SpaceX muốn phóng thêm 30.000 vệ tinh
SpaceX muốn phóng thêm 30.000 vệ tinh
Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) lo ngại về kế hoạch triển khai thêm 30.000 vệ tinh trong dự án Starlink của SpaceX, cho rằng chúng làm tăng nguy cơ va chạm, cản trở quan sát thiên văn và khám phá vũ trụ.
Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) trước đây đã phê duyệt để SpaceX phóng 12.000 vệ tinh cung cấp Internet băng thông rộng trong dự án Starlink. Công ty của tỉ phú Elon Musk đang xin cấp phép thêm 30.000 vệ tinh Starlink thế hệ hai (Gen 2).
Vũ trụ chật chội hơn
Ngày 10-2, kênh CNBC cho biết mới đây NASA đã đệ trình hồ sơ dài 7 trang lên FCC nêu rõ những nguy cơ của việc triển khai Gen 2 cũng như các mạng vệ tinh khác.
“Với việc ngày càng nhiều đơn xin cấp phép gửi lên FCC, NASA lo ngại khả năng gia tăng đáng kể tần suất hoạt động trên vũ trụ và hệ lụy có thể xảy ra với các sứ mệnh khoa học và những chuyến bay vào vũ trụ” – báo cáo của NASA gửi FCC ngày 8-2 nêu.
Hiện có khoảng 25.000 vật thể được theo dõi trên quỹ đạo và khoảng 6.100 vật thể ở độ cao dưới 600km, theo Hãng tin Reuters. NASA cho rằng mạng lưới 30.000 vệ tinh của SpaceX sẽ “làm tăng gấp đôi số vật thể được theo dõi trên quỹ đạo và tăng số vật thể dưới 600km lên 5 lần”.
Một trong những lo ngại chính của NASA về Gen 2 là nguy cơ va chạm của chúng với các vật thể khác. Để tránh điều này, SpaceX đã thiết kế các vệ tinh có hệ thống chống va chạm tự động. Tuy nhiên, NASA hoài nghi tuyên bố của SpaceX cho rằng nguy cơ xảy ra va chạm là “zero”.
Một lo ngại khác là mạng Starlink phản chiếu quá nhiều ánh sáng Mặt trời, làm gián đoạn hoạt động của các kính viễn vọng không gian quan sát khí hậu Trái đất và ngăn các kính thiên văn trên mặt đất phát hiện các thiên thạch và tiểu hành tinh bay gần Trái đất.
Ngoài ra, NASA cũng lo ngại Gen 2 sẽ gây khó khăn cho sứ mệnh đưa tàu vũ trụ lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), bởi nếu được triển khai, sẽ có khoảng 20.000 vệ tinh Starlink trong quỹ đạo ngay bên dưới ISS.
Dù vậy, NASA không phản đối kế hoạch này khi nêu quan điểm: “NASA muốn đảm bảo việc triển khai Gen 2 được tiến hành thận trọng, theo cách đảm bảo an toàn cho các chuyến bay vào không gian và sự bền vững lâu dài trong môi trường vũ trụ”.
NASA kêu gọi SpaceX trình thêm bằng chứng về việc sẽ không làm gián đoạn hoạt động của cơ quan này trong tương lai. Họ cũng yêu cầu SpaceX cung cấp thêm thông tin kỹ thuật của Gen 2 để có cơ sở phân tích những nguy cơ và tác động của chúng với các sứ mệnh, và cả biện pháp giảm thiểu rủi ro.
Các đối thủ lên tiếng
Cũng trong ngày 8-2, các đối thủ của SpaceX như OneWeb (Anh), Amazon và Viasat (Mỹ) kiến nghị FCC áp đặt các điều kiện với kế hoạch của SpaceX trước khi phê duyệt, theo tạp chí PCMag.
Amazon lo ngại Gen 2 ảnh hưởng đến dự án Kuiper tương tự của họ. Amazon cho biết một số vệ tinh của hai mạng lưới này sẽ hoạt động trên cùng quỹ đạo, do đó hối thúc FCC yêu cầu SpaceX bố trí lại hàng trăm vệ tinh của Gen 2 ở quỹ đạo thấp hơn.
Hãng công nghệ của tỉ phú Jeff Bezos cũng yêu cầu SpaceX chia sẻ thông tin với các công ty khác về việc “vệ tinh (Starlink) nào đang kết nối với trạm phát sóng nào trên Trái đất” để giảm nhiễu sóng vô tuyến. “Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải chịu chi phí cho sự kém hiệu quả này bằng cách trả phí cao hơn cho một dịch vụ chất lượng thấp hơn” – Amazon cho biết.
Viasat cho rằng Gen 2 sẽ chèn ép các đối thủ cạnh tranh. Cứng rắn hơn, nhà cung cấp truyền hình vệ tinh Dish Network của Mỹ kêu gọi FCC bác đề xuất triển khai 30.000 vệ tinh của SpaceX.
“Chỉ riêng Gen 2 đã gấp khoảng 3 lần số vệ tinh hiện có trên quỹ đạo từ năm 1958. Những tác động gây nhiễu của một mạng vệ tinh như vậy là rất lớn”, Dish Network cảnh báo.
Theo Reuters, SpaceX vẫn chưa bình luận về những lo ngại của NASA và các đối thủ. Tháng trước, SpaceX kêu gọi FCC nhanh chóng phê duyệt kế hoạch Gen 2 của họ.
1.469 vệ tinh Starlink đang hoạt động
Theo trang Spacenews, kể từ tháng 5-2019, SpaceX đã phóng 2.042 vệ tinh Starlink. Không phải tất cả các vệ tinh Starlink này đều đang hoạt động hay còn trên quỹ đạo. Ngày 15-1, tỉ phú Elon Musk cho biết có 1.469 vệ tinh Starlink đang hoạt động và 272 vệ tinh sắp chuyển sang quỹ đạo hoạt động.