24/12/2024

Đã chữa khỏi Covid-19 là thành ‘siêu nhân’?

Đã chữa khỏi Covid-19 là thành ‘siêu nhân’?

Trong suốt 2 năm của đại dịch vừa qua, nhiều người đã nhiễm Covid-19. Trong đó, số lớn đã sống sót và vượt qua căn bệnh này.

 

 

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ là nhiều người đã chiến thắng căn bệnh này tin rằng họ gần như “bất khả chiến bại”, và không sợ nhiễm virus lần nữa.

Nhưng liệu điều này có đúng không?

Mọi người luôn có nguy cơ nhiễm Covid-19 nhiều hơn 1 lần. Những người từng nhiễm Covid-19 có thể có mức độ miễn dịch nhất định chống lại Covid-19, nghĩa là họ có thể khó bị tái nhiễm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế vẫn không chắc chắn khả năng này kéo dài trong bao lâu.

Mặc dù nguy cơ tái nhiễm Covid-19 là hiếm, nhưng với sự xuất hiện của các biến thể mới với nhiều đột biến, các cơ quan y tế tin rằng điều này vẫn có khả năng xảy ra.

Theo phân tích của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh, nguy cơ tái nhiễm với chủng Omicron cao hơn 16 lần so với Delta.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, bằng chứng cho thấy người từng nhiễm Covid-19 có thể dễ tái nhiễm với Omicron hơn so với các biến thể khác.

Các biến thể Covid-19 mới nổi có thể nguy hiểm

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, trước khi xuất hiện Omicron, bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh ít có nguy cơ tái nhiễm, ít nhất là trong nhiều tháng. Tuy nhiên, biến thể Omicron đã làm đảo lộn tất cả.

Nghiên cứu cũng cho thấy, biến thể mới có khả năng tránh được khả năng miễn dịch do từng nhiễm Covid-19 hoặc sau khi đã tiêm 2 liều vắc xin.

Khả năng miễn dịch chống lại tái nhiễm có thể suy giảm theo thời gian

Đã chữa khỏi Covid-19 là thành 'siêu nhân'? - ảnh 1
Khả năng miễn dịch chống lại tái nhiễm có thể suy giảm theo thời gian  SHUTTERSTOCK

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa chắc chắn về khả năng bảo vệ khỏi nhiễm bệnh ở người từng nhiễm Covid-19 hoặc miễn dịch do vắc xin kéo dài bao lâu.

Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư y tế dự phòng và các bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt (Mỹ), cho biết có một số người quan niệm rằng đã nhiễm Covid-19, sẽ được bảo vệ vĩnh viễn khỏi Covid-19 giống như bệnh sởi. Nhưng hai loại virus này hoàn toàn khác nhau. Khả năng bảo vệ của virus corona sẽ mất đi sau một thời gian, theo nhật báo Times Of India (Ấn Độ).

Nhiều nghiên cứu đã tìm hiểu về khoảng thời gian này. Nhưng các nghiên cứu đưa ra các mốc thời gian chưa nhất quán, từ 3 – 5 tháng cho đến 8 tháng.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm Covid-19

Ngoài các biến thể mới xuất hiện và khả năng miễn dịch suy giảm, có nhiều yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm.

Bệnh nhân Covid-19 không tiêm chủng có nguy cơ tái nhiễm cao hơn bệnh nhân Covid-19 đã tiêm chủng, và cũng có thể mắc bệnh nặng hơn, theo Times Of India.

Những người bị suy giảm miễn dịch và có bệnh nền cũng dễ bị tái nhiễm hơn.

Đừng bỏ qua các di chứng hậu Covid-19

Đã chữa khỏi Covid-19 là thành 'siêu nhân'? - ảnh 2
Người có bệnh nền, đặc biệt bệnh tim mạn tính, cần hết sức cẩn thận và chú ý đến việc chăm sóc hậu Covid-19.  SHUTTERSTOCK

Những người mới nhiễm Covid-19 gần đây có thể thoát khỏi một đợt nhiễm bệnh. Tuy nhiên, họ cần phải hết sức thận trọng vì Covid-19 có thể để lại di chứng.

Nhiều người vẫn tiếp tục gặp các triệu chứng, gồm cảm thấy yếu, mệt mỏi, ho dai dẳng, đau đầu và hơn thế nữa.

Người có bệnh nền, đặc biệt bệnh tim mạn tính, cần hết sức cẩn thận và chú ý đến việc chăm sóc hậu Covid-19.

Theo một nghiên cứu gần đây của BMJ, 1/3 bệnh nhân Covid-19 lớn tuổi vào năm 2020 đã phát triển ít nhất một bệnh mới cần phải chăm sóc y tế sau khi nhiễm Covid-19, bao gồm các bệnh về tim, thận và phổi, và cả sức khỏe tâm thần, theo Times Of India.

 

THANH NIÊN

TNO