25/12/2024

Đến lúc bỏ đếm số ca bệnh và xem Covid-19 là bệnh đặc hữu?

Đến lúc bỏ đếm số ca bệnh và xem Covid-19 là bệnh đặc hữu?

Dịch bệnh Covid-19 đang gia tăng nhanh chóng với chủng gây bệnh chiếm ưu thế là Omicron.

 

 

Theo các chuyên gia nhận định, số ca được báo cáo hằng ngày của ngành y tế chỉ là bề nổi của tảng băng, bởi còn rất nhiều ca bệnh không báo cáo và phía trước chưa biết chủng vi rút nào sẽ xuất hiện, và còn bao nhiêu đợt dịch nữa.

Như vậy, việc xem Covid-19 là bệnh đặc hữu (hiểu nôm na là bệnh lưu hành thông thường) và bỏ đếm số ca bệnh cần cân nhắc thấu đáo trên nhiều yếu tố.

Đến nay dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên phạm vi cả nước. Tất cả các địa phương đều đã chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ.

Tuy vậy, số mắc mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành trong tháng qua (với khoảng 50.000 – 75.000 ca mỗi ngày, ngày cao nhất là hơn 142.000 ca). Số trường hợp mắc tăng nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm vắc xin, nhất là nhóm dưới 12 tuổi (tháng 1 là 18,4% và tháng 2 là 24,3%). Số trường hợp nặng, nguy kịch bắt đầu có sự gia tăng 37,6% so với tháng trước. Số trường hợp tử vong trên dưới 100 ca mỗi ngày, hiện vẫn trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế.

Đến lúc bỏ đếm số ca bệnh và xem Covid-19 là bệnh đặc hữu? - ảnh 1
 Các địa phương vẫn thực hiện xét nghiệm, đánh giá các yếu tố liên quan để công bố dịch ĐẬU TIẾN ĐẠT

Số ca nhiễm Covid-19 chưa phản ánh đúng bản chất dịch

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường đại học Y Dược TP.HCM), nếu không phiền hà gì thì vẫn phải đếm số ca như hiện nay. Việc đếm số ca rất quan trọng vì nó là cơ sở dữ liệu cho phòng chống dịch, xử lý những tình huống kịp thời khi có sự xuất hiện biến chủng mới hoặc tình huống đặc biệt. Còn nếu thấy việc đếm số ca nặng nề quá thì bỏ. Nhưng về nguyên tắc dịch tễ học, các nước có hướng dẫn để bình thường mới, như Mỹ, họ yêu cầu đầu tiên là giám sát chặt chẽ dịch tễ.

“Nếu không công bố số ca là chưa phù hợp lắm. Tư duy che giấu ca bệnh với người dân là không đúng. Phải cho dân biết để dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Khi người dân không biết số ca bệnh và đột nhiên nhà nước có quy định hạn chế sinh hoạt của người dân, tăng giờ giới nghiêm thì sẽ dẫn đến sự phản ứng. Để cho dân biết, để dân đồng thuận và làm, nếu dân không biết thì sẽ không đồng thuận và không làm”, PGS-TS Đỗ Văn Dũng phân tích.

Ai cần tiêm vắc xin Covid-19 mũi 4?

Theo PGS-TS Đỗ Văn Dũng, tiêm mũi 3 là đủ, bởi đa số các quốc gia khác cũng vậy (trừ khi có thông tin gì mới thì sẽ có phương án phù hợp). Các nước cũng không tiêm mũi 4 đại trà cho người dân, chỉ tiêm mũi 4 cho nhóm người có nguy cơ cao. Thay vì bỏ kinh phí mua vắc xin tiêm mũi 4 (mũi 4 chỉ tiêm cho người nhóm nguy cơ – PV), thì để kinh phí đó lo xây dựng hệ thống y tế, hệ thống giám sát dịch tễ, giám sát biến chủng mới sẽ quan trọng hơn.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, nguyên Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, một số nước tiên tiến họ vẫn đếm số ca mỗi ngày để biết rõ tình trạng dịch tễ, nếu không đếm thì chứng tỏ là bất lực. Muốn bỏ đếm số ca thì Bộ Y tế phải lý giải và có chứng cứ khoa học để tham mưu cho Thủ tướng.

Trong khi đó, Bộ Y tế cũng đã đề xuất lên Thủ tướng, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cho phép tạm dừng việc thông báo số ca nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày. Mặc dù chưa thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành thông thường, nhưng Bộ Y tế đã có các đề xuất mới nhất “cởi mở” hơn trong ứng phó với dịch bệnh này.

