24/11/2024

Trường học có trẻ mắc COVID-19, xử lý thế nào?

Trường học có trẻ mắc COVID-19, xử lý thế nào?

Sau hơn một học kỳ học online hoàn toàn, đến nay dù mới được đến trường học trực tiếp có 4 buổi nhưng nhiều học sinh ở Hà Nội hết sức bối rối về cơ hội tiếp tục đến trường học vì trường có một số F0.

 

 

 

Trường học có trẻ mắc COVID-19, xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh được đo thân nhiệt và sát khuẩn khi đến trường – Ảnh: DUYÊN PHAN

Chị T.T.H. ở Kim Liên (Hà Nội) chia sẻ con chị mới đi học 1 hôm, lớp con chị có F0 nhưng chỉ những cháu tiếp xúc gần mới được coi là F1 và mới phải nghỉ, còn lại đi học bình thường. Chị băn khoăn không biết có đúng quy định không?

Phụ huynh vẫn lo lắng

Cháu A.N., một học sinh lớp 11, lo lắng lớp cháu có 1 bạn F0 đã ở nhà từ trước khi học sinh được đến trường, nhưng trường có mấy bạn phát hiện bệnh sau khi đã đi học, không biết liệu vài ngày nữa cả trường có phải nghỉ, quay lại học online hay không?

Dù vài ngày nay phần lớn học sinh ở Hà Nội đã được đi học trở lại, nhưng các gia đình Hà Nội vẫn rất vất vả đưa đón con đến trường vì trường chưa tổ chức bán trú, trẻ học nửa ngày tại trường rồi về nhà ăn trưa và lại phải vào học online ngay.

Tuy nhiên, sự vất vả này vẫn rắc rối chưa bằng quy định xử trí khi trường có người F0.

Theo quy định của liên sở Y tế và Giáo dục – đào tạo Hà Nội (ban hành tháng 12-2021), khi ghi nhận ca F0, trường phải kích hoạt ngay các phương án phòng chống dịch; báo cáo ngay cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của địa phương; thông báo cho F0, yêu cầu không tự ý di chuyển, tiếp xúc gần dưới 1 mét với người xung quanh, đeo khẩu trang và chờ hướng dẫn, xử trí; hướng dẫn cho F0 di chuyển đến phòng cách ly tạm thời, hạn chế di chuyển bằng thang máy, bố trí thang máy riêng và khử khuẩn sau ngay khi sử dụng.

Đặc biệt, hai sở của Hà Nội yêu cầu phong tỏa tạm thời toàn bộ trường, lớp nào ở yên trong lớp đó; thông báo thông tin chính xác cho người có mặt tại nhà trường, nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện 5K; thông báo, phối hợp với cơ quan y tế địa phương triển khai biện pháp phòng chống dịch.

Tách F0 và đưa đi cách ly, điều trị đồng thời phối hợp cơ quan y tế địa phương điều tra, truy vết, lấy mẫu, cách ly, rút gọn phạm vi phong tỏa phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Hà Nội vẫn nhiều nguy cơ

Với hàng loạt hướng dẫn như trên thì Hà Nội rất khó dạy và học trực tiếp bình thường, vì có F0 trong trường là trường đã tạm phong tỏa. Trong điều kiện mỗi ngày Hà Nội ghi nhận gần 3.000 người F0 mới thì nguy cơ trường học có ca F0 rất cao.

Trong khi đó, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chỉ người tiếp xúc gần trong vòng 2m mà không đeo khẩu trang trong không gian hẹp và kín tối thiểu 15 phút, hoặc có bắt tay, chạm vào da, cơ thể, ôm, hôn F0, hoặc chăm sóc, thăm khám F0 trong thời kỳ lây truyền mà không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân mới được coi là F1. Nếu có F0, lẽ ra trường chỉ khoanh vùng diện hẹp (F1) thay vì tạm phong tỏa cả trường. Mặt khác, hướng dẫn ở Hà Nội hiện cũng khác ở TP.HCM và nhiều địa phương.

Trong khoảng 2 tuần tới sẽ có thêm học sinh tiểu học và lớp 6 khu vực ngoại thành Hà Nội đến trường. Nhưng nếu cứ mở và đóng trường liên tục, hoạt động dạy và học sẽ rất khó khăn. Trong cuộc họp báo nhân phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, có thông báo cho biết Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và đào tạo đang rà soát hướng dẫn để bảo đảm an toàn cho học sinh tới trường.

Nếu có hướng dẫn chung hợp lý và khoa học, các gia đình và cả nhà trường đều đỡ lo lắng khi trong trường có ca mắc COVID-19.

Quy trình xử lý khi có người F0 tại trường học

– Bước 1: Thông báo kết quả dương tính cho trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch, tổ an toàn COVID-19 của cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh; tiếp tục cách ly tạm thời F0; thông báo cho trạm y tế địa phương triển khai các biện pháp phòng chống dịch…

– Bước 2: Đánh giá tình hình sức khỏe của F0, nếu có dấu hiệu suy hô hấp, thở nhanh hoặc khó thở, SpO2 dưới 96% thì liên hệ và chuyển đến bệnh viện có khoa, đơn vị COVID-19 trên cùng địa bàn, hoặc chuyển đến bệnh viện dã chiến bằng xe cấp cứu.

