26/12/2024

Nhu cầu xét nghiệm nhanh COVID-19 lên cao, chọn sao cho đúng và kiểm soát chất lượng như thế nào?

Nhu cầu xét nghiệm nhanh COVID-19 lên cao, chọn sao cho đúng và kiểm soát chất lượng như thế nào?

Tự test COVID-19 tại nhà khi trở lại trường học, đi làm, đi họp… đã trở thành công việc quen thuộc với nhiều người. Giữa “rừng” test xét nghiệm và vô vàn mức giá, chọn thế nào cho đúng, cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng như thế nào?

 

 

Nhu cầu xét nghiệm nhanh COVID-19 lên cao, chọn sao cho đúng và kiểm soát chất lượng như thế nào? - Ảnh 1.

Người dân được nhân viên y tế hướng dẫn sử dụng kit xét nghiệm nhanh COVID-19 tại nhà – Ảnh: D.PHAN

Khi đã bình thường mới như hiện nay, nhà nhà mua bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 để xét nghiệm gần như mỗi ngày. Bộ xét nghiệm nhanh đang trở thành một vật dụng thông thường trong đời sống. Tuy nhiên giá cả bộ xét nghiệm được bán với giá khác nhau, chất lượng cũng khác nhau…

Nhiều người mua bộ xét nghiệm chấp nhận kết quả xét nghiệm nhưng không dám chắc chính xác 100%. Quản lý giá và chất lượng bộ xét nghiệm ra sao?

Bộ xét nghiệm nhanh hàng nhiều, giá giảm

Dạo quanh trung tâm thương mại dược phẩm và trang thiết bị y tế (đường Tô Hiến Thành, quận 10) – nơi được xem là “chợ sỉ đồ y tế” lớn nhất TP.HCM với hàng trăm quầy hàng vật tư y tế nằm san sát nhau, mới thấy được không khí mua bán diễn ra nhộn nhịp, đặc biệt khá nhiều khách hỏi mua que xét nghiệm nhanh COVID-19.

Khi đặt vấn đề cần mua que xét nghiệm số lượng lớn, hầu hết các quầy thuốc tại đây đều giới thiệu cả chục loại que xét nghiệm.

Giá bán hầu hết các loại bộ xét nghiệm tại khu vực này không có sự chênh lệch nhiều, phổ biến từ 53.000 – 65.000 đồng/que xét nghiệm tùy loại nếu mua sỉ (1 hộp có 20 – 25 que tùy loại), và 60.000 – 75.000 đồng/que nếu mua lẻ. Mức giá trên theo người bán là đã giảm nhiều so với lúc cao điểm của năm ngoái.

Tương tự, tại một đoạn đường Tô Hiến Thành (quận 10) có đến hàng chục quầy kinh doanh vật tư y tế nằm san sát nhau, nhiều người hỏi mua que xét nghiệm nhanh COVID-19. Tại đây có đến khoảng 70% loại que test COVID-19 được bày bán có nguồn gốc từ Hàn Quốc, một số ít còn lại chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật, Việt Nam.

Người bán khẳng định là hàng được nhập khẩu đúng quy định được phép lưu hành, và “quảng cáo” chất lượng bằng thông tin về nguồn gốc, nhập khẩu… in trên các vỏ hộp, có tem niêm phong vỏ hộp.

Tuy vậy, khi đề nghị được xem các giấy tờ liên quan về nguồn gốc hàng hóa, hóa đơn chứng từ nhập que test thì tất cả đều từ chối.

Lý giải về việc que test Hàn Quốc đang tràn ngập, đại diện một cửa hàng thuốc tây tại quận Bình Thạnh cho biết hiện cơ quan y tế đã cấp phép cho 16 loại kit xét nghiệm nhanh COVID-19 được lưu hành, trong đó khoảng 10 loại là của Hàn Quốc.

