01/11/2024

Số ca mắc COVID-19 mới tăng nhanh 10 ngày nay, có đáng lo?

Số ca mắc COVID-19 mới tăng nhanh 10 ngày nay, có đáng lo?

Số ca mắc mới COVID-19 đã tăng mạnh trong khoảng 10 ngày, đặc biệt là một tuần trở lại đây và liên tục lập “đỉnh” mới. Ngày 15-2 với 31.916 ca mới là con số cao nhất kể từ khi thực hiện bình thường mới (tháng 11-2021).

 

Số ca mắc COVID-19 mới tăng nhanh 10 ngày nay, có đáng lo? - Ảnh 1.

Số ca mắc mới tăng rất nhanh có đáng lo?

Vẫn trong vùng an toàn?

Các thống kê số mắc trong một tuần sau Tết tăng cao nhất cho thấy số mắc tăng hằng ngày và đã vượt mốc 31.000 ca/ngày. Tuy nhiên theo dõi số liệu (trong đồ họa) thấy rằng số mắc tăng cao nhưng số ca nặng, số ca tử vong vẫn đang giữ tương tự như thời điểm Tết Nguyên đán là những ngày có số mắc mới thấp, đáng lưu ý số ca tử vong (trong những ngày số mắc tăng cao nhất) còn giảm so với thời điểm Tết Nguyên đán.

Bà Trần Thị Nhị Hà, giám đốc Sở Y tế Hà Nội (địa phương liên tục dẫn đầu số ca mắc mới hằng ngày trong các tháng gần đây), cho biết tỉ lệ ca có chuyển nặng của Hà Nội hiện khoảng 5%. So với tỉ lệ ca chuyển nặng khoảng 11% như thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thời điểm mức độ phủ vắc xin thấp hơn (tháng 10-2021) và chưa có mũi vắc xin tăng cường, cho thấy tỉ lệ ca chuyển nặng hiện nay đã giảm nhiều.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của Bộ Y tế đánh giá việc phủ vắc xin diện rộng và liều tiêm 3 mũi đã “thay đổi cục diện” dịch COVID-19 ở Việt Nam. Qua khảo sát ban đầu cho thấy tỉ lệ F0 có chuyển nặng và tử vong ở người đã tiêm đủ 3 mũi là rất thấp.

Chính vì thế nhiều ý kiến hồ hởi về việc Việt Nam “mở cửa lại bầu trời”, cho trẻ em đi học trực tiếp sau hơn một học kỳ học trực tuyến, cho mở cửa nhiều loại hình dịch vụ trở lại.

Tại Hà Nội, bà Nhị Hà cho rằng các chỉ số quan trọng nhất hiện nay khi đánh giá cấp độ dịch là số ca chuyển nặng, tử vong và khả năng đáp ứng điều trị. Về số ca mắc mới, bà Hà cho rằng số ca mắc ghi nhận hằng ngày tuy cao nhưng 95% là triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng, có thể theo dõi tại nhà.

TP.HCM giảm sâu ca tử vong

Ngày 14-2 TP.HCM có 285 ca F0; ngày 15-2 TP.HCM tăng lên 341 ca. Chuyển biến dịch có tín hiệu lạc quan khi số ca tử vong giảm sâu.

Theo PGS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), số ca mắc mới gia tăng sau Tết là việc đã được dự đoán trước, bởi việc đi lại của người dân tăng cao, nhiều người từ các địa phương trở lại thành phố làm việc, học sinh các tỉnh quay vào thành phố để học tập. Đồng thời, những người nhiễm bệnh không có triệu chứng vô tình tiếp xúc nhiều với cộng đồng, giao lưu nhiều địa phương với nhau cũng là nguồn lây nhiễm.

Mặc dù số ca nhiễm có chiều hướng đi lên nhưng số ca tử vong trên địa bàn TP.HCM đã được kéo giảm về 0 sau 9 tháng dài “chinh chiến”. Ngày 14-2, TP.HCM không ghi nhận bệnh nhân tử vong vì COVID-19. Trước đó, ngày 12-2, TP có 3 ca tử vong thì 2 ca chuyển từ tỉnh khác về, các ca bệnh nặng cũng giảm rõ rệt.

Lý giải về sự chênh lệch này, PGS Trần Đắc Phu cho rằng phần lớn chính là hiệu quả của chiến dịch tiêm vắc xin, tỉ lệ bao phủ cao. Ngoài ra, hệ thống y tế cơ sở dần được củng cố, tiếp sức cũng là một “mấu chốt” quan trọng.

“Hiện nay hệ thống y tế cơ sở đã được củng cố tốt hơn, sự tiếp cận của bác sĩ với bệnh nhân khi nhiễm COVID-19 cũng tốt hơn. Hệ thống y tế không bị quả tải giúp việc cách ly và điều trị được kịp thời, góp phần giúp tỉ lệ chuyển nặng không nhiều”, ông Phu chia sẻ.

Số ca mắc COVID-19 mới tăng nhanh 10 ngày nay, có đáng lo? - Ảnh 2.

Người dân được tư vấn tiêm vắc xin tại trạm y tế phường của quận Bình Thạnh, TP.HCM – Ảnh: DUYÊN PHAN

Không được lơ là dự phòng

Theo PGS Đỗ Văn Dũng – trưởng khoa y tế công cộng, Đại học Y dược TP.HCM, ẩn số mới là biến chủng Omicron, đã tiêm ngừa COVID-19 hoặc đã từng nhiễm biến thể Delta vẫn có thể nhiễm Omicron, dù theo khảo sát tỉ lệ nặng không cao ở người đã tiêm chủng. Chính vì vậy vẫn nên để tâm làm tốt tất cả các hoạt động dự phòng.

