23/12/2024

Ca mắc tăng liên tục, các tỉnh thành dịch nóng nhất tăng cường biện pháp đối phó

Ca mắc tăng liên tục, các tỉnh thành dịch nóng nhất tăng cường biện pháp đối phó

Để tránh tình trạng quá tải cho bệnh viện dã chiến, TP Đà Nẵng đã yêu cầu các cơ sở y tế phải tham gia nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng hoặc gửi nhân lực cho bệnh viện dã chiến. Dịch tại Đà Nẵng, Hà Nội, Quảng Ninh… đang rất nóng.

 

 

Ca mắc tăng liên tục, các tỉnh thành dịch nóng nhất tăng cường biện pháp đối phó - Ảnh 1.

Người dân Đà Nẵng đi mua que test nhanh COVID-19. TP Đà Nẵng khuyến khích người dân tự lấy mẫu để xác nhận F0 dưới sự giám sát của nhân viên y tế – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

 

Tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội đang diễn biến nóng nhất từ trước đến nay, số ca COVID-19 ngày sau luôn cao hơn ngày trước. Tối 28-2, Sở Y tế Hà Nội công bố TP có gần 13.000 ca COVID-19 ghi nhận trong vòng 24 giờ, cao nhất từ trước đến nay.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên trong vòng chưa đầy 1 tuần, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành liên tiếp 2 công điện hỏa tốc về phòng chống dịch COVID-19.

“Quản lý nhóm nguy cơ (người bệnh nền có nguy cơ cao, người từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vắc xin) và tiếp tục rà soát, trẻ em trong độ tuổi 12 – 17 cùng nhóm trẻ em chưa được tiêm phòng COVID-19 trên địa bàn”, công điện số 2 nêu biện pháp của Hà Nội.

Hà Nội: Số mắc mới sẽ tiếp tục tăng

Cách đây 2 ngày, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến với các địa phương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại thủ đô.

Tại cuộc họp, bà Trần Thị Nhị Hà – giám đốc Sở Y tế Hà Nội – cho rằng với dự báo số ca COVID-19 tiếp tục tăng, cần có sự điều tiết từ TP đến các địa phương, cũng như sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị nhằm hỗ trợ công tác điều trị cho F0 thể nặng (khoảng 5%), đặc biệt là các bệnh nhi.

“Cùng với thực hiện nghiêm thông điệp “5K”, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân không tự ý xét nghiệm hoặc xét nghiệm tràn lan, tránh lãng phí không cần thiết”, bà Hà lưu ý.

Ông Chu Ngọc Anh cho biết hiện chưa có kết quả giải trình tự gene, nhưng tốc độ lây lan rất nhanh, dự báo chủng Omicron đang song hành với chủng Delta. Hà Nội đang khẩn trương giải trình tự gene để đánh giá mức độ biến chủng Omicron.

Đà Nẵng: 15 nơi điều trị nhưng chỉ vài nơi nhận bệnh nặng

Theo báo cáo của ngành y tế TP Đà Nẵng, số ca mắc COVID-19 tăng cao quanh mốc 1.000 ca mỗi ngày trong thời gian qua gây áp lực cho hệ thống điều trị.

Mặc dù hiện nay hơn 95% số ca mắc mới được cách ly điều trị tại nhà, nhưng hệ thống y tế vẫn có khả năng quá tải.

Việc điều trị F0 tại các cơ sở y tế hiện nay theo hiện trạng bệnh viện tách đôi, tức vừa điều trị song song bệnh nhân mắc COVID-19, vừa thực hiện hoạt động khám chữa bệnh thông thường. Thành phố đang có 268 ca bệnh phải thở oxy, trong đó có 40 ca đang trong tình trạng hồi sức tích cực.

Tuy có tới 15 cơ sở y tế tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng chỉ có vài nơi đang điều điều trị ca bệnh nặng (Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Gia đình…).

Qua trao đổi với Bệnh viện Đà Nẵng (nơi phụ trách bệnh viện dã chiến), bà Ngô Thị Kim Yến – phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng – cho biết sẽ giao cho Sở Y tế có phương án điều chỉnh để tránh tình trạng quá tải các ca bệnh nặng do tập trung chủ yếu vào một đơn vị điều trị.

“Hiện cơ sở điều trị các ca bệnh nặng đang rất khó khăn nên chúng tôi yêu cầu các bệnh viện phải chủ động nhận và điều trị các ca bệnh nặng. Nếu các bệnh viện không điều trị ca nặng thì phải hỗ trợ nhân lực, bác sĩ hồi sức cho bệnh viện dã chiến” – bà Yến nói.

Ca mắc tăng liên tục, các tỉnh thành dịch nóng nhất tăng cường biện pháp đối phó - Ảnh 2.

