23/11/2024

Những nỗi lo thường niên khi trẻ đến trường sau Tết

Những nỗi lo thường niên khi trẻ đến trường sau Tết

Giữa niềm hân hoan đến trường chúc năm mới đồng nghiệp cũng như gặp gỡ học sinh, lòng chúng tôi xen lẫn nỗi lo thường niên: Lo trò vắng học và trốn tiết, lo trò chểnh mảng việc học, lo trò đua đòi chưng diện… Năm nay thêm nỗi lo về dịch bệnh.

 

Những nỗi lo thường niên khi trẻ đến trường sau Tết - Ảnh 1.

Học sinh lớp 7 Trường THCS Ba Đình (Q.5, TP.HCM) học buổi đầu tiên sau thời gian dài giãn cách xã hội. Ảnh chụp sáng 4-1 – NHƯ HÙNG

 

Những ngày Tết xôn xao đang trôi dần trong nỗi mong ngóng ngày đến trường của nhiều bạn nhỏ sau ngày dài gặp cô thầy, bè bạn trong lớp học trực tuyến.

Các địa phương nỗ lực mở cửa trường học, và nhịp sống học đường sẽ quay trở lại sớm nhất vào ngày mùng 7.

Giữa niềm hân hoan đến trường chúc năm mới đồng nghiệp cũng như gặp gỡ học sinh, lòng chúng tôi xen lẫn nỗi lo thường niên: Lo trò vắng học và trốn tiết, lo trò chểnh mảng việc học, lo trò đua đòi chưng diện…

Và năm nay thêm nỗi lo về dịch bệnh rình rập.

Năm nào cũng vậy, mỗi khi bước vào lớp sau kỳ nghỉ Tết, chúng tôi dễ dàng bắt gặp mỗi lớp vắng học vài ba học sinh.

Bên cạnh một số em có lý do chính đáng do theo ba mẹ du lịch, về quê chưa trở lại kịp, đa phần các em vắng học đều do còn “mải mê” vui Tết. Trong số đó tiềm ẩn cả nguy cơ học sinh bỏ học theo anh chị bôn ba về phương xa kiếm sống.

Tôi còn nhớ trong mấy ngày trước Tết, các em luôn miệng hỏi về lịch nghỉ Tết và bàn tán xôn xao về ngày trở lại trường – mùng 7. Một em nam lớp 7 nửa đùa nửa thật rằng “Em sẽ nghỉ Tết đến mùng 10”.

Lời “tuyên bố” ấy rất có thể biến thành sự thật. Chỉ cần nhà trường lơi lỏng một tí, phụ huynh lơ là một tí thì rất nhiều học sinh sẽ “ăn Tết” muộn nhất có thể.

Mặt khác, Tết vừa xong, dư âm vẫn vấn vương trong khóe mắt, trên khuôn mặt các em ngày đầu tiên đến lớp. Vì vậy, sự chểnh mảng trong học tập là điều tất nhiên.

Tình cảnh ngáp ngắn ngáp dài, vươn vai nhướng mắt, uể oải trả lời câu hỏi của giáo viên là hệ quả tất yếu của những ngày vui chơi quá đà, ăn ngủ không điều độ.

Bên cạnh đó, một số trường học ngay lập tức áp cái “khuôn” cứng nhắc của việc học tập ngay từ tiết học đầu tiên khiến các em thêm phần mệt mỏi, uể oải. Chương trình không thể không thực hiện, tiết học không thể không giảng bài.

Vậy nên, thầy cô vào đến lớp là giảng bài, nêu câu hỏi, gọi trò trả lời… Tâm thế chuẩn bị bài học không có, rất khó đòi hỏi các em hiểu bài, nhớ bài, phát biểu xây dựng bài!

Một nỗi lo không hề nhỏ nữa của giáo viên bắt nguồn từ chính sự thay đổi của các em sau Tết. Áo quần theo “mốt” nọ kia, tóc tai có phần nhuộm vàng, uốn gợn sóng… là hình ảnh “kém duyên” vô cùng lại xuất hiện trong môi trường học đường.

