25/12/2024

Mãn kinh sớm liên quan đến sa sút trí tuệ

Mãn kinh sớm liên quan đến sa sút trí tuệ

Một nghiên cứu sơ bộ mới đây cho hay phụ nữ mãn kinh trước 40 tuổi có nguy cơ phát triển chứng sa sút trí tuệ cao hơn 35%.

 

 

Nghiên cứu vừa được trình bày tại hội nghị thường niên 2022 của Hiệp hội tim mạch Mỹ diễn ra từ ngày 1 – 4.3.

Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu sức khỏe của hơn 150.000 phụ nữ ở độ tuổi 60 thuộc cơ sở dữ liệu y sinh UK Biobank tại Anh. Những phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ được xem xét thời điểm bắt đầu mãn kinh trước khi điều chỉnh các yếu tố nguy cơ khác của sa sút trí tuệ.

Mãn kinh sớm liên quan đến sa sút trí tuệ - ảnh 1

Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra phụ nữ mãn kinh trước 45 tuổi có nguy cơ được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ trước 65 tuổi cao hơn 1,3 lần. Tình trạng này được gọi là chứng sa sút trí tuệ khởi phát sớm. Còn ở những phụ nữ bắt đầu mãn kinh từ tuổi 52, tỷ lệ sa sút trí tuệ tương đương với dân số chung.

“Phụ nữ bước vào thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen giảm mạnh. Việc thiếu hụt estrogen trong thời gian dài sẽ làm tăng căng thẳng ô xy hóa, có thể làm tăng quá trình lão hóa não và dẫn đến suy giảm nhận thức”, tiến sĩ Wenting Hao, Đại học Sơn Đông (Trung Quốc), tác giả của nghiên cứu, nhận định, theo CNN.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, tuổi mãn kinh thường thấy là 52; mãn kinh trước 45 tuổi được xem là mãn kinh sớm. Các yếu tố có thể dẫn đến mãn kinh sớm bao gồm: tiền sử gia đình; rối loạn tự miễn dịch; HIV/AIDS; hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu cho bệnh ung thư; phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng và tử cung; hút thuốc.

Theo tiến sĩ Hao, phụ nữ mãn kinh sớm có thể ngăn ngừa chứng sa sút trí tuệ bằng cách thường xuyên tập thể dục (ảnh), tham gia các hoạt động giải trí và giáo dục, không hút thuốc, không uống rượu và duy trì cân nặng hợp lý.

TẤN NGỌC

TNO