Nhiều thay đổi trong phòng, chống dịch khi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B
Nhiều thay đổi trong phòng, chống dịch khi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B
Theo đánh giá của một số chuyên gia về y tế dự phòng và điều trị, khi Covid-19 được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B sẽ có các thay đổi cơ bản trong công tác phòng chống dịch.
Theo luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, bệnh truyền nhiễm được phân loại thành ba nhóm là nhóm A, nhóm B, và nhóm C.
Trong đó, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A/H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh… Khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, tháng 1.2020, Bộ Y tế đã có quyết định bổ sung Covid-19 vào danh mục bệnh truyền nhiễm nhóm A.
Khi Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm B, việc khám chữa bệnh do quỹ BHYT chi trả cho người có thẻ BHYT ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Một chuyên gia về pháp chế y tế cho biết, theo quy định hiện hành tại luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và luật Khám bệnh, chữa bệnh, với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, quyền và nghĩa vụ của họ có một số thay đổi so với quyền và nghĩa vụ của người bệnh nói chung. Cụ thể, theo điều 66 của luật Khám bệnh, chữa bệnh, người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A không có quyền được từ chối chữa bệnh mà thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh.
Biện pháp ứng phó dịch thay đổi
PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, cho biết khi Covid-19 chuyển sang là bệnh truyền nhiễm nhóm B, các biện pháp ứng phó với dịch sẽ thay đổi rất nhiều, từ vấn đề giám sát, quản lý ca bệnh, xét nghiệm…
“Ví dụ như bệnh cúm mùa, hiện chúng ta vẫn giám sát nhưng không công bố ca nhiễm hằng ngày. Chúng ta cũng không xét nghiệm rộng rãi như với Covid-19 hiện nay”, PGS Phu cho hay.
Bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phòng, chống dịch theo phương thức quản lý rủi ro, chuyển từ mục tiêu kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện có nguy cơ cao, rất cao và tử vong; căn cứ tình hình dịch bệnh chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B; sẵn sàng kịch bản cho mọi tình huống kể cả khi dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế và tình huống có biến chủng mới nguy hiểm hơn…
(Chương trình Phòng, chống dịch Covid-19 tại Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17.3.2022 của Chính phủ)
Về kinh phí điều trị, bệnh nhóm A thì chi phí điều trị do ngân sách nhà nước chi trả. Nhưng khi là bệnh truyền nhiễm nhóm B, chi phí điều trị do BHYT chi trả; người bệnh tự chi trả nếu các dịch vụ sử dụng ngoài danh mục BHYT.
Ông Phu cũng cho rằng để chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, cần căn cứ vào nhiều yếu tố. Trong đó, cần đánh giá tình hình dịch bệnh trên thực tế như thế nào; mức độ lây lan, gây bệnh nặng của chủng vi rút đang lưu hành gây dịch; hiệu quả các loại thuốc điều trị, vắc xin đang có. Đồng thời cần khả năng đáp ứng của VN, gồm khả năng kiểm soát dịch và khả năng đáp ứng của hệ thống y tế cũng như vấn đề tài chính.
“Khi chuyển, phải hình thành kèm theo các chính sách đáp ứng để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, nhất là người nghèo, nhóm người dễ bị tổn thương”, ông Phu cho biết.
Khi nghiên cứu, cần thành lập các nhóm nghiên cứu, có sự tham gia của các ngành, các cấp, đặc biệt Bộ Y tế, Bộ Tài chính. Các chính sách cần sâu sát tới từng địa phương vì mỗi tỉnh, thành có điều kiện kinh tế, đáp ứng khác nhau.
Đề xuất “xóa” F0 và cắt giảm quy định về công bố hết dịch
Bộ Y tế cho hay đang trong quá trình lấy ý kiến các chuyên gia về sửa đổi, điều chỉnh trong hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 thực hiện luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, đề xuất sửa đổi hướng dẫn giám sát ca mắc Covid-19 sẽ không sử dụng thuật ngữ “truy vết người tiếp xúc” mà sửa thành “điều tra dịch tễ”; không sử dụng các từ viết tắt F0, F1, F2 mà sử dụng thuật ngữ “người mắc bệnh, người mang mầm bệnh truyền nhiễm, người tiếp xúc, người nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm”. Theo ý kiến một số chuyên gia, khi không còn khái niệm “F0” cũng là thay đổi căn bản. Nếu F0 là “người mắc bệnh, người mang mầm bệnh truyền nhiễm…” thì khi đó sẽ chỉ cách ly những người có triệu chứng bệnh.
Ngoài ra, với công bố hết dịch, Bộ Y tế cũng đang đề xuất theo hướng Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19 trên phạm vi toàn quốc khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố chấm dứt tình trạng đại dịch; hoặc Việt Nam đáp ứng các tiêu chí kết thúc tình trạng đại dịch của WHO trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế.
Về đề xuất trên, Bộ Y tế giải thích: “Vì hiện nay số ca bệnh ghi nhận luôn ở mức cao, mầm bệnh lưu hành ở tất cả các tỉnh, TP trên phạm vi toàn quốc, số mắc mới chưa có chiều hướng giảm, thậm chí còn tiếp tục gia tăng trong các tuần qua. Do đó, khả năng không ghi nhận ca bệnh mắc mới rất khó”.
Trong khi đó, theo quy định hiện hành, một trong những điều kiện để công bố hết dịch là “không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau khoảng thời gian nhất định và đáp ứng các điều kiện khác đối với từng bệnh dịch theo quy định của Thủ tướng Chính phủ”.
LIÊN CHÂU
TNO