“Tuân thủ 5K trong mọi hoạt động, có các biện pháp phòng dịch đặc thù và phù hợp cho từng loại hình hoạt động, hạn chế tụ tập đông người. Tiếp tục vai trò của các trạm y tế địa phương, kể cả các chương trình chăm sóc sức khỏe, nhất là khi tiếp nhận lực lượng bác sĩ trẻ tăng cường”, ông Dũng nhắc nhở.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – chánh văn phòng Sở Y tế – cho biết TP.HCM vẫn duy trì hoạt động các bệnh viện dã chiến đa tầng 13, 14 và 16, trong đó bệnh viện dã chiến số 14 và 16 có quy mô 600 giường bệnh. Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn duy trì 200 giường bệnh hồi sức ở mỗi bệnh viện.

“Nếu ca bệnh tăng cao, cần thiết mở lại bệnh viện dã chiến, những cơ sở có cơ cấu sẵn sẽ được kích hoạt hoạt động trở lại trong vòng 24 giờ”, bà Mai chia sẻ.

Phụ huynh không nên quá lo lắng

Tính trong 24 giờ ghi nhận ngày 15-2, riêng tại Hà Nội có 3.972 ca mắc COVID-19 mới. Từ sau Tết Nguyên đán, số ca mắc mới tại khu vực phía Bắc liên tục tăng cao. Cụ thể, các tỉnh thành Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, Thái Nguyên, Nghệ An… số ca mắc mới trên 1.000 ca.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh, tính đến ngày 14-2, toàn quốc ghi nhận hơn 2.555.000 ca mắc COVID-19. Trong số đó có hơn 490.000 ca nhiễm là trẻ em dưới 18 tuổi, chiếm 19,2%.

Tại Hà Nội, trong 2 tuần trở lại đây số ca mắc mới mỗi ngày từ 2.700 – 3.500 ca, trong đó có nhiều học sinh trở thành F0 sau khi trở lại trường học khiến phụ huynh lo lắng.

Theo PGS Nguyễn Huy Nga (nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), việc Hà Nội mở cửa trở lại với số ca mắc như hiện nay không quá lo ngại. Ông Nga cho rằng việc học sinh trở lại trường hiện nay là hết sức cần thiết.

“Chúng ta đã mở cửa du lịch, mở cửa các dịch vụ, vì vậy chúng ta phải xác định ca nhiễm sẽ tăng. Tỉ lệ trẻ em mắc COVID-19 so với số ca mắc chung cả nước là 19,2%, con số này không cao. Trong khi đó, F0 tại trường học nhưng không có nghĩa là các em đi học bị nhiễm mà có thể do nhiễm từ gia đình hoặc cộng đồng. Bởi vậy phụ huynh không nên quá lo lắng”, ông Nga chia sẻ.

DƯƠNG LIỄU

Nắm vững để xử lý khi trẻ mắc COVID-19

Tính đến ngày 14-2, toàn quốc ghi nhận hơn 2.555.000 ca mắc COVID-19. Trong đó có hơn 490.000 là trẻ em dưới 18 tuổi, chiếm 19,2%; 165 trẻ tử vong, chiếm 0,42%. Trong bối cảnh mở cửa trường học trở lại, trẻ em đối diện với nhiều nguy cơ.

Tại hội nghị tập huấn hướng dẫn xử trí, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc COVID-19 do Bộ Y tế tổ chức ngày 16-2, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chia sẻ thời gian qua các bác sĩ nhận được nhiều cuộc gọi tư vấn trường hợp trẻ em mắc COVID-19. Theo đánh giá chung, trẻ em nhiễm COVID-19 có triệu chứng nhẹ hơn người lớn nhưng không vì thế mà chủ quan. Một số ít trẻ có nguy cơ chuyển nặng cao như béo phì, các bệnh mãn tính, bệnh lý nền.

Cần căn cứ vào triệu chứng lâm sàng mới quyết định trẻ có nhập viện hay không. Trường hợp trẻ đẻ non, đái tháo đường, tim bẩm sinh, hen phế quản, phổi mãn tính… là nhóm nguy cơ cao, cần lưu ý.

Nếu bệnh không ổn định cần đưa vào viện để điều trị COVID-19 và điều trị bệnh. Trong trường hợp trẻ có bệnh nền nhưng bệnh ổn định thì dựa vào triệu chứng lâm sàng để quyết định trẻ có cần nhập viện hay không.

Theo bác sĩ Hiếu, nếu trẻ bị hen suyễn, viêm phế quản mắc COVID-19 đều nhập viện thì sẽ dễ rơi vào tình trạng quá tải.

Cũng theo ông Hiếu, việc điều trị tại nhà cho trẻ quan trọng nhất đó chính là kịp thời đưa trẻ vào viện. Lợi ích điều trị tại nhà là trẻ không bị thay đổi môi trường sống, được chính người thân chăm sóc, môi trường sinh hoạt quen thuộc sẽ giúp trẻ ổn định tâm lý, lạc quan hơn và tránh quá tải cho bệnh viện.

Bác sĩ Hiếu nhấn mạnh: “Khi phát hiện những dấu hiệu chuyển nặng ở trẻ bao gồm: thở nhanh, khó thở, cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú, tím môi, chi lạnh tái…, hãy nhanh chóng đưa trẻ vào viện”.

DƯƠNG LIỄU

LAN ANH – CẨM NƯƠNG
TTO