26/12/2024

Những bảo vật quốc gia mới: Ngôi tháp đất nung duy nhất còn lại của Đạo giáo

Những bảo vật quốc gia mới: Ngôi tháp đất nung duy nhất còn lại của Đạo giáo

Tháp đất nung đền An Xá (Hưng Yên) là ngôi tháp đất duy nhất còn lại của Đạo giáo.

 

 

Dày đặc hoa văn

Cuộc khai quật thăm dò nền móng tháp đất nung đền An Xá (xã An Viên, H.Tiên Lữ, Hưng Yên) mới nhất đã được tổ chức vào tháng 8.2021. “Hội Khảo cổ học và Ban quản lý di tích phối hợp thực hiện khai quật trước khi hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo vật quốc gia cho tháp. Qua đó cho thấy tháp đất nung đền An Xá được xây dựng bằng phương pháp thủ công truyền thống”, PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, nói.

Phương pháp thủ công truyền thống này, theo kết quả khai quật, là: “Trước tiên, những người thợ đào một hố đã định sẵn sâu khoảng 45 cm. Sau đó họ gia cố nền bằng cách đầm ngói vụn và đất sét (cứ một lớp ngói sau đó đến một lớp sét chồng xếp lên nhau) nhằm tăng độ cứng chắc cũng như tạo mặt bằng trước khi xây dựng bệ tháp. Đất sét có nhiệm vụ kết dính các lớp ngói lại với nhau”.

Bảo vật quốc gia tháp đất nung đền An Xá cao 450 cm; cạnh đáy dài 150 cm; bệ gạch cao 60 cm. Tháp có bình đồ hình vuông, nhỏ dần về phía ngọn, có màu nâu đỏ, cao 12 tầng (không kể phần đỉnh tháp) và chia thành bốn phần: bệ tháp, đế tháp, thân tháp và đỉnh tháp.

Những bảo vật quốc gia mới: Ngôi tháp đất nung duy nhất còn lại của Đạo giáo - ảnh 1
Trang trí hoa văn trên thân tháp đất nung An Xá  TƯ LIỆU CỤC DI SẢN VĂN HOÁ

Theo hồ sơ bảo vật, bệ tháp có chân xây bằng gạch vuông Bát Tràng. Bệ có thân là những khối đá vôi màu xám xanh có kích thước khác nhau ghép lại. Trên đó trang trí nhiều họa tiết hoa văn vô cùng phong phú và sinh động: hình sư tử, nai, hoa sen, hình cá, rồng… Mặt bệ tháp cũng được xây từ loại gạch giống gạch xây chân bệ.

Đế tháp có chân đế được tạo tác kiểu chân quỳ dạ cá, phía trên trang trí lớp cánh sen úp nghiêng. Ở bốn góc là hình bốn lực sĩ với thân hình mập khỏe, mắt lồi to dữ tợn, bụng to tròn, ưỡn ngực nâng đỡ tòa tháp phía trên, đôi cánh phía sau dang rộng. Hình ảnh các lực sĩ trên tháp đất nung đền An Xá gần giống hình chim thần Garuda trên các bệ đá hoa sen.

Đế cũng còn có trang trí hình rồng uốn quanh.

Thân tháp chia thành 12 tầng. Mỗi tầng tháp đều trổ cửa nhìn ra bốn phía theo lối cửa cuốn tò vò, càng lên cao các tầng càng thu hẹp dần theo đỉnh tháp. Trên một số viên gạch thân tháp có ghi chữ Hán, đánh dấu số thứ tự các tầng tháp. Toàn thân tháp đất nung đền An Xá trang trí dày đặc những họa tiết hoa văn như: rồng, phượng, sư tử, tiên nữ, hình lực sĩ, ngựa có cánh, mây, đao mác, hoa cúc, hoa sen, hoa chanh, chữ Vạn… Đáng chú ý, ở đây còn xuất hiện nhiều đề tài mang đậm chất dân gian, như cảnh người đấu vật, bắt rắn, chim, hươu, hổ.

