01/11/2024

Chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng: Đừng bỏ quên lịch sử

Chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng: Đừng bỏ quên lịch sử

Công viên Bến Bạch Đằng vừa được chỉnh trang xong, đem lại một cảnh quan tươi mới, trật tự hơn trước. Chúng tôi rất hoan nghênh báo Tuổi Trẻ đã và đang lấy ý kiến góp ý thêm cho việc hoàn thiện không gian của công viên.

 

Chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng: Đừng bỏ quên lịch sử - Ảnh 1.

Tranh vẽ phác họa quy hoạch dọc bờ sông Bến Nghé từ Cột Cờ Thủ Ngữ đến xưởng Ba Son năm 1880 – Ảnh tư liệu

Nhiều ý kiến đã nêu rất xác đáng về việc sớm bổ sung, sửa đổi các mặt cây xanh, chiếu sáng, mỹ thuật và giữ xe. Ngoài các việc cần thiết nói trên, chúng tôi thấy cần chú ý ngay việc phát huy những giá trị lịch sử vốn có lâu năm tại địa điểm độc đáo này.

 

Nhiều dấu tích cần lưu truyền

Đoạn bờ sông Bến Nghé, từ Bến Nhà Rồng và Cột Cờ Thủ Ngữ đến nhà máy Ba Son cũ là một trong những di sản văn hóa quý hiếm của thành phố. Nơi đây tích tụ chuỗi giá trị lấp lánh của nhiều thời kỳ lịch sử, rất cần lưu truyền và quảng bá rộng rãi cho muôn đời sau.

Trước nhất, đó là những dấu tích lần lượt theo cung đường như sau:

– Nhiều sử sách ghi nhận Cột Cờ Thủ Ngữ là nơi từng được chúa Nguyễn đặt đồn thu thuế và là nơi cư trú đầu tiên của quân binh và lưu dân Việt Nam khi mới đặt chân trên vùng đất Bến Nghé vào khoảng năm 1623.

Theo Petrus Trương Vĩnh Ký, đầu thế kỷ 19, khu vực Cột Cờ Thủ Ngữ và đối diện trên đường Hàm Nghi ngày nay nguyên là trạm Gia Tân (trạm giao liên của triều đình) và nhà Công Quán (một dạng nhà khách chính phủ).

– Khi quản trị Sài Gòn, đầu thập niên 1860, cùng với việc xây dựng cảng Sài Gòn hiện đại, người Pháp cho làm cột cờ là nơi báo tín hiệu cho tàu thuyền ra vào. Cùng lúc đó họ xây tòa nhà Rồng và tòa nhà Hải Quan (tên xưa gọi là tòa Thương Chính).

Đây có thể coi là “bộ ba” kiến trúc phương Tây cổ xưa nhất xây dựng trên đất Việt Nam. Cả ba vẫn còn nguyên vẹn, đã được trùng tu, xứng đáng là những cột mốc mở đầu công viên Bến Bạch Đằng

– Theo Petrus Ký, khu vực từ Cột Cờ Thủ Ngữ đến công viên Mê Linh ngày nay, từ thời Chân Lạp cho đến nhà Nguyễn là bến sông chỉ dành cho vua, còn gọi là Bến Ngự. Đặc biệt, ở gần vị trí bến phà Thủ Thiêm từng có một kiến trúc mang tên Thủy Các. Đây là nhà làm việc và nghỉ mát bên sông của vua.

Có lẽ vị trí Thủy Các xưa chính là vị trí bến tàu thủy Bạch Đằng – đối diện tượng đài Trần Hưng Đạo hiện tại. Vì đây là vị trí quan sát thuận lợi cả hai đường sông hợp thành hình dáng bán đảo Thủ Thiêm. Mặt khác, nó có cảnh sắc khoáng đạt và thuận thiên theo thuật phong thủy phương Đông.

– Bến phà Thủ Thiêm xưa xuất phát là bến đò mang tên Cây Bàng, ra đời từ đầu thế kỷ 19, đến đầu thế kỷ 20 trở thành bến phà. Cầu tàu của bến phà còn đó, thể hiện dấu tích một nơi qua lại tấp nập của cư dân Sài Gòn nhiều thế kỷ.

– Đoạn bờ sông từ xưởng Ba Son cũ (nay là nhà ga Metro Ba Son và đầu cầu Thủ Thiêm 2) là nơi ghi dấu việc xuất xưởng những con tàu chiến Việt Nam từ cuối thế kỷ 18. Vào thời kỳ Lê Văn Duyệt là tổng trấn Gia Định (từ 1812 – 1832), đoạn bờ sông này là nơi tập hợp chiến thuyền để tập trận thủy quân trong lễ hội thao diễn quân sự diễn ra hằng năm, vào dịp rằm tháng giêng.

– Không phải ngẫu nhiên người Pháp cho xây dựng tòa nhà là Bộ Tư lệnh Hải quân (đến giờ vẫn còn sử dụng đúng chức năng xưa) tại đầu đoạn bờ sông xung yếu tiếp giáp với giao lộ bảy ngã, nay là Công trường Mê Linh.

