thủ Đức, để chuẩn bị tiếp nhận, điều trị bệnh nhân ung bướu. Sở Y tế có trách nhiệm hỗ trợ, tạo điều kiện cho bệnh viện hồi sức COVID-19 bàn giao cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư tiêu hao và hồ sơ bệnh án khi tiến hành giải thể.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Sở Y tế cũng đã làm việc với cả 2 đơn vị để nắm bắt tình hình sau khi trung tâm ngưng hoạt động.
“Hiện nay tất cả đơn vị đều rất tích cực để Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 trở lại hoạt động điều trị bệnh như mục đích ban đầu đề ra. Số lượng bệnh nhân hồi sức COVID-19 không nhiều nên có thể sắp xếp vào các bệnh viện khác”, bà Mai thông tin.
Theo đó, các bệnh viện dã chiến và các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 của quận, huyện và tại các khu chế xuất, khu công nghiệp sẽ được duy trì để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người nhiễm bệnh.
Ngành y tế cũng tiếp tục duy trì hoạt động bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị COVID-19 số 13, 14 và 16, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Chợ Rẫy duy trì 200 giường ICU mỗi bệnh viện, đảm bảo thành phố luôn sẵn sàng 1.000 giường.