24/11/2024

Nguy hiểm khi tự chữa Covid-19

Nguy hiểm khi tự chữa Covid-19

Nhiều người nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo y tế hoặc gọi điện cho bác sĩ để được hướng dẫn, chỉ định điều trị, mà tự uống thuốc theo đơn thuốc truyền miệng và theo toa thuốc trên mạng xã hội… Việc này, bác sĩ khuyến cáo là rất nguy hiểm.

 

 

 

Nhập viện cấp cứu do tự dùng thuốc điều trị Covid-19

Thông tin từ Bệnh viện (BV) Trẻ em Hải Phòng cho biết, vừa qua nơi này tiếp nhận, điều trị một số bệnh nhi bị biến chứng thủng dạ dày nghi do tự dùng thuốc điều trị Covid-19 sai cách. Cụ thể, ngày 22.2 bệnh nhi D. (10 tuổi, ở H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng) được gia đình đưa vào BV trong tình trạng bụng chướng cứng như gỗ, đau khắp ổ bụng. Bác sĩ (BS) xác định bệnh nhi bị thủng dạ dày, phải phẫu thuật nội soi, xử trí song song điều trị Covid-19 cho bé.

Nguy hiểm khi tự chữa Covid-19 - ảnh 1
Những chia sẻ, lan truyền trên mạng xã hội về thuốc điều trị Covid-19  ẢNH CHỤP LẠI TRÊN CÁC HỘI NHÓM F0

Cùng ngày, một bệnh nhi 5 tuổi mắc Covid-19 ở An Biên, Q.Lê Chân, TP.Hải Phòng được đưa vào BV này trong tình trạng nôn sốt, đau bụng. BS xác định bé bị viêm phúc mạc do thủng dạ dày, phải phẫu thuật điều trị.

Nguy hiểm khi tự chữa Covid-19 - ảnh 2
Thuốc Ivermectin được nhiều người dùng ngừa và trị Covid-19, trong khi cơ quan chuyên môn khuyến cáo nguy hiểm nếu dùng bừa bãi  ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Theo BS Nguyễn Minh Hải, Khoa Ngoại tổng hợp, BV Trẻ em Hải Phòng, gia đình 2 bệnh nhi trên cho biết, khi phát hiện bé bị sổ mũi, ho và test nhanh dương tính Covid-19, gia đình tự ra hiệu thuốc mua thuốc cho con uống. BS Hải cho rằng việc 2 bệnh nhi bị biến chứng nói trên rất có thể là do dùng thuốc không đúng cách khi điều trị Covid-19 tại nhà.

Thuốc kháng viêm và kháng đông chỉ được sử dụng ở giai đoạn 2… Chỉ sử dụng sau khi bác sĩ thăm khám, quyết định và được theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế, bởi thuốc kháng đông có thể gây xuất huyết dữ dội, ảnh hưởng đến tính mạng…

TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM

Trường hợp khác là người lớn ở Hải Phòng cũng tự ý dùng thuốc chữa Covid-19 rồi bị biến chứng. Anh N.T (ở Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng) cho hay: “Vợ tôi bị Covid-19 nhẹ, không có triệu chứng nhưng sau khi tự mua một loại thuốc của Trung Quốc về uống đã phải nhập viện cấp cứu vì gặp phải vấn đề về gan do dùng thuốc quá liều”.

Nguy hiểm khi tự chữa Covid-19 - ảnh 3
Ngành y tế khuyến cáo người dân khi mắc Covid-19 thì khai báo y tế để được theo dõi và chỉ định dùng thuốc đúng, không uống theo toa thuốc trên mạng   KHÁNH TRẦN

Theo TS-BS Nguyễn Quang Chính, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Phòng, nhiều F0 không có triệu chứng, không có chỉ định nhưng vẫn sử dụng thuốc kháng vi rút. “Tác dụng phụ của thuốc đã được nhà sản xuất khuyến cáo là nguy cơ gây đột biến dòng tế bào sinh sản, do vậy thuốc Molnupiravir không dùng cho phụ nữ mang thai hoặc nguời có ý định mang thai, sinh con. Lạm dụng Molnupiravir có thể dẫn đến ngộ độc gan, suy gan…”, TS-BS Chính khuyến cáo.

