27/12/2024

Những chuyện ‘thâm cung’ thời kháng Pháp thế kỷ 19: Sự hy sinh anh dũng của nghĩa sĩ Nguyễn Phạm Tuân

Những chuyện ‘thâm cung’ thời kháng Pháp thế kỷ 19: Sự hy sinh anh dũng của nghĩa sĩ Nguyễn Phạm Tuân

Ngày 5.7.1885, phụ chánh đại thần Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi xuất bôn khỏi kinh thành Huế thì chỉ sau hơn một tuần lễ, nhà vua đã ban hịch Cần Vương, kêu gọi những người yêu nước tham gia cuộc kháng Pháp.

 

 

 

Không lâu sau, Tôn Thất Thuyết tìm đường sang Trung Hoa cầu viện, để lại hai con trai là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp. Ông Đạm được nhà vua phong làm khâm sai, đi khắp vùng rừng núi Quảng Bình, Hà Tĩnh để chiêu mộ người; ông Thiệp còn trẻ, ở sát cạnh vua Hàm Nghi để bảo vệ ông.

Đóng dọc theo sông Gianh lúc bấy giờ có hai lực lượng quân sự, một của tán lý Nguyễn Phạm Tuân, được vua Hàm Nghi phong chức thượng thư, một của đề đốc Lê Trực. Cả hai giữ nhiệm vụ vừa kháng Pháp, vừa bảo vệ nhà vua đang ẩn lánh ở thượng nguồn sông Gianh.

Trong khi Lê Trực đóng quân ở làng Thanh Thủy (H.Tuyên Chánh), quê ông, thì Nguyễn Phạm Tuân đóng quân ở H.Tuyên Hóa. Pháp nhiều lần cử quân truy lùng hai đạo quân kháng chiến trên, với sự giúp sức của một giáo sĩ Pháp tên Tortuyaux, song vẫn chưa đạt được mục tiêu “bình định” của họ. Cuối năm 1886, một đại úy Pháp là Mouteaux lãnh nhiệm vụ đến Quảng Khê tổ chức lại hệ thống đồn bốt, tung ra những cuộc hành quân chống lại quân kháng chiến.

Những chuyện 'thâm cung' thời kháng Pháp thế kỷ 19: Sự hy sinh anh dũng của nghĩa sĩ Nguyễn Phạm Tuân - ảnh 1
Léopold-Michel-Cadière (1869 – 1955), tác giả bài viết về cái chết của Nguyễn Phạm Tuân

Đầu năm 1887, viên sĩ quan giàu kinh nghiệm này thiết lập một đồn chiến lược tại Minh Cầm nằm phía trên làng Thanh Thủy, khiến cho lực lượng nghĩa quân của Lê Trực và Nguyễn Phạm Tuân phải di chuyển ra xa để tránh tổn thất.

Để tiện cho việc tập trung quân đánh vào từng cứ điểm riêng lẻ, Mouteaux một mặt chiêu hàng Lê Trực, mặt khác mở các cuộc tấn công lớn vào lực lượng của Nguyễn Phạm Tuân tại làng Yên Hương với khoảng 100 – 200 nghĩa quân trấn giữ. Ngày 8.4.1887, cuộc tấn công bắt đầu, ông Tuân ở trong tình thế bất ngờ, không kịp bố trí quân để chống chọi. Khi quân Pháp đến quá gần vị trí đóng quân, ông quơ vội thanh gươm lệnh và tráp đựng ấn tín của vua Hàm Nghi cùng giấy tờ của Viện Cơ mật, định chạy thoát nhưng không kịp. Ông bị đích thân Mouteaux bắn một viên đạn trúng vào mạng sườn. Viên đạn chỉ còn cách quả tim vài cen ti mét và làm đọng máu trong cơ thể.

Theo lời kể lại của các sĩ quan Pháp tham dự cuộc hành quân thì tuy bị thương nặng, Nguyễn Phạm Tuân vẫn thản nhiên, đòi được bắn cho chết hẳn để không phải kéo dài nỗi đau đớn, mặt khác, ông hết lời thóa mạ Mouteaux, đến nỗi viên thông ngôn Arthur không dám dịch lại hết những gì ông đã nói ra.