Tuy vậy, người bán này thừa nhận vẫn có không ít đầu mối cung cấp sản phẩm trôi nổi, chủ yếu được xách tay về nên giá bán có thể tốt hơn nhưng chất lượng khá “hên xui”, đặc biệt là khi xé nhỏ ra bán lẻ.

“Khi bán lẻ thì các que test hầu như sẽ không có vỏ hộp đựng. Do đó việc trà trộn sản phẩm từ nhiều nguồn gốc khác nhau sẽ dễ hơn, chất lượng khó đảm bảo hơn là khi mua sản phẩm đầy đủ vỏ, hộp còn niêm phong”, người này nhận định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 15-2, đại diện Cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết thời gian gần đây các vi phạm trong hoạt động mua bán vật tư y tế, hỗ trợ điều trị COVID-19 không diễn ra phổ biến như trước, giá cả ổn định hơn.

Tuy vậy, các loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 hiện nay được cơ quan y tế cấp phép lưu hành có giới hạn nhưng lại được mua bán dưới dạng trôi nổi, nhập lậu vẫn còn nhiều. Thời gian tới cơ quan chức năng sẽ tăng cường thanh kiểm tra hoạt động mua bán que test COVID-19 bởi nhu cầu sử dụng đang rất lớn, nguồn cung đa dạng.

Nhu cầu xét nghiệm nhanh COVID-19 lên cao, chọn sao cho đúng và kiểm soát chất lượng như thế nào? - Ảnh 2.

Các que test COVID-19 xuất xứ từ Hàn Quốc đang chiếm chủ đạo – Ảnh: NGUYỄN TRÍ

Lưu ý nguồn gốc và chất lượng

Bên cạnh chiếc khẩu trang thì bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19 là dụng cụ được nhiều nhà dự trữ, sử dụng. Vì tính chất công việc hay ra đường và tiếp xúc nhiều người, anh T.V.B. (ngụ phường 14, quận Bình Thạnh) cho biết cách 3 ngày là anh lại xét nghiệm nhanh.

“Khi mẹ tôi nhiễm bệnh, cả nhà phải xét nghiệm để phân loại và cách ly phù hợp, sau đó vài ngày lại phải xét nghiệm tiếp tục xem mình có ủ bệnh hay không. Với giá hiện nay ở các hiệu thuốc tây dao động từ 70.000 đến 120.000 đồng/que test, nhà tôi có 7 thành viên, tổng cộng phải sử dụng có thể hơn 15 que test, nên hầu hết tôi đều đặt mua qua mạng xã hội để tiết kiệm chi phí”, anh B. nói.

Giá bán các loại kit xét nghiệm trên mạng 45.000 – 70.000 đồng/que test, rẻ hơn so với các nhà thuốc nên chợ mạng lúc nào cũng sôi động. Không những vậy, ngoài xét nghiệm dịch hầu họng, nhiều loại như test nước bọt, que xét nghiệm dạng ngậm dưới lưỡi cũng đang được quảng bá “hàng nhập khẩu, hiệu quả cao”.

Không chỉ ở hộ gia đình, hầu hết các bệnh viện hiện nay đều yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm nhanh khi có các biểu hiện nghi nhiễm.

Với nhu cầu tăng cao, một lần nữa vấn đề về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm cần được kiểm soát chặt. ThS Đỗ Cao Vân Anh – phó trưởng bộ môn nhiễm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch – cho biết:

“Nhiều người dân mua hàng được bán tràn lan trên các trang mạng xã hội nên rất khó kiểm chứng đâu là hàng thật, hàng kém chất lượng. Kit xét nghiệm nhanh phải được sử dụng đúng quy trình chuyên môn, ngay cả việc vận chuyển và bảo quản khác nhau thì chất lượng bộ test cũng ảnh hưởng”.

