‘Khách hàng’ của ‘siêu nhân’ làm dịch vụ đăng bài tính điểm xét GS, PGS là ai?
‘Khách hàng’ của ‘siêu nhân’ làm dịch vụ đăng bài tính điểm xét GS, PGS là ai?
Khi tiếp cận “khách hàng”, ông Đinh Trần Ngọc Huy hướng câu chuyện tới mục tiêu có dư dả bài đăng trên các tạp chí quốc tế nằm trong các danh mục ISI/Scopus để phục vụ cho việc xét PGS, GS.
Và đây là điểm mấu chốt giúp cho dịch vụ của ông Đinh Trần Ngọc Huy tồn tại, phát triển. Như Thanh Niên đã phản ánh trong bài “Siêu nhân” làm dịch vụ đăng bài báo để tính điểm xét GS, PGS số ra ngày 23.2, ông Đinh Trần Ngọc Huy chưa có bằng tiến sĩ nhưng rất nổi tiếng trong giới học thuật từ hơn 2 năm nay bởi làm dịch vụ “công bố quốc tế”.
“Mua hàng” với danh nghĩa cộng tác, hợp tác
Theo ông Huy tự quảng cáo trên trang web của mình, ông đã xuất bản khoảng 400 – 450 bài báo, trong đó có khoảng 300 bài ISI/Scopus, với đề tài phủ rộng khắp các lĩnh vực khoa học xã hội, kinh tế, tài chính, kinh doanh, công nghệ và quản lý, kinh tế nông nghiệp – thủy sản, giáo dục, tâm lý, y học, dược phẩm, toán ứng dụng, triết học, lịch sử… Những con số mà ông Huy kể đó là đã được phóng đại, bởi nếu theo thống kê trên trang Google Scholar thì tác giả Đinh Trần Ngọc Huy có 379 bài.
Thông tin xuất bản của Đinh Trần Ngọc Huy trên tạp chí thuộc danh mục Scopus cho thấy người này có 130 đồng tác giả CHỤP MÀN HÌNH |
Theo thống kê của trang Scopus, hiện ông Huy có tên trong số các tác giả của 76 bài. Nhưng về chủ đề “nghiên cứu” thì đúng là ông Huy thuộc diện “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý” vì đa dạng lĩnh vực như ông này tự quảng cáo. Có vẻ như ông Huy bắt đầu hành nghề một cách “chuyên nghiệp” về dịch vụ đăng bài từ cuối năm 2019, vì đến năm 2020 ông Huy mới bắt đầu có hàng loạt bài báo. Năm 2020 có 40 bài, năm 2021 có 180 bài (mỗi năm có 30 bài Scopus).
Dù trong quá trình “tiếp thị” sản phẩm tới các nhà khoa học, ông Huy đã nhận được không ít ý kiến phản đối từ những “quả ngọt” mà ông Huy nhận được là không ít nhà khoa học đồng ý “mua hàng” của ông với danh nghĩa cộng tác, hợp tác, có trả phí.
Theo trang Scopus, với tên tác giả Huy, Dinh Tran Ngoc (74 bài đã được công bố, 2 bài còn lại được công bố với tên Huy, Mba Dinh Tran Ngoc) thì ông Huy có 130 đồng tác giả. Trong đó, tác giả thành công nhất trong việc hợp tác là đồng tác giả với ông Huy 12 bài; 10 người là đồng tác giả với ông Huy từ 4 – 7 bài; đa số là đồng tác giả với ông Huy 1 – 2 bài.
Những ai hợp tác với ông Huy ?
Khi tiếp cận “khách hàng”, ông Đinh Trần Ngọc Huy hướng câu chuyện tới mục tiêu có dư dả bài đăng trên các tạp chí quốc tế nằm trong các danh mục ISI/Scopus để phục vụ cho việc xét PGS, GS, và đây là điểm mấu chốt giúp cho dịch vụ của Huy tồn tại, phát triển. Vì vậy, khi lần theo thông tin về các đồng tác giả của ông Huy trên trang Scopus và đối chiếu với danh sách ứng viên xét GS, PGS năm 2020, 2021, chúng tôi nhận ra nhiều “khách hàng” của ông Huy.
Chẳng hạn, trong danh sách các ứng viên ngành kinh tế đợt xét năm 2021 (đã được hội đồng (HĐ) ngành thông qua), chúng tôi điểm danh được 3 ứng viên có bài báo kê khai trong hồ sơ xét PGS là những bài báo có ông Huy là đồng tác giả.
Cụ thể: Ng.C.Th (Trường ĐH Hồng Đức), P.V.H (Học viện Khoa học, Công nghệ và đổi mới sáng tạo), H.T.H (Học viện Chính sách và Phát triển). Tuy nhiên, các ứng viên này cũng đã gạt ra không khai trong hồ sơ một số bài viết cùng với ông Huy.
Thư ông Đinh Trần Ngọc Huy gửi các nhà khoa học mời gọi hợp tác |
Lần ngược thông tin xét GS, PGS năm 2020 cũng của HĐ ngành kinh tế, chúng tôi nhận thấy có 3 người (hiện đều đã được bổ nhiệm PGS) là đồng tác giả với ông Huy ở một số bài báo quốc tế có trong danh mục Scopus: Ph.T.A, Ng.T.T.P (đều công tác ở Trường ĐH Thương mại); P.V.T (công tác ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân).