Theo TS-BS Chính, nhiều loại thuốc điều trị Covid-19 có tác dụng phụ nếu dùng bừa bãi, không kiểm soát. Trong đó, có hai loại thuốc chống đông, chống viêm. “Việc sử dụng 2 loại thuốc này đúng thời điểm theo sự chỉ dẫn của cán bộ y tế sẽ mang lại hiệu quả trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, tác dụng phụ của thuốc chống đông là gây chảy máu. Có một số bệnh nhân (BN) khi vào viện, BS không bắt được mạch, tụt huyết áp do sốc mất máu vì tự ý dùng thuốc chống đông máu điều trị Covid-19 tại nhà. Kể cả việc sử dụng kháng sinh chống bội nhiễm, chỉ khi thực sự cần, có nhiễm trùng bội nhiễm, BS mới chỉ định dùng, chứ chúng ta không dùng dự phòng, dùng tràn lan, gây kháng kháng sinh”, ông Chính khuyến cáo.

Loạn cách điều trị lan truyền trên mạng

Trên nhóm “Điều trị F0 tại nhà” trên Facebook với hơn 13.000 thành viên có các bài đăng đơn thuốc cho F0 đang cách ly tại nhà. Cụ thể, hôm qua (15.3) vào nhóm này, chúng tôi thấy tài khoản N.T đăng tải một đơn thuốc kèm nội dung: “Chào mọi người, em mới bị F0 hôm qua. Triệu chứng là sổ mũi, nghẹt mũi và đau họng nhẹ. Em uống thuốc theo toa này được không mọi người”. Kèm theo đó ghi số điện thoại dược sĩ tư vấn. Chúng tôi gọi vào số điện thoại này, một người xưng là dược sĩ C., tư vấn và bán thuốc. Người này cho biết, đơn thuốc này có kháng sinh, kháng viêm, được sử dụng cho người mới nhiễm Covid-19 và có triệu chứng…

Một tài khoản khác có tên “Điều trị F0” cũng đăng tải thông tin với nội dung: “Quan trọng, phác đồ mới thuốc của Nga, các bác sĩ VN phối lại”, kèm theo là các loại thuốc ức chế vi rút, chống đông máu… Liên hệ với chủ tài khoản, chúng tôi được người này hỏi sơ qua triệu chứng bệnh và được tư vấn bán các loại thuốc của Nga, và bảo rằng “tuy giá mắc nhưng trị dứt điểm được bệnh”. Người này chỉ bán theo từng hộp thuốc, không bán lẻ. Một liệu trình gồm 5 ngày hoặc 10 ngày, người bệnh có triệu chứng gì sẽ uống thuốc trị triệu chứng đó. Giá một liệu trình 5 ngày thuốc là gần 1,5 triệu đồng, với cam kết uống 5 ngày là hết dứt điểm (?).

Ngoài ra, nhiều người còn truyền nhau dùng thuốc trị giun (Ivermectin) để dự phòng và điều trị Covid-19 vì cho rằng có hiệu quả. Về việc này, đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cảnh báo có thể gây nguy hiểm. Theo HCDC, hiện không có bằng chứng về hiệu quả của việc sử dụng thuốc này trong điều trị Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo thuốc Ivermectin chỉ được sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng. Mặt khác, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng không cho phép hoặc phê duyệt Ivermectin để sử dụng ngăn ngừa hoặc điều trị Covid-19. FDA cảnh báo dùng quá liều Ivermectin có thể gây hạ huyết áp, co giật, hôn mê, thậm chí tử vong. Theo HCDC, CDC Mỹ cảnh báo nguy hiểm liên quan đến việc sử dụng các sản phẩm có chứa Ivermectin để ngăn ngừa hoặc điều trị Covid-19. Có BN sử dụng thuốc Ivermectin phòng ngừa nhiễm Covid-19 đã bị biến chứng (lú lẫn, buồn ngủ, ảo giác..); có BN tâm thần thay đổi sau khi uống thuốc này không rõ liều lượng…

Hôm qua 15.3, một BS là phó trưởng khoa điều trị tích cực của một BV đầu ngành thuộc Bộ Y tế tại Hà Nội, chia sẻ: “Trong quá trình tư vấn hỗ trợ các BN Covid-19, tôi đã gặp nhiều trường hợp mua thực phẩm chức năng (TPCN) để ngăn ngừa, “điều trị Covid-19” và hậu Covid-19. Trung bình chi phí mua TPCN là một vài triệu đồng nhưng có trường hợp chi đến 11 triệu đồng. Hiện nhiều thông tin quảng cáo, truyền miệng về các sản phẩm thực phẩm “trị Covid-19” và hậu Covid-19 khiến thông tin bị nhiễu. Những chi phí này lãng phí và nhiều sản phẩm không nhất thiết phải sử dụng”.

PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho hay tình trạng quảng cáo sai sự thật, quảng cáo TPCN bảo vệ sức khỏe có tác dụng như thuốc chữa bệnh, gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh; trong thời điểm dịch Covid-19 có rất nhiều sản phẩm được quảng cáo có tác dụng hướng đến ngăn ngừa huyết khối, điều trị về hô hấp (ho, bổ phổi…), tăng cường miễn dịch, nhiều sản phẩm được quảng cáo không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép…

Rất nguy hiểm

Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, có tình trạng BN tự ý mua thuốc điều trị Covid-19 và truyền nhau “toa thuốc hay lắm”! Đa số các toa thuốc này đều liên quan đến nhóm thuốc kháng viêm (corticoid) và thuốc kháng đông, thuốc kháng sinh, kháng vi rút… Rất nhiều người khi chưa có kết quả xét nghiệm dương tính đã lập tức mang toa thuốc ra nhà thuốc mua các thuốc này uống, rất nguy hiểm!

Nguy hiểm khi tự chữa Covid-19 - ảnh 4

Theo TS-BS Vĩnh Châu, trong 3 – 5 ngày đầu nhiễm Covid-19 là giai đoạn cơ thể đề kháng để ngăn chặn sự nhân lên của vi rút. Giai đoạn này thuốc có hiệu quả nhất là thuốc điều trị triệu chứng như hạ sốt (nếu có sốt), nhóm thuốc bồi bổ cơ thể như vitamin…, và thuốc kháng vi rút (Molnupiravir) là thuốc ưu tiên nếu được sử dụng để ngăn chặn sự nhân lên của vi rút trong cơ thể người bệnh, làm nhẹ triệu chứng và ngăn chặn diễn tiến nặng. Trong giai đoạn đầu, tuyệt đối không sử dụng nhóm thuốc kháng viêm vì loại thuốc này làm ức chế phản ứng viêm trong cơ thể, làm giảm hệ thống miễn dịch và giúp cho vi rút phát triển nhanh. Trong 5 ngày đầu mà sử dụng thuốc kháng viêm, lại phối hợp với thuốc kháng vi rút là không đúng, và thuốc kháng vi rút sẽ không hiệu quả, BN có thể diễn tiến nặng hơn, gây biến chứng nguy hiểm. Nhóm thuốc kháng viêm còn gây tác dụng phụ ở người bị loét dạ dày, tá tràng vì nguy cơ xuất huyết tiêu hóa. Với nhóm thuốc kháng đông, trong giai đoạn đầu của bệnh uống cũng không có giá trị gì, vì đây là giai đoạn nhiễm vi rút cấp tính, vi rút đang tăng lên. Cơ thể BN lúc này chưa có rối loạn bất thường nào liên quan đông máu.

“Thuốc kháng viêm và kháng đông chỉ được sử dụng ở giai đoạn 2 (từ ngày 7 trở đi), tức BN có tổn thương do Covid-19 gây ra trong cơ thể, gồm: suy hô hấp và biểu hiện rối loạn đông máu. Và chỉ sử dụng sau khi BS thăm khám, quyết định và được theo dõi chặt chẽ của nhân viên y tế, bởi thuốc kháng đông có thể gây xuất huyết dữ dội, ảnh hưởng đến tính mạng. Từ sau 7 ngày, thuốc kháng vi rút uống không còn hiệu quả vì vi rút đã nhân lên nhiều”, TS-BS Vĩnh Châu khuyến cáo.

TS-BS Vĩnh Châu cho biết thêm, nhóm thuốc được sử dụng nhiều trên các toa thuốc được lan truyền trên mạng xã hội còn là kháng sinh. TS-BS Châu nhấn mạnh, nhiễm Covid-19 là nhiễm vi rút, do đó trong giai đoạn đầu của Covid-19, BN hoàn toàn không bị nhiễm vi trùng, nên việc sử dụng kháng sinh ngay từ đầu là không cần thiết mà còn gây hại: dị ứng, nổi mề đay, ngứa, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa; gây kháng thuốc…

BS Nguyễn Thu Hường, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn (Hà Nội), lưu ý nếu BN ho nhiều, bất kỳ triệu chứng gì cũng cần gặp BS thăm khám và chỉ định, không nên tự ý mua kháng sinh. Vì kháng sinh là con dao hai lưỡi, nếu cơ thể không nhiễm trùng thì kháng sinh không mang lại hiệu quả điều trị, thậm chí gây tổn thương gan, thận, làm bệnh nặng nề hơn trong quá trình hậu Covid-19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại VN mới đây cũng khuyến cáo về kháng sinh liên quan Covid-19. Theo WHO, kháng sinh không chữa hoặc ngăn chặn được vi rút. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng chống lại nhiễm trùng do vi khuẩn (còn Covid-19 do vi rút gây nên).

 

THANH NIÊN

TNO