Một chuyên gia dịch tễ cũng đưa ra lưu ý về thời gian và mật độ thực hiện xét nghiệm COVID-19, không nên xét nghiệm khi không cần thiết mà chỉ khi cơ thể có các triệu chứng biểu hiện cùng với yếu tố dịch tễ, tiếp xúc với ca bệnh. Sau khi nhiễm bệnh thì khoảng 3-5 ngày kết quả xét nghiệm mới chính xác do khi đó nồng độ virus cao.

“Bộ Y tế chỉ mới cấp phép sử dụng kit xét nghiệm nhanh thông qua lấy dịch mũi họng và nước bọt, tuy nhiên thị trường đã xuất hiện vô số loại sinh phẩm xét nghiệm dạng ngậm dưới lưỡi. Người dân cần hết sức thận trọng về độ chính xác của các loại này”, vị này cho hay.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân chỉ nên mua những sản phẩm kit xét nghiệm nhanh trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương công bố trên website của sở y tế, phương tiện thông tin đại chúng danh sách sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh đã được Bộ Y tế cấp số đăng ký, cấp giấy phép nhập khẩu tại Việt Nam và danh sách các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế có cung cấp các sinh phẩm này.

Theo một chuyên gia ngành y tế, các cơ quan chức năng khác như thuế, hải quan, y tế cần phải làm việc với nhau thường xuyên để tìm hiểu và công bố danh sách sản phẩm vật tư y tế điều trị COVID-19 được lưu hành, và đối chiếu giá xuất nhập để có cơ sở kiểm soát giá bán hợp lý.

Sỉ và lẻ chênh lệch 30.000 – 40.000 đồng

Tại chợ sỉ, giá que test các thương hiệu phổ biến chỉ ở mức 53.000 – 57.000 đồng/que (bán sỉ theo hộp), và bán lẻ từ 60.000 – 65.000 đồng/que nếu mua lẻ. Tuy vậy, tại nhiều quầy thuốc tây ở TP.HCM, giá bán lẻ các thương hiệu phổ biến đều ở mức trên dưới 100.000 đồng/que tùy nơi bán, tùy loại.

Chọn bộ xét nghiệm như thế nào cho đúng?

Ông Nguyễn Tử Hiếu, phó vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế, cho biết đã có 169 loại xét nghiệm nhanh COVID-19, bao gồm cả xét nghiệm nhanh bằng nước bọt và dịch tỵ hầu được cấp phép lưu hành. Trong số này chủ yếu là sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ… và cả sản phẩm sản xuất trong nước.

Ông Hiếu cho rằng trong quy định về nhãn mác, các sản phẩm test nhanh COVID-19 phải ghi số lưu hành và số giấy phép nhập khẩu/sản xuất đã được cấp. Các sản phẩm được cấp phép lưu hành đều đã vượt qua khâu thẩm định và đảm bảo về chất lượng.

Với giá sản phẩm, ông Hiếu cho rằng giá sản phẩm cũng tùy thuộc vào chất lượng của sản phẩm và sự ưa chuộng của thị trường đối với từng mặt hàng.

Từ 1-4 tới, mặt hàng test nhanh và test COVID-19 nói chung sẽ thuộc nhóm được quản lý giá, khi đó trách nhiệm kê khai và giải trình giá của các đơn vị cung cấp sẽ cao hơn để bảo đảm giá bán hợp lý.

Trả lời thông tin mức giá bán sản phẩm test nhanh COVID-19 ở một số quốc gia (như ở Đức) rẻ hơn nhiều so với Việt Nam, ông Hiếu cho rằng so với trước đây thì mức giá hiện nay đã thấp hơn.

Hơn nữa thời điểm dịch mới bùng phát, giá sản phẩm bao gồm chi phí nghiên cứu, khấu hao… nên có thể cao hơn, còn hiện nay công nghệ sản xuất đã được hoàn thiện và chi phí đầu vào rẻ hơn, nhiều nhà sản xuất cạnh tranh nên giá bán cũng rẻ hơn.

L.ANH

CẨM NƯƠNG – NGUYỄN TRÍ
TTO