Đỉnh tháp đặt một quả hồ lô tròn, đặc, miệng và cổ bình vươn cao, thân cong tròn, chân đế bình gắn liền với đỉnh mái tầng số 12 của tháp. Đỉnh tháp được coi là nơi giao hòa giữa trời và đất, là con đường thăng thiên giáng trần của Ngọc Hoàng Thượng đế và các vị thần tiên.

Phật và Đạo gặp gỡ

Theo hồ sơ bảo vật, căn cứ vào hình dáng, chất liệu và đặc biệt là các họa tiết hoa văn trang trí trên tháp, các nhà nghiên cứu cho rằng tháp đất nung đền An Xá có niên đại thế kỷ 16 – 17. Tầng tháp số 2 có dòng chữ “Hoàng triều Cảnh Trị ngũ niên trùng tu tháp Đậu An”, mặc nhiên xác định tháp đất nung đền An Xá đã được trùng tu vào năm Cảnh Trị thứ 5 (1667). Có thể nhận định, ban đầu ngôi tháp được xây dựng vào thời Lê Trung hưng.

Tuy nhiên, sau cuộc khai quật năm 2021, móng và bệ tháp xuất lộ cho thấy thêm thông tin về việc xây dựng. Theo đó, đầu tiên ngôi tháp đền An Xá được xây bằng đá vào thời Mạc. Khi ngôi tháp đá xuống cấp, năm 1667 (thời Lê Trung hưng) ngôi tháp đá đã được thay thế bằng ngôi tháp đất nung. Trong quá trình tu bổ, tôn tạo lại tháp, người thời Lê Trung hưng có thể đã sử dụng lại một số cấu kiện đá của thời Mạc còn lại trước đó.

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, tháp An Xá là một trong hai ngôi tháp đất nung còn lại gần nguyên vẹn tính đến nay ở phía bắc. Tuy nhiên, đây là ngôi tháp đất nung duy nhất của Đạo giáo còn tồn tại đến ngày nay.

Hồ sơ bảo vật quốc gia cho biết đây là ngôi tháp độc đáo nhất trong số tháp đất nung và tháp đá tương tự ở khu vực phía bắc Việt Nam. Tháp có kết cấu móng đặc biệt khác lạ. Phía dưới, ngoài lớp móng đầm còn có thêm một bộ phận nữa góp phần tham gia vào quá trình gia cố, đỡ cho cây tháp phía trên được chắc chắn thêm là phần bệ tháp được xây bằng gạch và đá. Độc đáo hơn cả còn được thể hiện ở phần mặt bệ tháp. Điều đó làm cho móng tháp đất nung đền An Xá trở nên đặc biệt.

Đây cũng là ngôi tháp đất nung có số lượng đồ án trang trí phong phú và đặc sắc nhất, vừa mang tính chất tôn giáo vừa mang đậm nét dân gian trong tổng thể hệ thống tháp đã phát hiện ở khu vực phía bắc. “Tháp đất nung đền An Xá nhìn có hình thức giống tháp của ngôi chùa thờ Phật. Mặc dù vậy tháp chùa có số tầng lẻ, còn tháp An Xá có số tầng chẵn 12 tầng”, hồ sơ cho biết.

Hồ sơ cũng khẳng định: “Việc dựng một cây tháp đất nung ở di tích quán đạo cũng là một hiện tượng văn hóa độc đáo trong lịch sử quán đạo ở Việt Nam. Nó minh chứng cụ thể sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa Đạo giáo và Phật giáo”.

Theo hồ sơ bảo vật quốc gia, việc sử dụng gạch đất nung làm chất liệu xây dựng tháp đã nói lên tính chất kinh tế và phổ cập của chất liệu này. Nó vừa rẻ và dễ kiếm hơn là làm bằng chất liệu đá vốn có giá thành cao và khó vận chuyển đi xa. Trong khi đó, nếu xây dựng bằng gạch đất nung thì chỗ nào cũng dễ kiếm vật liệu. Chưa kể, bất cứ ở nơi nào cũng có thể xây lò nung làm tại chỗ xây dựng không mất công vận chuyển.

(còn tiếp)

 

TRINH NGUYỄN

TNO