Cần chính sách mới cho sinh viên vay vốn
Cần chính sách mới cho sinh viên vay vốn
Trong bối cảnh các trường đại học đang ngày càng tự chủ và học phí tăng theo lộ trình, Nhà nước cần có những chính sách mới để sinh viên thuận lợi hơn trong việc vay tiền ăn học.
Đó là ý kiến của PGS.TS NGUYỄN ĐÌNH TỨ, giám đốc Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM. Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Tứ cho rằng quỹ tín dụng sinh viên hiện có những bất cập và hạn chế.
Lãi suất hiện nay không phù hợp
* Với mức 6,6%/năm, lãi suất cho vay tín dụng sinh viên đang cao hơn khoảng 1% so với mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại nhà nước. Rõ ràng có sự bất hợp lý trong việc áp dụng lãi suất ưu đãi với tín dụng sinh viên?
– Theo tôi, lãi suất như vậy hoàn toàn không phù hợp với đối tượng là sinh viên vay để phục vụ việc học tập. Từ năm 1998 đến nay, quy định về tín dụng sinh viên dù đã được sửa đổi nhiều lần nhưng chính sách này vẫn có nhiều hạn chế về đối tượng được vay, mức vay khá thấp, thời hạn vay ngắn, thủ tục và phương thức vay còn phức tạp.
* Theo tìm hiểu của ông, quỹ tín dụng sinh viên ở các nước hiện nay có khác biệt gì so với VN? Các nước có ưu điểm gì về tín dụng sinh viên và chúng ta nên áp dụng hay không?
– Tín dụng sinh viên là một chính sách quan trọng trong chính sách tài chính giáo dục đại học. Ngay cả đối với sinh viên trường công lập thì tín dụng sinh viên được xem là một giải pháp quan trọng nhằm giúp duy trì sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học của sinh viên nghèo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu như các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ, việc sinh viên vay để học tập là phổ biến, thủ tục đơn giản, lãi suất rất thấp hoặc gần như bằng 0. Riêng tại Đài Loan (Trung Quốc), tín dụng sinh viên đã phổ biến cho toàn thể sinh viên và không phân biệt sinh viên khó khăn hay không. Nhà nước giao việc này cho các ngân hàng thương mại triển khai, miễn là sinh viên là được phép vay ưu đãi. Ngân hàng có trách nhiệm cho sinh viên vay và báo cáo số lượng sinh viên và số tiền vay mỗi năm cho Nhà nước để nhận những hỗ trợ ngược lại từ phía Nhà nước.
Sinh viên sau khi tốt nghiệp đi làm sẽ có trách nhiệm trả dần khoản vay cho ngân hàng. Nếu như sinh viên không chịu trả nợ thì sinh viên đó cả đời sẽ không thể liên hệ với hệ thống ngân hàng được nữa. Họ có chính sách liên ngân hàng để tra cứu những sinh viên không chịu trả khoản nợ này. Nếu như chẳng may sinh viên đó bị tai nạn mất hoặc không có khả năng trả nợ thì Nhà nước sẽ đền bù phần vay này cho ngân hàng.
Tôi cho rằng ở VN, với sự phát triển của công nghệ thông tin mà đặc biệt là việc đang triển khai căn cước điện tử gắn chíp, mã định danh công dân, tôi nghĩ chúng ta có thể học tập mô hình như Đài Loan.
Chia làm hai giai đoạn
* Theo ông, các quỹ tín dụng sinh viên có nên mở rộng đối tượng sinh viên được vay tiền đi học, không chỉ giải quyết cho sinh viên nghèo mà tất cả sinh viên có nhu cầu đều được vay?
– Tôi cho rằng với điều kiện VN, chúng ta có thể chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai cho sinh viên khó khăn, khi quỹ tín dụng đủ lớn thì phát triển giai đoạn 2 cho tất cả sinh viên có nhu cầu vay tiền đi học.
* Thực tế, việc thu hồi nợ vay của chương trình tín dụng sinh viên có rủi ro. Làm sao để đảm bảo việc thu hồi vốn cho vay, tránh tình trạng vỡ quỹ?
– Theo tôi, đại đa số sinh viên sẽ biết ơn việc mình được vay và có trách nhiệm hoàn trả số tiền này. Thêm vào đó vì việc vay này được triển khai qua hệ thống ngân hàng nên tính chất liên ngân hàng về các khoản nợ xấu sẽ được các ngân hàng nhắc nhở và yêu cầu sinh viên đó trả nợ với nơi đã giúp đỡ mình ăn học.
Riêng tại ĐH Quốc gia TP.HCM, do hạn chế về số kinh phí và cần cố gắng bảo tồn nguồn quỹ này nên tạm thời chúng tôi đặt ra yêu cầu về học lực trên 6.0 và hạnh kiểm khá để đảm bảo yếu tố có việc làm của sinh viên khi ra trường. Việc cho vay cũng thông qua ngân hàng nên việc thu hồi nợ sẽ có nghiệp vụ ngân hàng hỗ trợ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có điều khoản là sau thời gian phải trả nợ nếu sinh viên đó không thực hiện trách nhiệm thì chúng tôi sẽ đưa lên danh sách công khai tại website của Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM.
Thực ra chúng tôi không mong muốn có danh sách này, nhưng tạm thời chúng tôi buộc phải làm vậy vì các bạn sinh viên khó khăn các khóa sau cũng cần được vay. Chúng tôi mong rằng Nhà nước sẽ sớm có sự quan tâm và triển khai như mô hình mà Đài Loan đang làm.
Cho vay lãi suất 0%
* Hiện nay, Quỹ phát triển ĐH Quốc gia TP.HCM đang có chương trình cho sinh viên vay vốn không lãi suất để học tập. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả mô hình này và có thể mở rộng cho các trường trên cả nước?
– Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, từ chủ trương của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với việc ông vận động một doanh nghiệp gửi 3 triệu USD vào một ngân hàng ở VN trong thời gian 4 năm để lấy lãi suất mỗi năm 5 tỉ đồng triển khai chương trình hỗ trợ sinh viên vay vốn để học tập.
Chúng tôi đã làm việc với ngân hàng và từng bước thuyết phục ngân hàng để họ gia hạn thời gian và số tiền cho vay vì bản thân ngân hàng ban đầu cũng có những ràng buộc nhất định.
Hiện chúng tôi đang triển khai chương trình cho sinh viên khó khăn vay ưu đãi với lãi suất 0% bằng cách dùng số tiền trên gửi vào ngân hàng bảo lãnh cho sinh viên vay và dùng phần lãi suất do gửi tiền để trả lãi suất thay cho sinh viên. Dù chúng tôi có vận động thêm được một ít từ các doanh nghiệp khác nhưng tổng số tiền này vẫn khá khiêm tốn so với lượng sinh viên có nhu cầu vay.
Sắp tới, chúng tôi đang có phương án thuyết phục một số doanh nghiệp thông qua ngân hàng cho sinh viên vay với lãi suất thấp (khoảng 1 – 2%/năm) và vận động một số doanh nghiệp khác tài trợ phần lãi suất này, đồng thời mở rộng hình thức mỗi doanh nghiệp tùy theo quy mô có thể đảm nhận cho vài chục hay vài trăm sinh viên vay.