25/12/2024

Làm gì khi lớp con có F0?

Làm gì khi lớp con có F0?

Sau khi học sinh trở lại trường học, một số em mắc COVID-19 khiến phụ huynh lo lắng. Cần làm gì khi lớp con có F0? Chăm sóc sức khoẻ và tâm lý trẻ ra sao để con vui, khoẻ, không ‘xa lánh’ bạn F0 nhưng cũng không chủ quan?

 

Làm gì khi lớp con có F0? - Ảnh 1.

Giáo viên hướng dẫn học sinh đeo khẩu trang đúng cách và xuyên suốt trong lớp học trong ngày đầu các em đến trường sau thời gian học online – Ảnh: Q.Đ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ OnlineThS.BS Nguyễn Văn Chung – giảng viên tâm lý, Đại học Quốc gia Hà Nội – nói trước tiên phụ huynh cần bình tĩnh. “Tôi thấy thường phụ huynh sẽ lo lắng hơn là trẻ. Còn các bé, đặc biệt là ở độ tuổi dưới 12 tuổi, thường không quá lo lắng về bệnh tật, chưa có ý thức về việc nhiễm bệnh như thế nào”, bác sĩ Chung nói.

Tiếp theo, phụ huynh cần chia sẻ, động viên, trở thành bạn đồng hành với con trong thời gian con cách ly tại nhà (trong trường hợp trẻ thuộc diện được cách ly và theo dõi tại nhà). Ví dụ bố mẹ có thể nói với con: “Con trở thành F1 thì bố mẹ sẽ trở thành F2, chúng ta cùng đồng hành để chiến thắng COVID-19. Con chỉ cần ăn uống đầy đủ, tập thể dục và nếu có thay đổi gì trong cơ thể hãy chia sẻ với bố mẹ để bố mẹ biết”.

Tuy hầu hết trẻ không quá lo về việc nhiễm bệnh, cũng có một số trường hợp trẻ bị áp lực về tâm lý, tự ám thị bản thân mắc bệnh. Trẻ sẽ tự thấy mình mệt, sốt, mất vị giác… dù những triệu chứng này không có thật. Trong trường hợp này, phụ huynh nên bình tĩnh, xét nghiệm cho con, nếu con không mắc COVID-19 thì tiếp tục theo dõi đến hết thời gian cách ly và xét nghiệm lại cho con.

Phụ huynh cũng nên chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi quay trở lại học, không nên kỳ thị hay xa lánh các bạn F0. “Bố mẹ cần hướng dẫn trẻ giữ khoảng cách, thực hiện 5K. Bố mẹ nên nói với con: ‘Con không được kỳ thị bạn, bởi nếu như vậy bạn sẽ rất buồn. Không may bố mẹ hay người thân trong nhà mắc COVID-19 thì hành động kỳ thị của con cũng sẽ khiến bố mẹ cảm thấy tổn thương”, bác sĩ Chung chia sẻ.

Làm gì khi lớp con có F0? - Ảnh 2.

Học sinh Trường tiểu học Lương Định Của, Q.3, TP.HCM quay lại trường học sau thời gian dài nghỉ chống dịch COVID-19 sáng 10-2 – Ảnh: NHƯ HÙNG

Về việc theo dõi sức khỏe và xét nghiệm cho trẻ là F1, TS.BS Nguyễn Đình Tỉnh – giảng viên bộ môn nhi, khoa y học lâm sàng, Trường đại học Y tế công cộng – cho biết phụ huynh chỉ cần test khi trẻ có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi.

“Test nhanh cho trẻ giúp phát hiện sớm nếu trẻ mắc COVID-19 để chủ động cách ly, theo dõi và điều trị. Tuy nhiên, phụ huynh chỉ nên test nhanh cho trẻ khi trẻ có triệu chứng, nếu không có triệu chứng chỉ cần test nhanh sau khi hoàn thành thời gian cách ly”, bác sĩ Tỉnh khuyến cáo.

Lý giải thêm, ông nói: nếu phụ huynh test nhanh ngay khi trẻ được xác định là F1 và kết quả âm tính sẽ dẫn đến tâm lý chủ quan, không thực hiện cách ly theo quy định, vẫn để trẻ tiếp xúc với gia đình; trường hợp trẻ ủ bệnh 2-3 ngày thì khả năng gia đình bị lây nhiễm là khó tránh.

Thêm vào đó, đối với trẻ em khi mắc COVID-19 chỉ có thể điều trị triệu chứng, không sử dụng các loại thuốc chống đông, kháng viêm. Vì vậy, khi trẻ không có triệu chứng thì vẫn chỉ theo dõi, cách ly trẻ.

“Chúng ta chỉ cần nghiêm túc thực hiện cách ly, khuyến cáo 5K để chăm sóc trẻ. Không cần test nhanh định kỳ thường xuyên sẽ khiến trẻ bị đau và khó chịu”, bác sĩ Tỉnh nhấn mạnh.

Ngoài ra, phụ huynh cần bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, tập thể dục thể thao và mặc ấm cho trẻ trong thời tiết lạnh để tránh các bệnh liên quan đến hô hấp khác…

Làm gì khi lớp con có F0? - Ảnh 3.

Giáo viên Trường mầm non Họa Mi 3, Q.5, TP.HCM vệ sinh khử khuẩn bàn ghế, vật dụng… trước khi đón trẻ đi học trở lại sáng 10-2 – Ảnh: NHƯ HÙNG

TP.HCM: Y tế địa phương test để xác định F0, F1

Theo Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, quy trình xử lý F0 trong trường mầm non, tiểu học hiện vẫn thực hiện theo hướng dẫn của Sở Y tế TP. Trong đó, việc xác định F0, F1 là do y tế địa phương thực hiện test và xác định chứ nhà trường không thực hiện.

Đối với học sinh từ mầm non đến lớp 6, nếu xác định là F1 thì nghỉ ở nhà chứ không đi học như học sinh từ lớp 7 đến lớp 12.

Được biết, TP.HCM có hơn 66,3% học sinh mầm non, 96% học sinh tiểu học, 95% học sinh lớp 6 đã đi học lại từ ngày 14-2.

H.HG

Làm gì khi lớp con có F0? - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

DƯƠNG LIỄU
TTO