28/12/2024

Cả nhà F0, người âm tính trước có cần cách ly với những người còn lại?

Cả nhà F0, người âm tính trước có cần cách ly với những người còn lại?

Hiện nay nhiều người trong cùng một gia đình đều nhiễm COVID-19 và cùng điều trị tại nhà. Vậy F0 âm tính trước có cần phải cách ly với các F0 còn lại?

 

 

Cả nhà F0, người âm tính trước có cần cách ly với những người còn lại? - Ảnh 1.

Nhiều gia đình F0 cách ly y tế tại nhà ở Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Gia đình chị Nguyễn Thị Hiền (Hà Nội) có 4 người thì cả 4 đều dương tính với COVID-19, trong đó chị Hiền phát triệu chứng đầu tiên. Chị băn khoăn không biết nếu mình âm tính trước thì có cần phải cách ly với 3 F0 còn lại không, nhất là với 2 con nhỏ cần mẹ chăm sóc?

Cũng như chị Hiền, nhà anh Lương Hải (Vĩnh Long) cũng có 5 người đều mắc COVID-19. Hiện vợ anh đã có kết quả âm tính, anh muốn chị chuyển qua nhà em gái ở để cách ly với 4 cha con để an toàn, nhưng chị không chịu vì “đã có kháng thể rồi”, mặt khác chị muốn ở lại lo cơm nước cho chồng và các con…

Chia sẻ về vấn đề này, một bác sĩ khoa kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Hà Nội cho biết, việc cách ly F0 âm tính trước là cần thiết trong một số trường hợp nhất định.

“Nếu trong gia đình có người cao tuổi (trên 65 tuổi), trẻ em, người có bệnh lý nền hoặc chưa tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 thì chúng ta vẫn nên giữ khoảng cách, thực hiện một số biện pháp phòng tránh. Tuy nhiên việc cách ly không cần nghiêm ngặt như đối với gia đình chỉ có 1 người nhiễm bệnh. Có thể không ăn cơm chung nhưng vẫn sinh hoạt chung và phải tuân thủ 5K: giữ khoảng cách, sát khuẩn, đeo khẩu trang…”.

Vị này thông tin thêm: “Hiện nay nhiều người chủ quan cho rằng sau khi nhiễm COVID-19 cơ thể sẽ sinh ra kháng thể, sẽ không tái nhiễm. Song hiện nay COVID-19 có nhiều biến chủng, người nhiễm biến chủng Delta vẫn có thể nhiễm Omicron trong thời gian ngắn. Trong khi đó, không thể khẳng định người trong cùng một gia đình đều nhiễm một biến chủng COVID-19. Bởi vậy, khi đã âm tính thì vẫn cần cẩn trọng, tuân thủ các khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, không nên chủ quan”.

Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn (Học viện Quân y 103) cho biết trong gia đình đều nhiễm COVID-19, có thể người nhiễm trước sẽ âm tính trước. Đối với những F0 âm tính trước, chúng ta nên thực hiện theo khuyến cáo của Bộ Y tế đảm bảo giãn cách để tránh tái nhiễm. Đặc biệt, trường hợp người vừa nhiễm COVID-19 sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn, nên khả năng mắc các biến chủng mới có thể xảy ra.

“Về mặt tâm lý và tình cảm, chúng ta cũng không cần cách ly tuyệt đối như việc gia đình 1 người bị nhiễm, có thể sinh hoạt chung nhưng đảm bảo thực hiện 5K”, bác sĩ Tuấn lưu ý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ThS Bùi Vũ Bình – trưởng khoa nhiễm khuẩn Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – cho biết từ khoảng giữa tháng 2 đến nay, số ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng của biến chủng Omicron khá phổ biến, trong khi trước đó là biến chủng Delta.

“Nếu trước đây người mắc biến chủng Delta rất khó tái nhiễm thì hiện nay nhiều nghiên cứu cho thấy sau khi mắc Delta, người bệnh có thể nhiễm tiếp chủng Omicron. Bởi vậy, nếu trong cùng một gia đình, những người đã mắc COVID-19 trong khoảng thời gian trước tháng 2 rất có thể tái nhiễm.

Trong trường hợp này, người đã khỏi COVID-19 nên tuân thủ các khuyến cáo phòng, chống dịch. Tốt nhất nên cách ly với các F0 mới nhiễm trong nhà”, ông Bình nhấn mạnh.

Đối với trường hợp cả gia đình mắc COVID-19 chỉ cách nhau vài ngày, theo ông Bình, tỉ lệ mắc chung một biến chủng là rất lớn, có thể không lây nhiễm. “Tại một số nước khuyến cáo, người bị nhiễm rồi và khỏi bệnh (nhất là khi vừa khỏi với biến chủng đang lưu hành phổ biến) thì không  bắt buộc phải phòng hộ nghiêm ngặt khi chăm sóc F0.

Tuy nhiên, tại nước ta, khi chưa có những khuyến cáo đầy đủ về biến chủng đang lưu hành phổ biến, số liệu cụ thể thì chúng ta cũng không nên chủ quan, vẫn nên thực hiện 5K khi chăm sóc F0”, ông Bình cho hay.

DƯƠNG LIỄU
TTO