Mouteaux đích thân xem xét vết thương của Nguyễn Phạm Tuân, dùng dao mổ lấy viên đạn ra và băng bó tạm cho ông. Cũng theo lời các sĩ quan Pháp, ông Tuân tỏ vẻ ngạc nhiên trước hành động của Mouteaux, im lặng, không thóa mạ y nữa. Tuy nhiên, khi được yêu cầu cho biết nơi ở của vua Hàm Nghi, ông không hé môi tiết lộ nửa lời.

5 giờ chiều ngày hôm sau, Nguyễn Phạm Tuân thở hơi thở cuối cùng tại trạm xá của đồn Minh Cầm vì vết thương quá nặng.

Trong cuộc hành quân của Pháp vào thời điểm này, trong số những người sa vào tay họ, có một cậu bé độ 7 – 8 tuổi mà nhiều người cho là con trai nhỏ nhất của Tôn Thất Thuyết được giao cho nghĩa quân nuôi nấng. Giáo sĩ L.Cadière trong bài viết nhan đề Quelques papiers du capitaine Mouteaux (Mấy trang tài liệu của đại úy Mouteaux) đăng trong Tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH) số 1 năm 1944 (trang 64) có kể rằng trong lúc Nguyễn Phạm Tuân bị thương, người ta dẫn một đứa bé ăn mặc rất tươm tất đến và Mouteaux đã nói với ông Tuân: “Con ông đây! Nó sẽ được đối xử tử tế”. Ông Tuân đã trả lời: ”Không, nó không phải là con tôi”.

Những chuyện 'thâm cung' thời kháng Pháp thế kỷ 19: Sự hy sinh anh dũng của nghĩa sĩ Nguyễn Phạm Tuân - ảnh 2
Một ngôi mộ cổ mới được tìm thấy, được tin là của nghĩa sĩ Nguyễn Phạm Tuân  T.L LÊ NGUYỄN

Một nhân công tên Lam Lang (chữ Pháp không bỏ dấu) buột miệng nói: “Này, nó là con trai ông Tôn Thất Thuyết”. Ngay sau đó có những dấu hiệu trao đổi giữa ông Tuân và đứa bé và cuối cùng ông này nhận nó là con ông. Tuy nhiên, những người chứng kiến lúc đó thấy thái độ đứa bé rất đặc biệt. Nó có vẻ như sai khiến cả “bố” nó.

Khoảng ba ngày sau, do sự xác nhận của các thân hào tại địa phương, các sĩ quan Pháp tin chắc đứa bé là con út của Tôn Thất Thuyết. Nó được Pháp đưa về Huế, giao lại cho triều đình. Chi tiết này khá mới mẻ, chỉ thấy đề cập đến trong bài viết của Cadière, xin được trình bày lại trong bài viết này với tất cả sự dè dặt.

Có thể nói cái chết của tá sự (có tài liệu ghi là tri phủ) Nguyễn Phạm Tuân là một tổn thất lớn trong phong trào Cần Vương.

Một điều thật oái oăm là tổn thất này đã mang lại cho đại úy Mouteaux một tặng phẩm của triều đình Huế: “…Viên quan Pháp (không rõ tên) đóng ở đồn Minh Cầm (thuộc H.Tuyên Hóa, Quảng Bình), đánh dẹp và bắn giết được Nguyễn Phạm Tuân (nguyên tri phủ, xưng tán lý), thu được ấn của vua Hàm Nghi. Chuẩn tặng cho viên quan Pháp một cái khánh vàng hạng trung, lính Pháp và lính tập, đều thưởng bạc tiền có thứ bậc”. (Đại Nam thực lục chính biên – tập XXXVII- NXB Khoa học xã hội – Hà Nội – 1977 – trang 269). (còn tiếp)

LÊ NGUYỄN

TNO