23/12/2024

Tẩm bổ cho trẻ F0, trẻ vừa khỏi COVID-19 sao cho đúng?

Tẩm bổ cho trẻ F0, trẻ vừa khỏi COVID-19 sao cho đúng?

Hiện nay số trẻ mắc COVID-19 đang tăng cao. Để hạn chế diễn biến nặng, nguy kịch, trẻ cần được theo dõi thường xuyên và bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

 

 

Tẩm bổ cho trẻ F0, trẻ vừa khỏi COVID-19 sao cho đúng? - Ảnh 1.

Một mẩu quảng cáo đông trùng hạ thảo cho trẻ F0 trên mạng – Ảnh: THU HIẾN chụp lại

Tuy nhiên nhiều phụ huynh đã ngộ nhận trong chăm sóc dinh dưỡng cho con, cứ nghĩ “đồ đắt tiền là đồ tốt”, sẵn sàng bỏ tiền triệu mua tổ yến, sâm, đông trùng hạ thảo… về tẩm bổ cho con.

Theo TS.BS Trương Thị Ngọc Lan – phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM – khi trẻ đang mắc COVID-19, không nên tẩm bổ bằng đông trùng hạ thảo và sâm, chỉ dùng những bài thuốc đông y có công dụng giải cảm.

Ngay cả khi trẻ đã khỏi COVID, cha mẹ cũng không nên dùng đông trùng hạ thảo và sâm vì có thể khiến trẻ dễ bị chảy máu cam.

Bà giải thích: theo y học cổ truyền, cơ thể trẻ em có tính nhiệt nhiều hơn so với hàn, người rất nóng, trong khi sâm và đông trùng hạ thảo đều là những bài thuốc nóng nên không phù hợp để tẩm bổ cho trẻ.

Cũng theo TS Lan, sau khi trẻ khỏi COVID-19, có thể tẩm bổ bằng bài thuốc đông y, song phải có bác sĩ bắt mạch, kê toa, cho thuốc. Nếu dùng sai thuốc, sai cách, trẻ sẽ thêm nóng, người bứt rứt, khó ngủ, khó tập trung.

TS.BS Nguyễn Thị Thu Hậu – trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2 – cho biết đa số trẻ mắc COVID-19 đều ở thể nhẹ, nên chăm sóc trẻ như thế nào để trẻ không mệt mỏi và mau phục hồi là điều rất cần thiết. Việc tăng cường miễn dịch, sức khỏe cho trẻ sẽ giúp trẻ mau phục hồi và chống lại dấu hiệu kéo dài của hậu COVID-19 về sau. Theo đó, phụ huynh nên chọn chế độ ăn đầy đủ chất, mềm và dễ tiêu hóa hơn.

“Chế độ dinh dưỡng cần đầy đủ chất dinh dưỡng với 8 nhóm thực phẩm gồm nhóm tinh bột, nhóm sữa và chế phẩm sữa, nhóm dầu mỡ, nhóm rau củ, nhóm thịt cá, nhóm trứng, nhóm các loại hạt, nhóm rau củ màu vàng – xanh thẫm; cung cấp đầy đủ các vi chất, đảm bảo dinh dưỡng để giúp cho hệ miễn dịch của trẻ tốt hơn và mau khỏi bệnh. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên hạn chế cho trẻ ăn đồ ngọt, tránh uống nước ngọt công nghiệp làm tăng phản ứng viêm, làm cơ thể mệt mỏi”, TS Thu Hậu khuyến nghị.

TS Hậu cũng chia sẻ thêm: trẻ mắc COVID-19 đa phần là mắc biến chủng Omicron. Biến chủng này nằm ở đường hô hấp trên nên phụ huynh cần cung cấp đủ nước cho trẻ để tống đàm ra, giúp hệ hô hấp thông thoáng hơn.

Hiện nay trong mùa dịch, rất nhiều sản phẩm được quảng cáo sẽ giúp nhanh phục hồi bệnh, thậm chí diệt COVID-19. Song đến nay chưa có bất kỳ sản phẩm nào có thể diệt được COVID-19, chỉ có thể dùng chế độ dinh dưỡng để tăng sức đề kháng, có lợi cho hệ miễn dịch để trẻ chống lại bệnh.

“Nhiều phụ huynh không ngần ngại bỏ ra khoản tiền lớn để mua tổ yến bồi bổ cho con, tuy nhiên tổ yến mang giá trị về mặt tinh thần, tâm lý nhiều hơn, bởi qua phân tích, trong thành phần của tổ yến có chứa các axit amin thiết yếu và chất xơ nhưng hàm lượng ít. Còn cảm giác khỏe hơn khi ăn tổ yến là do khi nấu tổ yến, người ta thường cho thêm đường phèn, cơ thể đang mệt mỏi khi ăn đường phèn vào cảm thấy khỏe hơn”, bà giải thích.

Theo Hướng dẫn theo dõi và chăm sóc trẻ em mắc COVID-19 tại nhà của Bộ Y tế, cha mẹ cần theo dõi tình trạng dinh dưỡng của trẻ để xác định xem trẻ có khả năng bị suy dinh dưỡng cấp hay không:

– Theo dõi cân nặng định kỳ cho trẻ, nếu có thể được 3-5 ngày/lần. Nếu trẻ sụt cân từ 1-2%/1 tuần cần thông báo ngay cho nhân viên y tế để được hướng dẫn thích hợp.

– Đánh giá biểu hiện đường tiêu hóa hằng ngày của trẻ như: chán ăn, tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng bởi chúng sẽ làm suy giảm lượng thức ăn và giảm hấp thụ.

– Theo dõi lượng thức ăn trẻ ăn vào trong ngày. Nếu lượng thức ăn trẻ ăn vào dưới 70% nhu cầu bình thường so với tuổi, cần được tư vấn cụ thể bởi nhân viên y tế.

THU HIẾN
TTO