Nhiều người F0 vẫn ra đường, đi lại khắp nơi, xử sao?
Nhiều người F0 vẫn ra đường, đi lại khắp nơi, xử sao?
Bộ Y tế quy định người mắc COVID-19 (F0) cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, không được ra khỏi nhà. Tuy nhiên, một số trường hợp người F0 vẫn tự ý ra khỏi nhà, xử lý ra sao?
Ghi nhận tại TP.HCM, nhiều F0 vẫn ra đường như đi khám bệnh, đi mua thuốc…
Luật truyền nhiễm vẫn có hiệu lực
Các chuyên gia y tế cho rằng dịch COVID-19 vẫn đang là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đặc biệt nguy hiểm, số ca nhiễm những ngày qua tăng vọt, quy định người F0 vẫn phải cách ly là phù hợp.
Và dựa theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007; Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và đề nghị của cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Bộ Y tế có quyết định “Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19”, nêu rõ “người mắc COVID-19 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, nhưng không được ra khỏi nhà. Khi ra khỏi phòng cách ly phải mang khẩu trang, giữ khoảng cách với những người khác trong nhà”.
Nếu người F0 cố tình ra khỏi nhà trong thời gian cách ly sẽ làm lây lan dịch bệnh, lúc này “bức tranh” hệ thống y tế quả tải có thể lặp lại, những nhóm người nguy cơ không được bảo vệ.
PGS Phùng Nguyễn Thế Nguyên – phó trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) – cho rằng người F0 mà bản thân biết mình đang nhiễm bệnh nhưng có mặt ở các đám đông thì có thể tạo ra những chùm ca nhiễm. Khi số ca nhiễm tăng lên nhiều, mà còn nhiều người thuộc nhóm nguy cơ cao chưa được bảo vệ, chưa tiêm vắc xin đủ thì có thể gây quá tải hệ thống ngành y tế.
Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 vẫn có hiệu lực, trong đó nghiêm cấm hành vi cố ý làm lây lan dịch bệnh. Đã có nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính hay hưởng án treo, nhận án tù vì cố tình làm lây lan dịch bệnh hay tung tin thất thiệt không đúng về dịch bệnh trên mạng xã hội, làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng công tác phòng chống dịch.
Trong bối cảnh hiện nay, dù nước ta đã xác định sống chung với dịch COVID-19 nhưng vẫn xem đây là bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đặc biệt nguy hiểm.
Những ngày qua, số ca tử vong trên cả nước vẫn ghi nhận trên dưới 100 ca/ngày, còn ca bệnh nặng hiện đang điều trị trên 4.000 ca.
Các bác sĩ và đại diện ngành y tế tại TP.HCM khuyến cáo, người mắc COVID-19 trong thời gian cách ly tại nhà cần tuân thủ nghiêm các quy định phòng, tránh lây nhiễm, tuyệt đối không đi ra khỏi nhà theo quy định mới nhất của Bộ Y tế.
Liên quan về việc xử phạt người F0 nếu không tuân thủ Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng – giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – cho hay hiện luật này vẫn hiện hành và phát huy tác dụng dù tình hình dịch COVID-19 đã thay đổi nhiều so với cách đây khoảng một năm.
Nhiều hệ lụy F0 tự ý ra ngoài
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Dũng, tỉ lệ lây nhiễm bệnh COVID-19 hiện nay trong cộng đồng đang tăng cao. Nếu F0 – nguồn lây bệnh – đi ra khỏi nhà, đến nơi đông người như đi siêu thị, trường học, cuộc họp… thì rất nguy hiểm, làm tăng sự lây nhiễm. Nếu có nhiều người thuộc nhóm nguy cơ bị nhiễm bệnh, sẽ dẫn đến quả tải hệ thống y tế, làm tăng thêm ca tử vong.
“Người dân biết rõ bản thân nhiễm COVID-19 thì phải ý thức mình có nguy cơ lây nhiễm cao cho người khác. Cần phải tuân thủ cách ly, tuyệt đối không ra cộng đồng”, bác sĩ Dũng nhấn mạnh.
Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay hiện TP vẫn còn một số lượng không nhỏ người chưa được tiêm vắc xin như trẻ 5 – 11 tuổi (dự kiến chuẩn bị tiêm) và trẻ từ 0 – 5 tuổi chưa có kế hoạch tiêm. Do vậy nhiệm vụ của người lớn là thực hiện đúng hướng dẫn của ngành y tế để tránh lây nhiễm trong cộng đồng và bảo vệ trẻ và người thuộc nhóm nguy cơ cao.
Hỗ trợ người F0 ra sao?