Nếu F0 không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ: tư vấn, hướng dẫn phụ huynh đưa học sinh về nhà để được trạm y tế địa phương tiếp cận xử lý theo quy định.

– Bước 3: Tạm ngưng ngay tiết học để vệ sinh khử khuẩn lớp học và xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên có mặt trong lớp (F1) bằng xét nghiệm nhanh kháng nguyên (mẫu gộp không quá 3 người).

Các lớp học khác hoạt động bình thường.

– Bước 4: Theo dõi F1 tất cả học sinh, giáo viên trong cùng lớp học với F0 và đã có kết quả xét nghiệm âm tính.

F1 đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều hoặc đã khỏi bệnh COVID-19: được đi học và làm việc bình thường nhưng tuân thủ 5K, xét nghiệm lại vào ngày 3, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng.

F1 chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 đầy đủ hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin nhưng có yếu tố nguy cơ như béo phì, mắc bệnh nền: cách ly tại nhà theo quy định, khai báo sức khỏe mỗi ngày cho nhà trường và trạm y tế địa phương nơi cư trú; xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 14 hoặc ngay khi có triệu chứng.

Đối với khối mầm non, nhà trẻ, nhóm trẻ:

Nếu có 1 ca dương tính với COVID-19 thì cho toàn bộ học sinh trong cùng lớp (F1) cách ly tại nhà theo quy định.

Sở Y tế lưu ý nếu trong cùng một ngày phát hiện từ 2 trường hợp F0 trở lên ở 2 lớp học khác nhau thì tổ chức ngay việc xét nghiệm tầm soát theo quy mô như sau:

Hai lớp ở cùng tầng thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trên cùng tầng.

Hai lớp ở khác tầng, cùng khối nhà thì xét nghiệm kiểm tra cho học sinh, giáo viên của tất cả các lớp học trong cùng khối nhà.

Hai lớp ở khác khối nhà, nếu có mối liên hệ dịch tễ thì xét nghiệm kiểm tra cho toàn bộ học sinh, giáo viên của trường. Nếu không có mối liên hệ dịch tễ thì chỉ xử lý theo lớp học.

Nguồn: Sở Y tế TP.HCM

Đồng Nai vẫn tính xét nghiệm COVID-19 học sinh khi quay lại trường?

DSC_1738 1(Read-Only)

Nhân viên Trường mầm non song ngữ Á Châu (TP Biên Hòa, Đồng Nai) dọn dẹp chuẩn bị đón trẻ quay lại học trực tiếp – Ảnh: A LỘC

Ngày 10-2, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) đã kiểm tra công tác chuẩn bị cho học sinh các cấp trên địa bàn Đồng Nai trở lại trường học trực tiếp.

Theo kế hoạch, Đồng Nai sẽ đồng loạt “mở cửa” cho toàn bộ học sinh, sinh viên quay lại trường học trực tiếp từ ngày 14-2 tới.

Ông Lê Quang Trung – phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai – cho biết tỉnh có kế hoạch xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh trước khi quay lại trường học trực tiếp (không xét nghiệm trẻ mầm non). Tuy nhiên, những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin hoặc khỏi bệnh COVID-19 thì không cần xét nghiệm.

Việc xét nghiệm theo phương pháp lấy mẫu gộp 3 vào các ngày 12 và 13-2 do ngành giáo dục, địa phương và nhà trường phối hợp thực hiện. Riêng các trường hợp tự xét nghiệm còn hiệu lực trong 72 giờ trước khi vào học thì không phải xét nghiệm lại.

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá rất cao nỗ lực của tỉnh Đồng Nai – 1 trong 3 tỉnh thành bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Song ông Phúc yêu cầu Đồng Nai tiếp tục bám sát chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng và Bộ GD-ĐT, “mở cửa” càng sớm càng tốt; tăng cường rà soát, đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học trở lại; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế xử lý khi phát sinh F0…

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ về tình trạng nhiều nơi bắt buộc 100% học sinh phải xét nghiệm COVID-19 mới được đến trường, ông Nguyễn Nho Huy, phó vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD-ĐT), khẳng định Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế không quy định việc này.

Một đại diện Bộ Y tế cũng cho biết địa phương đánh giá nguy cơ và quyết định cách thức phòng chống dịch tại tỉnh thành mình, nhưng phải cân đối và theo nguyên tắc quản lý chặt “vùng đỏ”, không để dịch lây ra “vùng xanh”. “Vì sao lại yêu cầu xét nghiệm học sinh, đẩy gánh nặng cho gia đình và các cháu, trong khi có yêu cầu xét nghiệm với công sở, với siêu thị, chợ hay không?”, vị này nêu. (A LỘC)

L.ANH
TTO