Tuy nhiên, đồng tác giả với ông Huy không chỉ có các nhà khoa học trẻ mà còn có một số nhà khoa học đã thành danh, có vị trí cao ở một số cơ sở đào tạo hoặc trong HĐ giáo sư ngành. Chẳng hạn, tiến sĩ Ng.N.T, viện trưởng một viện nghiên cứu của Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM (là trường ĐH mà ông Huy đang làm nghiên cứu sinh) cũng là đồng tác giả với ông Huy nhiều bài báo, trong đó có 4 bài Scopus.
“Bài học cho sự ngu dốt của mình”
PV Thanh Niên liên hệ PGS Ph.T.A., thoạt tiên PGS Ph.T.A từ chối, nói: “Tôi không quan hệ gì với anh Đinh Trần Ngọc Huy”. Nhưng khi PV nêu đích danh bài báo mà ông Ph.T.A khai trong hồ sơ xét PGS thì ông này cho biết: “Ngày xưa tôi có cộng tác với bạn ấy một lần, nhưng sau đó thấy cách làm việc không hợp nên không cộng tác nữa”. Rồi ông Ph.T.A nói thêm: “Lâu rồi. Hồi đó bạn ấy có tham gia một vài hội thảo, anh em gặp nhau cùng giao lưu, làm chung một vài nghiên cứu”. Tuy nhiên, trên trang Scopus thống kê tác giả Ph.T.A có tận 12 bài là đồng tác giả với Đinh Trần Ngọc Huy; còn trong hồ sơ đề nghị xét PGS do ông Ph.T.A nộp lên thì có 5 bài (được đánh số 6, 22, 24, 27, 30) ông viết cùng Đinh Trần Ngọc Huy.
Ông H.T.H., ứng viên đã được HĐ ngành thông qua hồ sơ đề nghị xét PGS năm 2021 thì đã thành thật thừa nhận, mối quan hệ hợp tác với ông Huy là “bài học cho sự ngu dốt của mình” (vì sự chia sẻ thành thật của ông H., chúng tôi xin phép không nói thông tin cụ thể về ông).
“Trong quá trình nghiên cứu, dù tôi đã dùng các phương pháp hiện đại, nhưng tiếng Anh lại hơi kém, nên chỉ có bài tiếng Việt, phải nhờ đến sự hỗ trợ của Huy. Do đó, hai bên thỏa thuận là Huy chuyển ngữ cho bài báo và được đứng tên cùng. Các đồng tác giả khác là những người trong nhóm nghiên cứu của tôi, người thì làm ở ĐH Thái Nguyên, người thì làm ở một trường ĐH trong miền Nam”, ông H. cho biết.
Theo ông H., ông bắt đầu có mối quan hệ hợp tác với Huy từ năm 2016, khi ông còn là nghiên cứu sinh. Ban đầu là nhờ ông Huy dịch thuật, rồi nhờ ông Huy tìm tạp chí quốc tế để gửi đăng. Vì kém tiếng Anh, lại thiếu hiểu biết về hệ thống xuất bản khoa học quốc tế nên gần như việc gửi đăng bài ở tạp chí nào là ông H. đều phó mặc cho ông Huy. Trong quá trình hợp tác, ông H. cũng bắt đầu nghe thấy một số điều tiếng về ông Huy nên đã lặng lẽ kiểm tra, và tá hỏa vì những sản phẩm mình nhận được sau khi sử dụng dịch vụ của ông Huy. “Tôi nghe nói có tạp chí chỗ cậu Huy này gửi đăng còn không có ban biên tập”, ông H. nói…
Ông H. cảm thán: “Mình dốt thì mình phải chịu. Không va vấp thì không biết đường đi nước bước thế nào. Giờ đây tôi cũng đã học được nhiều từ Huy. Giờ tôi tự tìm được tạp chí, tự submit được. Tiếng Anh cũng đàng hoàng đĩnh đạc. Hồi trước, dù còn kém tiếng Anh, nhưng tôi cũng nhận thấy sao mà dịch chán thế mà tạp chí họ cũng nhận xuất bản cho, lúc đó tôi đã nghi nghi”.
Về những hệ lụy mà ông Huy mang đến cho mình (có bài trên tạp chí giả mạo nên không được HĐ GS ngành tính điểm, theo thống kê của chúng tôi là có 4 bài ông H. khai trong hồ sơ), ông H. cho biết là không trách ông Huy, vì tin rằng ông Huy sẽ phải chịu hậu quả về những điều tồi tệ mà ông Huy đã làm. “Vì có trách Huy, tôi cũng không làm lại được. Đời người ai cũng có những sai lầm, bạn biết là sai lầm rồi thì cũng có làm lại để sửa chữa những sai lầm đó được đâu. Tương lai thế nào mới là quan trọng”, ông H. chia sẻ.
Ông Đinh Trần Ngọc Huy là ai ?
Trên các bài báo “quốc tế” mà ông Huy đứng tên tác giả (hoặc đồng tác giả), ông Huy ghi địa chỉ của mình là Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Trao đổi với PV Thanh Niên, PGS Nguyễn Đức Trung, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết: “Anh Đinh Trần Ngọc Huy hiện là nghiên cứu sinh của trường. Anh Huy chưa bao giờ là cán bộ, giảng viên của trường cả”.
QUÝ HIÊN
TNO