Đối diện với tòa nhà Bộ Tư lệnh Hải quân là bến tàu dành riêng cho các tàu chiến và tàu của các tướng soái hải quân. Nơi đây có trưng bày nhiều khẩu pháo cổ và các súng bắn pháo hiệu để sử dụng cho việc nghênh đón khách quý hay điều hành duyệt binh trên sông. Khi sửa sang đoạn công viên này, cần đặt lại các hiện vật quý báu trên.

– Công trường Mê Linh với hồ nước bán nguyệt thiết kế hoàn hảo, ra đời từ năm 1957. Mười năm sau, tượng đài Trần Hưng Đạo ra đời tại đây, thay thế cho tượng đài cũ và đem đến một vẻ đẹp mới về cả lịch sử và tâm linh. Công trường và tượng đài Đức Thánh Trần vừa được tôn tạo, tu sửa xong sẽ là một dấu nhấn đẹp, đặc biệt dọc bờ sông Bến Nghé.

– Dãy phố đối diện công viên Bến Bạch Đằng có nhiều tòa nhà ghi dấu lịch sử giao thương và làm ăn nhộn nhịp của thành phố như khách sạn Majestic, tòa nhà Seaprodex (nguyên là tòa nhà hãng buôn Denis Frères), khách sạn Riverside (từng là trụ sở công ty giao thông đường thủy Nam Kỳ và Hãng hàng không Air Vietnam), khách sạn Liberty Central Saigon Riverside (tòa nhà Hãng đóng tàu CARIC cũ)…

– Dọc bờ sông, bến Bạch Đằng từng là bến tàu thuyền trong và ngoài nước lui tới, trong đó bến tàu đối diện khách sạn Majestic theo học giả Nguyễn Đình Đầu chính là nơi neo đậu con tàu khách đưa anh thanh niên Nguyễn Tất Thành xuất dương tìm đường cứu nước.

Trong hai cuộc kháng chiến, một số chiến công đánh hỏng tàu địch hoặc đấu tranh phản đối ngoại xâm đã diễn ra ở các bến tàu này.

Tiểu cảnh lịch sử cho khách thưởng ngoạn

Thiết nghĩ ở những dấu tích nêu trên rất cần đặt những bảng kỷ niệm và thông tin lịch sử theo những hình thức thiết kế phù hợp với cảnh quan sông nước và công viên. Đó cũng là cách lưu danh trân trọng những tên gọi xưa như Bến Nghé, Bến Ngự, Gia Tân, Thủy Các, Cây Bàng, Thủ Ngữ, Thủ Thiêm…

Mặt khác, ở công viên có thể sử dụng không gian bên trong và bên ngoài Cột Cờ Thủ Ngữ, cũng như các cầu tàu xưa, làm nơi trưng bày các hình ảnh, tư liệu lịch sử liên quan đến lịch sử khai phá và phát triển của Sài Gòn – Gia Định xưa.

Dọc theo bờ sông, vẫn nên duy trì một số hoạt động bến tàu và bến đò phục vụ đi lại và du lịch như nét sinh hoạt vốn có của một cảng thị, vào những thời điểm nhất định và ở những vị trí nhất định.

Bên cạnh đó rất nên bổ sung nhiều hình thức và phương tiện mới cho khách bộ hành dạo chơi, thưởng ngoạn bờ sông như kính viễn vọng, quầy sách báo và các tiểu cảnh lịch sử dành cho chụp ảnh.

Trên thế giới nhiều thành phố như Thượng Hải, Paris, Budapest, New York có “mặt tiền” hướng ra sông biển rất xinh đẹp và có nhiều công trình lưu dấu lịch sử.

Để hoàn thiện công viên Bến Bạch Đằng, không chỉ bằng “xã hội hóa nguồn vốn” mà còn bằng “xã hội hóa ý tưởng”, chúng tôi đề nghị cần có các cuộc thi thiết kế ý tưởng, mời gọi người dân góp ý tưởng và góp ý cho các phương án trước khi lựa chọn tiếp nhà đầu tư xây sửa công trình.

ben do xua Bach Dang 1(Read-Only)

Dấu tích bến đò xưa, về sau là bến phà Thủ Thiêm (cây cổ thụ và trụ cầu tàu cũ) cần đặt bảng kỷ niệm và thông tin lịch sử – Ảnh: P.TIẾN

Vừa qua có điều đáng tiếc trước khi công viên bị đào xới để làm lại, các cơ quan khảo cổ đã không được đào thám sát các di vật xưa có thể tồn tại dưới nền đất, như luật di sản đã quy định.

Mong các chuyên viên và hội đoàn về sử học, di sản, kiến trúc mỹ thuật, quy hoạch được mời góp ý ngay từ đầu việc chỉnh trang, tôn tạo những công trình liên quan các dấu tích lịch sử. Qua đó chúng ta sẽ không lãng quên và lãng phí tài nguyên lịch sử dồi dào của xã hội trên từng tấc đất gắn với công lao xây dựng và đấu tranh gìn giữ của tiền nhân.

PHÚC TIẾN
TTO