Rồi sự tiêm nhiễm nhiều thói hư tật xấu của học sinh khiến giáo viên rất buồn lòng. Có lẽ nhiều thầy cô ở trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ đồng cảm cùng tôi trước nỗi lo này. Các em tập tành hút thuốc, lén lút uống rượu bia và đem cả bài bạc đến lớp…

Cái lứa tuổi “dở dở ương ương” tập tành làm người lớn ấy đang rất cần sự quan tâm, uốn nắn của gia đình, nhà trường. Vì vậy, để kéo trẻ hòa nhập nhịp sống học đường sau Tết, tôi xin kiến nghị một số ý kiến sau:

Thứ nhất, nhà trường cần quan tâm sâu sát hơn nữa tình hình chuyên cần của học sinh. Các trường học cần chỉ đạo giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm báo cáo tình hình học sinh vắng học, trốn tiết ngay trong buổi học đầu tiên với ban giám hiệu và có biện pháp nhắc nhở, thông báo kịp thời đến phụ huynh. Có như thế mới ngăn chặn được các biểu hiện sa đà, lêu lổng chơi Tết rất nguy hại trong các em.

Thứ hai, mỗi gia đình cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc huy động học sinh đến lớp. Thương con không có nghĩa là phó mặc con chơi Tết “thả ga”. Yêu con không đồng nghĩa với việc nuông chiều theo tính nhõng nhẽo thích nghỉ học thêm vài buổi sau Tết của con cái.

Phụ huynh cần chuẩn bị cho con một tâm thế tốt trước ngày đến trường bằng nhiều cách khác nhau, nhất là ở những địa phương kéo dài việc học online suốt thời gian qua do diễn biến bất thường của dịch bệnh.

Bố mẹ có thể ra điều kiện cụ thể giữa chơi và học với trẻ lớn, đủ nhận thức. Bố mẹ cũng có thể gợi lên những dấu ấn tốt đẹp về mái trường, thầy cô, bạn bè với trẻ nhỏ để khơi dậy niềm hứng khởi đến trường trong các con.

Thứ ba, sự quan tâm và gần gũi của giáo viên cần phát huy hơn nữa trong việc ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong học sinh sau Tết. Đừng ra lệnh một cách cứng nhắc em này phải cắt lại tóc, em kia phải nhuộm lại mái đầu!

Đừng ra lệnh một cách rập khuôn rằng hôm sau không được mặc cái áo này, cái quần kia đến lớp! Đừng ra lệnh một cách máy móc rằng: “Cô cấm các em đánh bài, uống bia, hút thuốc”!

Chúng ta hãy thử thay đổi giọng điệu uốn nắn các em bằng cách “Cô thấy mái đầu này và chiếc áo kia không hợp với môi trường học đường. Em có nghĩ như vậy không?”… Thái độ thân thiện và lời góp ý nhẹ nhàng đôi khi lại có tác dụng đến không ngờ…

Thứ tư, bên cạnh việc tổ chức hoạt động giáo dục, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong trường học phải được đặt lên hàng đầu.

Thực hiện nghiêm túc yêu cầu tầm soát dịch bệnh sau khi trở lại trường, trang bị khẩu trang và nước sát khuẩn, thường xuyên vệ sinh phòng học… đều cần “kích hoạt” lại khẩn trương và thiết thực ngay sau Tết để nỗ lực mở cửa trường học an toàn và hiệu quả của các ban ngành liên quan và giấc mơ đến trường của học sinh không bị đứt gãy!

Xuân vẫn đang rộn ràng nơi nơi nhưng đã đến lúc thầy và trò cùng xốc lại tinh thần để bước vào những tháng ngày rộn vui hăng say học tập, rèn luyện, vui chơi.

THANH NGUYỄN
TTO