25/12/2024

Lần đầu phát hiện Omicron ở động vật hoang dã, lo ngại xuất hiện biến thể mới

Lần đầu phát hiện Omicron ở động vật hoang dã, lo ngại xuất hiện biến thể mới

Ngày 8-2, nhóm nghiên cứu tại ĐH bang Pennsylvania (Mỹ) cho biết việc phát hiện biến thể Omicron ở hươu đuôi trắng gây lo ngại loài này có thể trở thành vật chủ cho một biến thể mới.

 

 

Lần đầu phát hiện Omicron ở động vật hoang dã, lo ngại xuất hiện biến thể mới - Ảnh 1.

Một con hươu đuôi trắng tại công viên lịch sử Fort Lee trước cầu George Washington ở bang New Jersey, Mỹ. Hiện ở Mỹ có khoảng 30 triệu con hươu đuôi trắng – Ảnh: REUTERS

Theo Hãng tin Reuters, các mẫu máu và một số mẫu dịch mũi của 131 con hươu đuôi trắng tại quận Staten Island, thành phố New York cho thấy gần 15% trong số này có kháng thể chống SARS-CoV-2.

Phát hiện nói trên cho thấy những con vật này từng mắc COVID-19 trước đó, và dễ tái nhiễm với các biến thể mới, theo nhóm nghiên cứu của ĐH bang Pennsylvania.

“Việc tồn tại virus trong một quần thể động vật luôn làm tăng khả năng lây nhiễm ngược lại cho con người, song quan trọng hơn là nó tạo cơ hội để virus phát triển thành các biến thể mới”, ông Suresh Kuchipudi – nhà sinh vật học thú y tại ĐH bang Pennsylvania – cho biết.

“Khi virus hoàn tất việc đột biến, nó có thể lẩn tránh các vắc xin hiện nay. Do đó chúng ta có thể phải điều chỉnh vắc xin lần nữa”, ông Kuchipudi nói thêm.

Đây là lần đầu tiên biến thể Omicron được phát hiện ở động vật hoang dã trong bối cảnh biến thể này đang thống trị số ca mắc mới tại Mỹ.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), dù tới nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy động vật lây truyền virus sang người, song hầu hết các ca Omicron ghi nhận ở động vật đều có tiếp xúc gần với người mắc COVID-19.

Tháng 8-2021, Chính phủ Mỹ cho biết họ phát hiện các ca mắc COVID-19 đầu tiên ở loài hươu hoang dã tại bang Ohio. USDA từng báo cáo các ca mắc COVID-19 ở chó, mèo, hổ, sư tử, báo tuyết, rái cá, khỉ đột và chồn.

ANH THƯ
TTO