Trước thực tế nhiều người F0 buộc phải ra ngoài mua thực phẩm, thuốc thang, bác sĩ Nguyễn Thành Dũng gợi ý người bệnh có thể đặt hàng trực tuyến, nhờ sự giúp đỡ của các gia đình xung quanh, người thân, bạn bè.
Về khía cạnh xã hội, bác sĩ Dũng mong muốn các hiệp, hội ở địa phương nên tiếp tục tổ chức các hoạt động hỗ trợ người F0 trong thời gian cách ly tại nhà, giúp người bệnh tuân thủ đúng quy định.
Đối với những gia đình có người F0, khả năng những thành viên còn lại bị nhiễm rất cao, đặc biệt ở những gia đình không có phòng cách ly riêng cho người F0, sử dụng chung nhà vệ sinh, phải tuân thủ đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn; đặc biệt cần chú ý, bảo vệ người già cao tuổi, người mắc bệnh nền, không có suy nghĩ “rồi cũng sẽ nhiễm COVID-19”.
Trong trường hợp cần thiết như người F0 ở một mình không có người chăm sóc, cần đi lấy thuốc, đi khám bệnh… thì báo cho chính quyền địa phương để nhận được sự trợ giúp.
X.MAI – L.ANH
WHO công bố 3 triệu chứng phổ biến hậu COVID-19
Mới đây, tiến sĩ Janet Diaz, trưởng nhóm quản lý lâm sàng tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết 3 triệu chứng hậu COVID-19 thường gặp nhất là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức.
Theo tờ Times of India, có khoảng 200 triệu chứng hậu COVID-19 được ghi nhận từ các bệnh nhân đã từng hoặc đang trong giai đoạn hậu COVID-19. Tiến sĩ Diaz cho biết hậu COVID-19 thường kéo dài 2 tháng nhưng nếu các triệu chứng này biến mất sau một vài tuần hay một tháng thì không được coi là hậu COVID-19.
Trong giai đoạn hậu COVID-19, nhiều người thường cảm thấy mệt mỏi. Tình trạng này thường kéo dài trong nhiều tuần. Các chuyên gia y tế nói mệt mỏi là triệu chứng khá phổ biến ở tất cả bệnh nhân đã bình phục COVID-19.
Tương tự, khó thở hoặc hụt hơi cũng là một triệu chứng thường gặp ở những người từng là F0. COVID-19 cũng ảnh hưởng đến chức năng bình thường của não bộ. Tiến sĩ Diaz nói thuật ngữ phổ biến để chỉ điều này là sương mù não. Người gặp triệu chứng này sẽ khó tập trung hơn, sa sút trí nhớ, khó ngủ, giảm hiệu suất công việc.
Ngoài ra, chuyên gia WHO cho biết một trong những tác động nghiêm trọng và quan trọng nhất của COVID-19 có liên quan đến sức khỏe tim mạch, với các biểu hiện như khó thở và tim đập nhanh. Bà Diaz nhấn mạnh không nên bỏ qua các bài tập sức khỏe tim mạch.
TUẤN ANH
Không được ra khỏi nhà với F0 cách ly tại nhà ở Mỹ, Singapore
Theo bảng cập nhật hướng dẫn cách ly tại nhà của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, người có kết quả dương tính với COVID-19 cần ở nhà ít nhất 5 ngày, và cách ly với những thành viên khác trong gia đình.
Người F0 phải đeo khẩu trang nếu ở gần người thân trong nhà và không được đi ra ngoài. Người F0 hoàn thành cách ly sau 5 ngày nếu không sốt trong 24 giờ và đã cải thiện các triệu chứng, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa tới ngày thứ 10. Ngày 0 là ngày đầu tiên có triệu chứng/xét nghiệm dương tính.
Tại Singapore, ngày 16-2, Chính phủ Singapore thông báo giảm thời gian cách ly tối đa từ 10 xuống 7 ngày đối với người trưởng thành đã tiêm đầy đủ và trẻ dưới 12 tuổi, và vẫn cách ly 14 ngày với người chưa tiêm chủng.
Theo trang web của Chính phủ Singapore, bác sĩ sẽ đánh giá để quyết định điều trị tại nhà hay nhập viện với người nguy cơ cao hoặc bệnh nặng. Người F0 có sức khỏe ổn định sẽ cách ly tại nhà ít nhất 72 giờ. Sau đó, nếu sức khỏe tốt và kết quả xét nghiệm âm tính, họ có thể kết thúc cách ly và nối lại các hoạt động bình thường. Nếu dương tính, họ sẽ tiếp tục cách ly cho đến khi âm tính hoặc hết 7 ngày.
Người F0 tại Singapore phải cách ly trong phòng và không được ra khỏi nhà, song F1 tiếp xúc gần trong thời gian cách ly 7 ngày có thể ra khỏi nhà nếu xét nghiệm âm tính.
TUẤN ANH