Về lý do đưa ra đề xuất này, Bộ Y tế thông tin: “Tạm dừng việc thông báo số nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá tình hình cấp độ dịch mà chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh”. Theo đó, các địa phương sẽ chủ động đánh giá về mức độ dịch.

Lý giải về việc không thông tin ca mắc mới hằng ngày, một chuyên gia về y tế dự phòng giải thích: “Không thông tin về số ca mắc hằng ngày không có nghĩa là dừng xét nghiệm, vì đây vẫn là chỉ số cần thiết. Bộ Y tế thôi không thông báo ca mắc, nhưng mỗi địa phương vẫn duy trì việc xét nghiệm, thu thập số liệu, cùng với các yếu tố khác như: số ca nặng, khả năng đáp ứng dịch; bao phủ vắc xin… để đánh giá cấp độ dịch. Thay vì chỉ thông báo ca mắc mới, các địa phương có trách nhiệm công bố cấp độ dịch, để đảm bảo phản ánh đầy đủ về diễn biến dịch”.

Giai đoạn chuyển tiếp từ đại dịch sang lưu hành

Trước một số ý kiến cho rằng cần coi Covid-19 là “bệnh đặc hữu”, bệnh lưu hành thông thường như các bệnh lý chuyên khoa truyền nhiễm khác, Bộ Y tế đã có báo cáo lên Thủ tướng về vấn đề này.

Bộ Y tế cho biết được coi là “bệnh lưu hành” khi có một số tiêu chí cụ thể như: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.

Trong khi đó, với Covid-19, đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn coi bệnh dịch này trong tình trạng đại dịch và quan ngại tiếp tục có các biến thể không lường trước được của vi rút SARS-CoV-2. Nhiều nước trên thế giới vẫn có diễn biến dịch bệnh phức tạp, cần tiếp tục duy trì các hoạt động đáp ứng với đại dịch ở mức cao.

Ở VN, tuy tỷ lệ ca nặng, tử vong do Covid-19 đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hằng ngày vẫn ở mức cao, trên dưới

100 ca mỗi ngày. Con số tử vong do Covid-19 hiện vẫn cao hơn cả số tử vong cao điểm hằng năm do bệnh dại hoặc sốt xuất huyết, sởi (là những bệnh lưu hành có số tử vong cao hàng đầu trong các bệnh truyền nhiễm tại VN). Hiện các chuyên gia và các quốc gia vẫn đang thảo luận và đề xuất coi bệnh Covid-19 là bệnh lưu hành.

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cục này cũng đã trao đổi với các chuyên gia trong nước, các chuyên gia của WHO, Trung tâm dự phòng và kiểm soát bệnh tật Mỹ (USCDC) về nhận định đối với bệnh Covid-19 tại VN. Các đánh giá mới nhất cho rằng, tại VN, vi rút SARS-CoV-2 đã ghi nhận ở tất cả các tỉnh, thành trên cả nước và số trường hợp nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cũng đã được báo cáo ghi nhận tại tất cả các tỉnh, thành; tuy vậy dịch bệnh Covid-19 tại VN vẫn đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh lưu hành”.

Trên cơ sở đó, Bộ Y tế cho rằng trong thời gian này, VN chưa nên coi dịch bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành”. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với WHO cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19 cũng như cập nhật sự biến đổi của vi rút SARS-CoV-2 để có thể tham mưu cho Thủ tướng quyết định coi bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành” khi thời điểm thích hợp.

Đề xuất không cách ly người nhập cảnh

Để đảm bảo nguồn nhân lực trong bối cảnh ca nhiễm (F0) tăng cao, theo kiến nghị mới nhất của Bộ Y tế, F0 và F1 đủ điều kiện sẽ vẫn đi làm. Trong đó, các ca F0 không triệu chứng, tự nguyện tham gia làm việc; các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh…

Đáng lưu ý, Bộ Y tế đề xuất không cách ly người nhập cảnh khi đủ điều kiện. Theo đó, người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính thì được rời khỏi nơi lưu trú nhưng phải thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K và các biện pháp phòng chống dịch khác của địa phương. Nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì phải báo cáo ngay cho cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn xử lý kịp thời theo quy định. Trẻ dưới 2 tuổi không bắt buộc phải xét nghiệm SARS-CoV-2, chưa được tiêm hoặc chưa từng bị nhiễm SARS-CoV-2 đều được tham gia các hoạt động ở ngoài nơi lưu trú cùng bố, mẹ, người thân.

LIÊN CHÂU – DUY TÍNH

TNO