24/11/2024

Những khó khăn nào sau hơn một tháng học sinh TP.HCM đi học trực tiếp?

Những khó khăn nào sau hơn một tháng học sinh TP.HCM đi học trực tiếp?

Sau hơn một tháng học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 lần lượt đến trường học trực tiếp, Sở GD-ĐT TP.HCM đã nêu ra những khó khăn.

 

 

 

Những khó khăn nào sau hơn một tháng học sinh TP.HCM đi học trực tiếp? - ảnh 1
Học sinh học trực tiếp từ tháng 12.2021  Đ.N.T

Ngày 24.1, Ban Văn hóa xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở GD- ĐT về những khó khăn và thuận lợi trong công tác tổ chức dạy học trực tiếp sau thời gian học sinh ngừng đến trường vì dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, trong tháng 12.2021, khi thực hiện khảo sát tại một số quận, huyện, kết quả có từ 60 đến dưới 80% phụ huynh học sinh đồng ý cho con tham gia học trực tiếp. Tuy nhiên, trong thực tế, số lượng học sinh đi học trở lại cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ khảo sát, có nhiều trường tỷ lệ học sinh đến trường là 100%. Số học sinh vắng chủ yếu đang là F0, trong khu vực cách ly hoặc chưa trở lại thành phố.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT, nêu ra những khó khăn ghi nhận từ các trường: Công tác của nhân viên y tế tại tuyến trạm y tế phường/xã/thị trấn hiện đang quá tải (tiêm vắc xin, nhập liệu, lấy mẫu tại cộng đồng…) dẫn đến tình trạng một vài trường hợp không kịp hỗ trợ nhà trường phát hiện và xử lý F0.

Hơn 900 cơ sở giáo dục được trưng dụng cần phải được sửa chữa, vệ sinh khử khuẩn sau khi trao trả, một số cơ sở gặp khó khăn trong việc phải chi trả tiền điện, nước trong quá trình trưng dụng với chi phí khá lớn. Một số cơ sở giáo dục mầm non vẫn còn đang trưng dụng.

Phần lớn các cơ sở giáo dục khó khăn về thiết bị y tế phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, xử lý tình huống khi có ca nghi hoặc nhiễm bệnh và tầm soát F1 trong trường học như: Đồ bảo hộ, bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.

Một số cơ sở giáo dục thiếu nhân viên y tế trường học chuyên trách. Giáo viên vừa làm chuyên môn vừa kiêm nhiệm, gây khó khăn trong việc thực hiện phòng, chống dịch tại trường.

Một số phụ huynh học sinh không khai báo y tế địa phương và nhà trường khi có con em đang nhiễm bệnh trong thời gian học trực tiếp tại trường, gây cản trở trong công tác khoanh vùng xử lý F1 tại trường.

Bên cạnh đó, do nghỉ học một thời gian dài nên một số học sinh còn chủ quan, chưa thực hiện đúng quy định về khoảng cách trong giờ giải lao, cần phải có thầy cô nhắc nhở.

Những khó khăn nào sau hơn một tháng học sinh TP.HCM đi học trực tiếp? - ảnh 2
Ông Dương Trí Dũng, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu tại cuộc họp  BÍCH THANH

Cũng theo lãnh đạo của Sở GD-ĐT, một số cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trung tâm giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục mầm non, còn đang được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, khu vực cách ly tập trung, nơi lưu trú cho lực lượng phòng, chống dịch, trạm y tế lưu động.

Từ những khó khăn nói trên, để đảm bảo công tác tổ chức hoạt động học tập trực tiếp tại các đơn vị bền vững và hiệu quả, Sở GD-ĐT kiến nghị TP hỗ trợ trang bị bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 cho các cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học trực tiếp, có cơ chế định biên vị trí việc làm đối với nhân viên y tế trường học.

Để chuẩn bị tốt nhất cho công tác mở rộng học sinh các khối lớp còn lại đến trường học trực tiếp sau Tết Nguyên đán, Sở đề xuất TP chỉ đạo UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện nhanh chóng sửa chữa, cải tạo các cơ sở giáo dục được trưng dụng phục vụ công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo ngành y tế địa phương phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong trường học, đặc biệt là xử lý F0, F1 theo quy định.

 

BÍCH THANH

TNO