23/11/2024

Sàn giao dịch nội dung có giúp giảm nạn ăn cắp bản quyền?

Sàn giao dịch nội dung có giúp giảm nạn ăn cắp bản quyền?

Việt Nam đã có sàn giao dịch bất động sản, chứng khoán, sàn giao dịch bản quyền sách… Và mới đây, sàn giao dịch nội dung có bản quyền đầu tiên ra đời.

 

 

Sàn giao dịch nội dung có giúp giảm nạn ăn cắp bản quyền? - Ảnh 1.

Trang mua bán nội dung của sàn giao dịch Content.E – Ảnh chụp màn hình

Ngày 27-2, tại TP.HCM diễn ra buổi workshop nói về những bất cập của các nhà làm sản xuất trong vấn đề sáng tạo nội dung, đồng thời ra mắt Content.E – sàn giao dịch nội dung có bản quyền đầu tiên tại Việt Nam.

Ăn cắp trắng trợn bản quyền nội dung

Bà Nguyễn Thị Cẩm Vân – phó giám đốc Công ty cổ phần Fafilm, đơn vị phân phối và phát hành các nội dung giải trí, phim truyền hình và điện ảnh trong và ngoài nước – nhìn nhận việc bỏ vốn ra để sản xuất một bộ phim, chương trình hoặc việc mua bản quyền phim nước ngoài, một tập phim cũng phải tốn từ 3.000 – 4.000 USD, thậm chí 7.000 – 8.000 USD.

Với kinh phí lớn như vậy, việc sản xuất và phân phối một nội dung có chất và lượng là điều không đơn giản. Nhiều khi một bộ phim có bản quyền vừa mới phát đã thấy xuất hiện trên một trang lậu…

Đó là chưa kể đến việc một tác giả nghĩ ra format chương trình hay viết kịch bản phim đem chào hàng cho một số đơn vị; sản phẩm bị từ chối mua nhưng một thời gian sau thấy xuất hiện sản phẩm na ná…

Bản quyền nội dung bị ăn cắp trắng trợn nhưng nhiều người cũng đành nuốt đắng cay vào lòng vì không biết phải làm sao.

Ngoài ra, một chương trình hay bộ phim truyền hình, điện ảnh sản xuất phát sóng 1 đến 2 lần rồi cất kho rất lãng phí.

Trong khi đó, không ít nhà đài, đơn vị, cá nhân muốn tìm kiếm nội dung phát cho kênh của mình thêm phong phú nhưng việc tìm hiểu, mua bán sản phẩm mất không ít thời gian.

Bởi lâu nay, đơn vị muốn mua sản phẩm phải tìm đến đơn vị sản xuất hoặc các công ty có bản quyền sản phẩm đó để đặt vấn đề; đơn vị muốn bán thì đi chào hàng những nơi có nhu cầu.

Nhiều ý tưởng được chào bán

Theo bà Cẩm Vân, thị trường mua bán trao đổi nội dung vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ, bởi chưa có một sân chơi chung nào cho các nhà sản xuất và phân phối nội dung để việc trao đổi, mua bán có thể diễn ra nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả.

Mới đây, Content.E ra đời phần nào đáp ứng được vấn đề này, giúp các bên tìm kiếm nguồn mua, bán tác phẩm có bản quyền; giúp kết nối nhà sản xuất với người mua, bán nội dung và việc mua bán tiết kiệm được thời gian.

Qua Content.E, nhà sáng tạo nội dung trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng có thể chia sẻ ý tưởng, format lên nền tảng website để thu hút nhà đầu tư, tìm cơ hội cho “đứa con tinh thần” của mình đi vào sản xuất, hoạt động.

Hiện website của Content.E giới thiệu khoảng 8 ý tưởng format gameshow (dự kiến giá chào bán 10 triệu đồng/tập) và 16 kịch bản phim truyền hình (15 triệu đồng/tập).

Câu hỏi đặt ra liệu sàn giao dịch nội dung bản quyền có thể ngăn chặn được vấn nạn ăn cắp bản quyền tồn tại bao năm qua? Bà Minh Hương – giám đốc đơn vị cho ra đời Content.E – cho biết: “Chúng tôi có đội ngũ có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Và điều quan trọng là việc giao dịch sẽ nhanh chóng, chính xác hơn, đảm bảo an toàn, minh bạch”.

Làm thế nào sàn giao dịch nội dung có bản quyền phát huy được công năng của mình? Đại diện Conten.E nói: “Trong giai đoạn đầu chúng tôi còn chú trong đến kỹ thuật, sắp tới sẽ tập trung nội dung nhiều hơn. Chúng tôi đang hợp tác với các đối tác nước ngoài để sàn giao dịch mở rộng ra thị trường quốc tế, tạo nên kho nội dung phong phú, đa dạng có bản quyền”.

Đảm bảo yếu tố bảo mật

Giải pháp nào để bảo hộ bản quyền trên sàn giao dịch? Bà Minh Hương cho biết: “Thật sự sàn giao dịch trên nền tảng số không giải quyết hết các vấn đề mà giúp hai bên kết nối nhanh chóng, minh bạch.

Chúng tôi đã mất 2 năm nghiên cứu sàn giao dịch này đảm bảo yếu tố bảo mật. Các kịch bản, format được chào bán trên sàn giao dịch chỉ mới là ý tưởng. Nếu thống nhất mua bán, hai bên sẽ cùng nhau bàn bạc để phát triển nội dung.

Trong sàn giao dịch, các dữ liệu truy cập đều được ghi lại. Những người nào sử dụng đều ghi lại, nếu ai sử dụng nguyên xi đều phát hiện được”.

HOÀNG LÊ
TTO