Bên cạnh việc giảm áp lực cho tuyến y tế cơ sở khi số ca mắc, điều trị tại nhà tăng lên, TP Đà Nẵng cũng tăng cường các biện pháp xử lý chất thải y tế của các trường hợp F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Bên cạnh việc giảm tải cho bệnh viện dã chiến, việc giảm tải cho y tế tuyến cơ sở cũng rất quan trọng.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết hiện y tế cơ sở đang gặp nhiều áp lực do hầu hết các ca mắc đều cách ly, điều trị tại nhà. Trong khi đó nhân lực y tế tuyến xã phường có hạn khiến việc trợ giúp, hỗ trợ khó khăn.

Để không xảy ra quá tải, Sở Y tế đã thống nhất phương án phân nhỏ đối tượng cách ly, điều trị tại nhà thành hai nhóm, gồm nhóm có nguy cơ và không có nguy cơ. Đối với nhóm có nguy cơ, lực lượng y tế địa phương có nhiệm vụ theo sát để hỗ trợ về chuyên môn, tránh để bệnh nhân chuyển nặng.

Ngày 1-3, bà Ngô Thị Kim Yến cho biết đã yêu cầu Sở Y tế xem xét việc xác nhận mắc COVID-19 do người dân tự test nhanh qua giám sát của nhân viên y tế, để giảm tải nguồn nhân lực.

Theo bà Yến, Bộ Y tế đã có hướng dẫn việc xác nhận F0 theo hướng để người dân thực hiện test nhanh qua giám sát của nhân viên y tế nhằm giảm tải cho các trạm y tế.

Quảng Ninh chuẩn bị phương án 10.000 ca mới/ngày

Tại Quảng Ninh, trước tình trạng số ca mắc mới tăng ở cả 13/13 địa phương, tỉnh đã tổ chức tầm soát xét nghiệm diện rộng trong cộng đồng. Dịp cuối tuần, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tiêm chủng mũi 3 vắc xin phòng COVID-19 cho người chưa tiêm.

Qua rà soát, Quảng Ninh đã ghi nhận hơn 20.000 ca COVID-19 bổ sung, chủ yếu là các F1 của các F0 đã được ghi nhận trước đó.

Mặc dù số ca mắc mới tăng cao, nhưng do Quảng Ninh là một trong những địa phương hoàn thành sớm nhất cả nước tiêm vắc xin COVID-19 mũi cơ bản, tỉ lệ người 18 tuổi trở lên đã tiêm 3 mũi đạt trên 93% (đến ngày 26-2), vì vậy trên 97% ca mắc mới ở thể nhẹ, không triệu chứng, chủ yếu cách ly tại nhà, kết quả điều trị tích cực.

Đến nay, các phương án phòng, chống dịch COVID-19, nhất là phương án y tế hoàn toàn trong kế hoạch, được chuẩn bị trước với tình huống trên 10.000 ca/ngày. Các địa phương chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch nhằm duy trì các hoạt động kinh tế – xã hội trong trạng thái bình thường mới.

Tỉnh cũng hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch để sẵn sàng tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi khi có chủ trương của trung ương. Đây là việc cần thiết góp phần quan trọng đảm bảo an toàn hơn nữa cho học sinh trở lại trường học để học trực tiếp.

Quảng Ninh cũng đã giao chủ tịch UBND các huyện thị thành lập đủ trạm y tế lưu động, chuẩn bị đủ thuốc, vật tư, oxy, trang thiết bị y tế để chăm sóc, theo dõi toàn bộ số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn.

Các phường, xã, thị trấn có số ca F0 nhiều phải tổ chức thêm các điểm khai báo cho người dân (có thể tại nơi đặt trạm y tế lưu động, nhà văn hóa thôn, khu phố…) để giảm bớt tập trung đông người, không để người dân chờ đợi lâu, tránh quá tải và áp lực cho trạm y tế cấp xã.

Số mắc mới cả nước vượt 100.000 ca/ngày

Báo cáo của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, số ca COVID-19 mới ngày 28-2 đã vượt mốc 100.000 ca (cụ thể là 103.555 ca), cao nhất từ trước đến nay. Thống kê trong báo cáo này cập nhật hơn so với số mắc mới trong thông báo dịch hằng ngày vào 18h ngày 28-2.

Trong đó, có 3 tỉnh thành ghi nhận trên 10.000 ca mắc mới trong ngày, 1 tỉnh ghi nhận trên 9.000 ca và 3 tỉnh trên 3.000 ca, ngoài ra còn hàng chục tỉnh thành ghi nhận 1.000 ca trở lên.

Về số ca COVID-19 nặng, thống kê ngày 28-2 là 3.800 ca, cao hơn thời điểm giữa tháng 2 khoảng 20%. Về các chỉ số chung, so sánh tuần này với tuần trước số mắc mới đã tăng gần gấp đôi, số tử vong tăng 27,9%, số điều trị tại bệnh viện tăng 15,1%, số ca nặng, nguy kịch tăng 9,3%. (L.ANH)

TR.TRUNG – P.TUẤN – T.THẮNG
TTO